Tuesday, July 28, 2015

Dấu Chứng Tình Yêu

Dấu Chứng Tình Yêu
Trích trong Chuyện Nổi Trôi 
của Tác gỉa:Hồ Phú Bổng

Thủy cầm cây bút lên và ký một cách thật dứt khoát. Nét bút thật mạnh, tạo nên một âm thanh khô khan, đến khó chịu trên trang giấy. Tiếng vị luật sư chậm rãi, rõ ràng, vang lên trong căn phòng yên ắng:
– Như vậy là thủ tục giấy tờ giữa hai bên coi như đã hoàn tất. Chỉ chờ chữ ký của Tòa là có hiệu lực.
Vĩnh đứng dậy, đưa tay qua phía Thủy, chờ cái bắt tay, nhưng Thủy ngoe ngoẩy khước từ. Vĩnh nói:
– Không bắt tay chia tay và cũng không có một lời chúc may mắn cho nhau sao? Dẫu sao, anh vẫn chúc Thủy được may mắn trong ngày tháng sắp tới.
Lời chúc của Vĩnh bị bỏ lại sau lưng khi Thủy thoát nhanh ra khỏi phòng như trốn chạy. Cánh cửa của quá khứ vừa đóng lại, nhưng chút mùi hương nước hoa của Thủy vẫn còn phảng phất chung quanh.
Vị luật sư bắt tay Vĩnh, nói mấy lời an ủi:
– Tôi hiểu tâm trạng của ông Vĩnh trong lúc nầy. Nhưng trường hợp như ông Vĩnh cũng không phải là hiếm trong cộng đồng người Việt hiện tại.
Vị luật sư có thêm chút chua chát, triết lý:
– Nước mất thì nhà tan, ông bà đã nói như vậy rồi!
Vĩnh chậm rãi ra xe. Anh khởi động máy xe cả chục lần mới nổ. Bất chợt anh mĩm cười khi nhớ lại câu chuyện tiếu lâm của một người đã khoe chiếc xe của anh ta: “Xe của tôi tốt lắm! Cái gì cũng kêu, chỉ trừ cái còi!”
Chiếc xe của anh có lẽ cũng thuộc vào loại nầy. Ra đường, Vĩnh bâng khuâng không biết lái về đâu. Sau cùng anh chạy đến một công viên, sát bờ biển. Cứ mỗi lần có điều gì cần suy nghĩ anh vẫn thường đến đây.
Vĩnh ngồi thu mình trên chiếc ghế của công viên. Trời cuối năm đang lạnh. Những nhánh cây trụi lá. Trơ cành. Anh nhìn mông ra biển vắng. Vĩnh tự hỏi, phải chăng cuộc hôn nhân 25 năm đầy thăng trầm, biến cố, mà không phải vì lý do cá nhân giữa anh và Thủy, lại đi đến kết thúc thật đơn giản như vậy sao? Những ngày chì chiết, căng thẳng, trong gia đình đã qua chưa? Liệu những ngày tháng sắp tới có êm ả hơn không?
Năm tháng tù đày đã tập cho anh một thói quen chịu đựng. Nhưng thử thách lớn lao đang xảy ra, thêm một lần nữa, đưa anh vào những suy nghĩ rối bời. Anh nghĩ, Thủy cũng có lý phần nào. Dù là mẹ của hai đứa con đang vào tuổi đôi mươi, nhưng Thủy vẫn còn rất trẻ. Sức sống còn tràn đầy của Thủy chẳng lẽ lại kéo lê cuộc sống với nỗi chán chường như anh trong hiện tại sao?
Ngày xưa, Thủy yêu cái hào hùng của anh. Thêm cái lãng mạn của những bản nhạc tình thời chiến, đã làm Thủy bỏ ngang việc học để lấy anh. Cái khô khốc của chiến tranh, cái lạnh lùng của bom đạn, đã tạo nên một nét đặc thù của người lính. Đã làm những tâm hồn ngây thơ tuổi học trò như Thủy, yêu mê mệt. Nhưng Vĩnh thì khác. Dày dạn nơi chiến trường, anh biết cái hẩm hiu của định mệnh. Một ngày nào đó, có thể, anh sẽ trở về “trên chiếc băng ca”. Có thể, anh sẽ trở về trong “hòm gỗ cài hoa”. Tiếng hát trữ tình, ướt sũng nước mắt của mấy cô ca sĩ thời danh đang vọng ra từ khắp mọi nơi, từ trong những quán cà phê bên đường. Anh thì dè dặt, lừng khừng. Thủy thì bồng bột, đam mê. Trình bày những âu lo của anh với ba má Thủy, ông bà cụ cũng chia sẻ điều đó với anh. Nhưng với sự cương quyết của Thủy nên cuối cùng cuộc hôn nhân vẫn diễn ra.
Ngày đó, bước chân chim của Thủy cứ quấn lấy dấu giày sô của anh trên khắp nẻo quân hành. Ngày đó, đã 25 năm! Kết quả của cuộc chiến, anh may mắn, đã không trở về trên chiếc băng ca.
Anh lại trở về từ nơi tù ngục!
Lúc còn trong tù, anh bắn tin cho Thủy là hãy tìm mọi cách đem con vượt biên, đừng lo nghĩ gì đến anh. Anh chấp nhận thân phận kẻ chiến bại. Anh bình thản đối phó với những âm mưu đày đọa của kẻ chiến thắng. Nhưng vợ con anh, họ phải thoát khỏi cảnh địa ngục nầy!
Vĩnh mừng đến rơi nước mắt khi được tin Thủy và hai con anh đã vượt thoát đến Mã Lai thành công. Với anh như thế là đủ rồi. Anh không mong ước gì hơn nữa. Nếu là một truyện phim đến đây là kết thúc thì thật cảm động và cao đẹp. Nhưng thực tế đời sống không ngưng lại ở đây.
Những ngày đầu đến Mỹ của ba mẹ con Thủy không dễ dàng. Thủy phải vật lộn với đời sống mới khi hai con còn thơ dại, những cô đơn về tình cảm, những cám dỗ về vật chất, không phải là nhỏ. Ngay lần đầu tiên đi nộp đơn xin hưởng tiền trợ cấp xã hội, một nhân viên người Việt tại quận, đã ngồi tựa ngửa trên ghế nệm, hai chân gát chéo lên mặt bàn, kêu Thủy vô phỏng vấn (hoàn toàn trái ngược với sự tế nhị, lịch sự của những người Mỹ mà Thủy được tiếp xúc) trong lúc Thủy vẫn rụt rè, ngồi thật nhẹ nhàng xuống ghế đối diện. Khi hiểu hoàn cảnh của Thủy và đặc biệt với nhan sắc của Thủy, ông ta đổi ngay thái độ. Ông bắt đầu… “tình nghĩa đồng hương” và muốn được trực tiếp đưa Thủy về lại nhà!
Hôm đón anh tại phi trường, ba mẹ con Thủy có chút xúc động, nhưng anh thì rơm rớm nước mắt. Hai con anh đều cao lớn hơn anh. Còn Thủy, đầy vẻ tự tin! Đối diện với họ, anh có cảm tưởng anh già hơn. Lụ khụ hơn. Người anh như thu nhỏ lại. Vợ con anh thì thật tự nhiên, còn anh lại lúng túng đến vụng về. Anh đã thấy sự tương phản khá rõ ràng ngay trong phút giây gặp lại nầy. Ban đầu, anh nghĩ chỉ cần chút thời gian để hội nhập, nhưng dần dần anh mới thấy hết được sự khó khăn. Ngày trước anh là niềm tự hào của gia đình, bây giờ Thủy và hai con là nơi nương tựa của anh. Trong thời gian đầu anh lệ thuộc hoàn toàn vào họ, từ giờ giấc sinh hoạt, đến giấy tờ, mua sắm. Đôi lúc anh muốn chống đỡ nhưng anh thất bại. Đôi lúc anh muốn phản kháng nhưng anh bất lực. Cuối cùng, dĩ vãng như cái mai của một chú rùa. Anh tìm được yên ổn khi thu mình dưới lớp vỏ dày cộm đó! Có nhiều điều mọi người trong gia đình không ai muốn nói đến, nó vẫn đến. Sừng sững. Chễm chệ. Và kết quả là nét bút cuối cùng của Thủy trên hồ sơ xin ly dị.
Vĩnh vẫn thấy thương Thủy hơn là trách. Dẫu sao, Thủy đã không bỏ anh, khi anh còn trong tù ngục. Thủy không đặt anh vào một sự đã rồi, như một số không ít người vấp phải khi vừa đặt chân đến đây. Anh kính trọng Thủy về điều nầy. Cuộc hôn nhân cũng như cuộc tình tan vỡ, anh buồn. Anh cay đắng. Nhưng anh không trách Thủy. Còn hai con anh? Chúng chưa phải là người Mỹ hoàn toàn để thấy việc ly dị là bình thường. Cho dù chúng là người Việt không có nhiều dĩ vãng như cha mẹ, nhưng chúng cũng biết sự phấn đấu của cha mẹ trong một quá khứ đau buồn. Vĩnh suy nghĩ. Bâng khuâng. Câu chuyện rồi sẽ xoay về đâu?
Hoàng hôn trên biển vắng đang xuống dần. Nhìn màu cam thẫm trên sóng biển rạt rào với từng đàn hải âu bay lượn, Vĩnh thở dài. Trở lại bãi đậu xe, se sắt trong tâm hồn. Anh nghĩ, anh phải trực tiếp nói chuyện với hai con.
Vĩnh vừa định tra chìa khóa vào cửa, thì Trang, con gái của Vĩnh ra mở. Trang nói ngay:
– Sao ba về tối quá vậy? Anh Hải về nhà lầm lì, không ăn tối và bỏ đi lại rồi.
Trang mang nhiều nét của Thủy. Biết lo lắng và cáng đáng công việc. Trang để ý và lo cả chuyện sinh hoạt trong gia đình cho Hải. Vĩnh yêu con gái nên khi nhìn con thì dự định nói chuyện với hai con của anh như tan biến. Anh thấy khó khăn vô cùng.
Bước vào căn phòng ngủ của vợ chồng anh, đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn ở đó nhưng cái ấm cúng không còn nữa, thay vào là một không khí lạnh lẽo bao trùm. Theo thỏa thuận riêng với nhau, Vĩnh sẽ dọn ra khỏi nhà trong vòng một tháng. Thủy không ép buộc nhưng Vĩnh tự nguyện nêu ra. Anh không muốn nấn ná ở lại giây phút nào khi cảnh đôi ngả đôi ta đã xảy ra. Tất cả là của Thủy gầy dựng, Thủy có quyền giữ nó. Anh không màng đến điều nầy. Hạnh phúc là điều quan trọng hơn tất cả, nên khi hạnh phúc đã sụp đổ, thì mọi thứ còn lại đều trở nên vô nghĩa. Điều lấn cấn trong anh là phải giải thích như thế nào với hai con. Khi còn ở ngoài biển anh thấy dễ hơn, nhưng đối diện với Trang anh mới thấy khó. Khó vô cùng. Trang vẫn còn nét ngây thơ trên khuôn mặt, nét ngây thơ của Thủy ngày xưa! Anh không đành lòng thấy nét ngây thơ đó đau khổ. Hải lớn hơn em, nhưng sự đổ vỡ giữa vợ chồng anh chắc chắn không đơn giản với hai con anh. Trang đang loay hoay bữa ăn tối cho anh. Anh hỏi Trang:
– Mẹ có nói gì với con không?
– Dạ không. Nhưng mẹ có nói gì đó với anh Hải. Thấy anh Hải sau đó vứt tập vở lung tung, rồi bỏ đi sau khi mẹ vừa ra khỏi nhà để đi làm. Con không biết là chuyện gì.
Vĩnh ngồi vào bàn:
– Con ăn tối chưa?
– Con mới vừa làm homework xong. Bây giờ ăn với ba.
Trang vừa trả lời vừa kéo ghế ngồi đối diện với Vĩnh. Nhìn Trang, Vĩnh thấy nghèn nghẹn nơi cổ. Anh biết anh không thể nào nuốt trôi được mấy miếng cơm. Vĩnh đứng dậy xoa đầu con gái rồi vỗ vỗ lên vai:
– Con ăn đi kẻo đói. Ba thấy mệt và không muốn ăn.
Trang ngước mắt lên nhìn Vĩnh. Ngơ ngác. Trong ánh mắt như chứa rất nhiều câu hỏi.
Mười một giờ đêm Thủy đi làm về. Hai vợ chồng không nói với nhau câu nào. TV thường ngày, giờ nầy vẫn còn mở. Hôm nay khác. Tất cả yên lặng. Những tiếng khua động nhỏ bây giờ như lớn hơn, kể cả tiếng dép đi trong nhà của Thủy. Khi Thủy vừa ở buồng tắm bước ra thì điện thoại reo vang. Thủy nhấc điện thoại lên. Trong khoảnh khắc, Thủy gào khóc, hốt hoảng. Trang chạy vội ra. Vĩnh lớn tiếng:
– Gì vậy?
Trang tiếp điện thoại. Vĩnh nhấc một cái khác. Vĩnh chỉ hiểu câu được câu chăng. Cả ba đều căng thẳng đến cực độ. Trang nói cảnh sát cho biết Hải say rượu, lái xe đâm vào một gốc cây và bị thương nặng. Trực thăng đã chở Hải về bệnh viện Bayfront được hơn một tiếng đồng hồ rồi. Mọi chi tiết khác phải liên lạc thẳng với phòng cấp cứu bệnh viện.
Vĩnh ngừng xe ngay cửa phòng cấp cứu. Thủy và Trang vội vã bước vào. Anh quay xe tìm chỗ đậu, rồi gục đầu lên tay lái trong giây lát. Mọi diễn biến quá nhanh và dồn dập. Đến lúc nầy anh mới thấy thêm sự yếu đuối của anh.
Anh có cảm tưởng mình như một cọng rác, cứ bị sóng đánh dồn dập. Và trôi đi…
Hải bị thương nặng, gãy một cánh tay nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng và Hải vừa được chuyển sang phòng ICU, nên không thể vào thăm ngay được. Thủy, Trang khóc sướt mướt. Vĩnh ôm Trang vỗ về. Thủy ngồi ủ rũ trên ghế. Thấy Thủy đau đớn, Vĩnh muốn bày tỏ một cử chỉ san sẻ. Anh lừng khừng. Rồi buông xuôi đôi tay. Thời gian chờ đợi thật dài và căng thẳng. Khi bác sĩ đến gặp gia đình Vĩnh, ông cho biết thêm chi tiết. Hải bị bất tỉnh khi xảy ra tai nạn. Thương tích ngoài da nhiều nơi. Cánh tay trái bị gãy, chờ chỉnh hình và mấy ngày sau sẽ bó bột. Tình trạng chung là an toàn nhưng cũng cần phải theo dõi.
Hải nằm ở bệnh viện được gần một tuần lễ qua. Thủy đi làm ca hai nên thường ghé thăm con trước khi đến hãng. Hôm nay Thủy đi sớm hơn thường lệ. Cửa phòng Hải khép hờ. Thủy nhẹ nhàng lách mình vào. Hải đang còn say ngủ. Trên cánh tay phải vẫn còn lòng thòng dây nhợ. Thủy xúc động nhìn con chăm chú. Vẫn đôi chân mày gãy nét có chút bướng bỉnh. Vầng trán thông minh. Bất chợt hình ảnh của Vĩnh 25 năm trước hiện về. Cuốn phim dĩ vãng đang chầm chậm quay lại. Cuốn phim của yêu đương, sôi nổi. Cuốn phim của giông bão, tàn khốc, và chia ly. Thủy như con thuyền gãy lái, đã nổi trôi bồng bềnh trên sóng đời cuồn cuộn đó.
Thủy nhớ lại thuở gian nan, từ những ngày đầu đến đây. Thủy đã lao vào công việc để lo cho hai con. Trách nhiệm và bổn phận của người mẹ làm Thủy quên hẳn bản thân. Nhưng đời sống càng ổn định, Thủy càng bị guồng máy vô hình cuốn phăng đi. Hạnh phúc gia đình đâu phải chỉ đơn giản là áo quần, sách vở, cơm nước cho hai con? Từ lâu gia đình Thủy không còn đúng nghĩa là một tổ ấm nữa. Thủy nhận ra điều đó. Nhưng tìm ra được một lối thoát đâu phải dễ dàng! Thủy cũng thấy mình đã mất đi sự kiên nhẫn và dịu dàng. Thủy lúc nào cũng giống như đang ngồi trong một chiếc xe, sẵn sàng đạp ga lao tới. Càng quen với tốc độ thì sự kiên nhẫn và dịu dàng càng mất đi.
Tình yêu cũng phải chạy theo vòng quay của kim đồng hồ!
Bây giờ nhìn Hải trên giường bệnh, Thủy thấy hối hận. Nhưng sự thật đã như vậy rồi! Nếu bắt đầu lại, thì phải bắt đầu từ đâu và như thế nào?
Hải mở mắt thấy mẹ đang chăm chú nhìn mình. Hải hỏi:
– Mẹ đến lâu chưa? Sao không kêu con dậy?
Thủy có chút bối rối:
– Mẹ cũng mới đến thôi…
Nhìn lọ hoa tươi trên bàn và một giỏ trái cây ở đó, Thủy hỏi con:
– Bạn bè con đến có đông không?
– Tối hôm qua cả ban thanh niên đến.
Hải chỉ vào cánh tay băng bột có nhiều màu mực và chữ viết:
– Tụi nó chúc con đây nè. Bây giờ đến phiên mẹ. Mẹ chúc con gì đi.
Thủy nhìn cánh tay con. Hải giục:
– Tới phiên mẹ đó.
Thủy chợt trẻ lại. Châm chọc:
– Chỉ một cánh tay gãy của con mà đủ sức chứa được rất nhiều người ngồi lên đây rồi mà.
Hải phụng phịu không trả lời. Tay phải còn lại cứ chỉ vào cánh tay băng bột. Thủy thấy yêu con vô cùng và loay hoay tìm cây bút nhưng không có. Cuối cùng Thủy nảy ra ý khác. Thủy lấy cây son môi trong túi mỹ phẩm ra, rồi nắn nót vẽ trên cánh tay băng bột của con, hình một trái tim chồng lên nhiều chữ viết. Vẽ xong Thủy chỉ tay vào đó nói với con:
– Trái tim của mẹ để ở đây nè!
Hải xúc động lắm:
– Cám ơn mẹ.
Thủy hôn lên trán con rồi ra xe đi làm. Ngồi vào xe, Thủy cứ nghĩ đến con, đến Vĩnh. Thủy với lấy chiếc khăn giấy, lau nhanh giọt nước mắt.
Sau khi ăn tối, Vĩnh và Trang vào thăm Hải. Trang châm thêm nước vào lọ hoa rồi lại ngồi bên cạnh giường anh, gọt trái táo cho Hải. Bất chợt Trang gọi Vĩnh:
– Ba lại đây coi nè. Có trái tim thật lớn và bí mật ba ơi!
Vĩnh lại gần. Trang lấy ngón tay chỉ vào hình trái tim màu đỏ trên cánh tay băng bột của Hải.
Vĩnh mĩm cười, hỏi Hải:
– Con có người yêu rồi sao không ai biết cả?
Hải nheo mắt nhìn Vĩnh:
– Chuyện bí mật mà ba!
Hải làm ra vẻ quan trọng và yên lặng mặc cho Trang thúc giục. Sau đó Hải kể lại với Vĩnh. Vĩnh không nói gì, chỉ chớp chớp mắt.
Hải hỏi:
– Còn phần của ba?
Vĩnh trả lời:
– Ba già rồi, đâu còn viết vẽ lộn xộn như tụi con được!
Hải nói:
– Khi trái tim còn trẻ thì con người không thể già được ba ạ.
Phút chốc Vĩnh thấy con trai như đã thực sự lớn khôn. Vĩnh hiểu Hải có ý khéo léo nhắc nhở anh. Anh thấy vui vui, hỏi lại con:
– Con muốn ba viết gì?
Hải không trả lời. Cũng điệu bộ giống như đối với mẹ, Hải cứ lấy ngón tay mặt chỉ chỉ lên những dòng chữ viết. Nheo nheo mắt nhìn Vĩnh. Vĩnh ngẫm nghĩ giây lát rồi lấy cây bút trên túi áo. Anh vẽ một trái tim khác lồng vào trái tim của Thủy. Vẽ xong anh nói:
– Ba thì chỉ có bắt chước mẹ con là giỏi thôi.
Hải cám ơn ba, tiếp:
– Hai tuần nữa là đám cưới của chị Yên Yên và anh Tư. Anh Tư không có thân nhân ở đây nên có ý muốn nhờ ba mẹ đại diện họ đàng trai nhưng anh Tư ngài ngại nên nhờ con thăm dò trước.
Vĩnh ngẫm nghĩ:
– Con có thưa với mẹ chưa?
– Mẹ nói rất thương anh Tư và chị Yên Yên. Theo mẹ thì không có gì trở ngại.
Vĩnh nghe vậy bảo con:
– Thế thì con tin cho anh Tư biết đi.
Vợ chồng Vĩnh đại diện họ đàng trai trong lễ cưới của Yên Yên và Tư, ngồi nghe lại bài giảng về ý nghĩa của hôn nhân. Hai mươi lăm năm trước Vĩnh và Thủy cũng nghe bài giảng nầy. Sau khi sửa lại mắt kiếng, ông Mục Sư nhìn thẳng vào Tư và Yên Yên, kết luận: “Căn bản của hôn nhân không phải là hưởng thụ. Mà là sự chia sẻ. Chia sẻ và nương tựa vào nhau. Chia ngọt, sẻ bùi, dù sung sướng hay bệnh hoạn. Không có đám cưới nào linh đình, sang trọng hơn là đám cưới của Hoàng Thái Tử Charles và Công Nương Diana của Anh quốc. Nhưng cuộc hôn nhân nầy thất bại. Đổ vỡ hoàn toàn. Vì họ thất vọng lẫn nhau! Kết thúc là cái chết của Công Nương Diana khi cùng đi chơi với người tình! Một lễ tang lớn nhất thế giới có hàng triệu người theo dõi và rơi lệ… Căn bản của hôn nhân là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là sự thụ hưởng mà là sự ban phát! Không có khuôn mẫu nào cho hạnh phúc trong hôn nhân nhưng chỉ có một nguyên tắc để thực hiện hạnh phúc. Đó là “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau”.
Vĩnh thấy Thủy có vẻ xúc động nhưng anh không biết Thủy đang nghĩ gì. Còn anh, thì cố giấu tiếng thở dài! Anh bối rối. Một lát nữa đây, anh phải thay mặt cho họ đàng trai, nói đôi lời kết thúc hôn lễ. Dù chuyện riêng của hai vợ chồng anh, bên ngoài chưa ai biết, nhưng những lời anh sắp nói ra sẽ bị thu vào video, sau đó sẽ ra sao?
Tiệc cưới không tổ chức tại nhà hàng nhưng tổ chức ngay tại phòng thông công của nhà thờ. Nhân viên của nhà hàng đến bày dọn thật đẹp mắt. Cả hai họ đều cùng trong Hội Thánh và quan khách được mời đến thật đông. Bàn cô dâu, chú rể, dâu phụ, rể phụ trang hoàng đặc biệt và được mọi người chiếu cố. Dù cánh tay trái còn băng bột nhưng Hải vẫn phải làm rể phụ, vì Tư và Yên Yên “thích cái tự nhiên như vậy”. Khi Yên Yên khám phá ra hình hai trái tim lồng vào nhau trên cánh tay băng bột của Hải thì cả bàn náo nhiệt hẵn lên. Hải bị cật vấn ráo riết. Yên Yên hăm dọa:
– Hải không thành thật khai rõ về trái tim bí mật nầy thì chắc chắn mọi người không ai tha cho Hải đâu!
Hải đùa lại:
– Cùng lắm thì tháng tới sẽ có đám cưới khác nữa thôi. Lúc đó chị Yên Yên và mọi người sẽ biết “trái tim bí mật”! Còn bây giờ thì làm sao bật mí ra được.
Yên Yên quan trọng:
– Nhưng ai là người đẹp? Không xí xọn giả vờ!
Hải yên lặng khá lâu, làm như như phải suy nghĩ, rồi chỉ tay về phía mẹ. Yên Yên không hiểu. Hải giải thích thêm:
– Tháng sau thì ba mẹ Hải sẽ tổ chức lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày cưới mà người Mỹ gọi là lễ “đám cưới bạc” đó.
Yên Yên và mọi người ngạc nhiên.
– Không xạo à nghen! Hai mươi lăm năm mà hai trái tim vẫn còn lồng vào nhau! Anh chị sẽ lại hỏi cô chú đó. Và phải chúc mừng cô chú nữa!
Hải không nói, chỉ gật đầu. Đám cô dâu chú rể, dâu phụ rể phụ cùng nhau kéo đến bàn ba mẹ Hải. Mọi người đều hào hứng theo dõi. Yên Yên nói:
– Chúng cháu thành thật chúc mừng cô chú!
Vĩnh và Thủy cùng ngỡ ngàng. Yên Yên tiếp:
– Hải vừa kể cho tụi cháu nghe câu chuyện của hai trái tim vàng trên cánh tay băng bột của Hải. Chúng cháu cảm động lắm. Không ngờ đã 25 năm mà tình yên cô chú còn lãng mạn hơn cả tụi cháu bây giờ nữa. Không biết bao giờ thị tụi cháu được ăn mừng đám cưới bạc của cô chú đây?
Cả Thủy và Vĩnh đều bối rối. Thủy quay qua nhìn Vĩnh cầu cứu và như đợi câu trả lời của Vĩnh. Thủy mắng yêu con trai:
– Lại cái thằng Hải nữa!
Tàn tiệc cưới, Thủy và Vĩnh không ra về ngay. Cả hai tự ý trở vào lại bên trong nhà thờ. Vĩnh và Thủy đứng yên lặng bên nhau, nhìn lên cây thập tự giá. Ánh nến lung linh trên bàn thờ tiệc cưới của Yên Yên và Tư còn đó. Không khí thật yên tĩnh, trang nghiêm. Trong cái vắng lặng uy nghiêm của lễ đường, hình như tiếng thổn thức từ cõi lòng của Thủy và Vĩnh, có thể nghe được. Vĩnh âu yếm nhìn vợ. Thủy lần nắm lại bàn tay Vĩnh. Cả hai đều xúc động như lần đầu được nắm tay nhau. Vĩnh thì thầm bên tai Thủy;
– Anh tự hỏi, ai là cô dâu chú rể chính trong lễ cưới hôm nay?
Thủy chớp chớp đôi mắt. Mấy giọt lệ lăn dài trên má. Vĩnh nói:
– Giọt nước mắt của em làm anh nhớ đến giọt nước mắt của cô dâu của anh trong lễ cưới hai mươi lăm năm về trước! Em còn nhớ không?
 
 

No comments:

Post a Comment