Tản mạn: PHÀ VÀM CỐNG
(Viết theo ký ức và cảm giác. Kính mời bà con quê nhà góp thêm ý kiến)
*Bến phà Vàm Cống nằm trên quốc lộ 80, nối liền 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, với bờ phía Đồng Tháp đặt tại ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, và bờ phía An Giang đặt tai xã Mỹ Thạnh, TX Long Xuyên
Phà Vàm Cống nằm bên bờ sông Hậu trên quốc lộ 80 nối tỉnh Đồng Tháp và thị xã Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên) của tỉnh An Giang. Bên bờ Đồng Tháp thuộc địa phận xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, và bên bờ An Giang thuộc địa phận phường Mỹ Thạnh, tp Long Xuyên.
Phà Vàm Cống là một trong những bến phà lớn sau Mỹ Thuận và Cần Thơ sẽ đi vào lịch sử hoạt động vì vào khoảng thang 9 hay 11 năm 2017 thì cây cầu Vàm Cống sẽ khánh thành nối huyện Lấp Vò, Đồng Tháp và huyện Thốt Nốt, Cần Thơ. Những cư dân làm nghề buôn bán theo bến phà ở hai bên bờ Vàm Cống sẽ đi tìm những công việc khác hay buôn bán những mặt hàng khác.
Nói đến phà Vàm Cống như nhắc đến ký ức của tôi khi còn sống tại Việt nam. Tôi lớn lên theo sự thăng trầm của bến phà Vàm Cống. Sở dĩ tôi nói vậy là vì quê Ngoại tôi thì ở chợ Vàm Cống nằm bên bờ Lấp Vò của tỉnh Sa Đéc, Đồng Tháp ngày nay. Còn quê Nội tôi ở tại thị xã Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Hai bên Nội Ngoại chỉ cách nhau con sông Hậu quanh năm phù sa nhiều tôm cá.
Thuở nhỏ, lúc thân phụ tôi đã được thuyên chuyển về quê nhà Long Xuyên, An Giang để làm việc tại Tiểu khu An Giang thì tôi có dịp qua lại bến phà Vàm Cống mỗi tuần khi Ba tôi đưa cả gia đình về quê Ngoại khi thì bằng xe nhà, lúc thì bằng xe Jeep quân đội. Khi đó, tôi còn nhớ, phà Vàm Cống có những chiếc phà 100 Tấn và 200 Tấn chạy qua lại hai bên bờ Vàm Cống nối Long Xuyên và Quận Lấp Vò. Vì sông rộng, và phải vào một con sông nhỏ sau khi qua một cái cồn mới đến được bờ Vàm Cống phía Lấp Vò nên mất rất nhiều thời gian khi qua phà Vàm Cống. Điều nầy làm cho khách nhàn du thích thú vì có thể thả hồn theo sông nước, nhìn ngắm lục bình trôi, hay hóng gió mát trên sông. Còn những ai bận rộn thì thật là không thú vị chút nào.
Ngày ấy bến phà Vàm Cống cũng nhộn nhịp không kém phà Mỹ Thuận và Cần Thơ. Nhưng sau tháng Tư 1975, bến phà Vàm Cống cũng dần dần thưa thớt xe cộ vì con đường từ Sa Đéc về đến Vàm Cống đầy ổ gà, ổ voi. Đường xấu, lại không bảo quản, người dân thì thi nhau đào lổ, rồi lót ván lấy tiền mãi lộ. Nếu xe nào đóng tiền thì họ lót ván cho chạy qua, còn không thì rút ván lên để những cái lổ tổ bố mà xe lọt xuống thì khỏi có chạy được. Sau đó vài năm thì được đắp lên bằng đất bùn ở dưới sông với đội ngũ công nhân là học sinh và cánh xe lôi. Thì con đường càng tệ hơn, cho nên xe cộ đi từ Sàigòn về Long Xuyên-Rạch Giá đã đi vòng đường qua phà Cần Thơ. Phà Vàm Cống càng lúc càng vắng xe, nên người ta đã kéo hết những chiếc phà 100 và 200 về phục vụ tại Mỹ Thuận và Cân Thơ. Thay vào đó là những chiếc trẹt bằng gỗ với một mỏ bàn đò và chỉ chở được một chiếc xe hơi. Vậy mà phà vẫn vắng xe, chỉ có khách bộ hành và xe hai bánh của dân địa phương mà thôi. Vắng xe, thì phà giảm thời gian hoạt động. Từ đó sinh ra đò máy, mà người dân địa phương gọi là đò dọc. Loại đò nầy rất nguy hiểm vì chủ đò luôn chở quá trọng tải, xe gắn máy, xe đạp cùng người đi bộ chen chút trên một chiếc đò khẳm, dễ chìm như chơi. Nhưng người dân vẫn phải sử dụng nếu không muốn chờ phà con rùa.
Ngày trước, bọn con nít chúng tôi rất thích lên phà chơi vào mỗi sáng hay chiều, vì được qua sông hóng gió mát, lại được nô đùa, ngắm người qua lại. Từ khi bến phà thay thế bằng những chiếc trẹt gỗ thì thú vui nầy cũng mất đi.
Sau tháng Tư 1975, Mẹ và tôi dọn về quê Ngoại để sinh sống trong sự bảo bọc của Ông Bà Ngoại, mấy Cậu Dì, và bà con trong thân tộc tại chợ Vàm Cống. Ngôi chợ nằm sâu vào trong cách bến phà Vàm Cống vài trăm mét. Nên vùng đất nầy là nơi tôi đã trưởng thành. Và bến phà Vàm Cống vô hình chung đã gắn liền với tôi, dù tôi không sống gần bến phà nầy. Hằng ngày tôi vẫn thấy nó miệt mài đón đưa khách sang sông. Và mỗi khi có dịp đi Long Xuyên là tôi lại ung dung thưởng ngoạn cảnh sông nước, xe cộ, người người trên bến phà nầy. Điều đặc biệt ở bến phà nầy là có hai ngôi chợ cùng tên ở hai đầu bến bắc. Một chợ Vàm Cống thuộc địa phận Lấp Vò, Đồng Tháp thì nắm sâu vô trong như đã nói ở trên. Một chợ Vàm Cống thuộc Long Xuyên, An Giang thì nằm ngay trên con đường dẫn xuống phà. Cho nên người phương xa, khi nghe tên chợ Vàm Cống, người ta thường nghĩ ngay đến ngôi chợ nằm bên Long Xuyên.
Những năm sau nầy, khi cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ đưa vào hoạt động thay cho hai bến phà, và con đường Sa Đéc Vàm Cống phần nào được sửa chữa, thì bến phà Vàm Cống nhộn nhịp trở lại với những chiếc phà lớn được đưa về từ Mỹ Thuận và Cần Thơ. Và người ta cũng đã cho dời bến phà bên bờ Lấp Vò ra phía ngoài ngang với bến bên bờ Long Xuyên để giảm thời gian duy chuyển và cũng để tránh cái cồn ngày càng bồi đắp. Hôm nay, khi những dòng chữ nầy được đánh máy thì cây cầu Vàm Cống cũng sắp sửa hoàn thành. Nghe nói đầu năm 2016? sẽ được đưa vào hoạt động, và bến phà Vàm Cống sẽ cùng chung số phận với bến phà Mỹ Thuận và Cần Thơ, sẽ lùi vào dĩ vãng. Mai đây khi có dịp về lại thăm quê, thì tôi cũng không còn cơ hội đứng trên phà để ngắm mây nước, lụt bình trôi như ngày xưa nữa.
Quốc Thái
Kính mời quý vị xem một vài đoạn phim về phà Vàm Cống mà tôi lấy được từ Youtube, photos from internet
https://www.youtube.com/watch?v=FORrJmahyb8
https://www.youtube.com/watch?v=1co7O_QBscI
https://www.youtube.com/watch?v=9n2JnkTAkVM
https://www.youtube.com/watch?v=BTpjXldTQ6w
https://www.youtube.com/watch?v=FTJHgH6Vx9A
No comments:
Post a Comment