Wednesday, July 13, 2016

Tạp ghi: Hồi ức về Bóng đá, môn thể thao vua

Hồi ức về Môn thể thao vua

Nói đến môn thể thao vua, ai cũng biết đó là môn chơi nào rồi: đá banh, hay còn gọi là bóng đá (theo người Bắc), hoặc túc cầu. Môn thể thao nầy hiện nay có hàng triệu tín đồ trên thế giới, trong đó có cả tôi. Vì là vua nên có rất nhiều người mê, nhiều người thành danh trong sự nghiệp đá banh, và cũng không hiếm người tán gia bại sản trong sự nghiệp cá độ.

Vâng, cá nhân tôi cũng như bao người khác, có một niềm đam mê với môn đá banh nầy. Năm lên 10 tôi đã biết đến môn thể thao vua nầy và có niềm đam mê với nó cũng như bao nhiêu người già trẻ lớn bé khác. Tôi còn nhớ, lúc đó Ông Ngoại tôi là một ông bầu đá banh, nên Ông thường tổ chức các trận banh giao hữu cũng như tranh giải cho các đội banh địa phương. Có những đội đến từ Saigon, Biên Hoà, Long Khánh, v.v... Có nhiều đội banh đóng bản doanh tại nhà Ngoại tôi khi về đây thi đấu. Nhưng tôi nhớ nhất vẫn là đội banh Nghệ sĩ Saigon với nghệ sĩ Hùng Cường làm đội trưởng. Nghệ sĩ Hùng Cường cùng các cầu thủ nghệ sĩ của ông đã đóng quân tại nhà Ngoại tôi suốt một tuần thể tham gia các trận đấu giao hữu tại quê tôi, Vàm Cống. Ở tuổi lên 10, tôi và bọn trẻ cùng lứa rất mê những cú đá phạt từ ngoài vòng 16m50 cũng như những cú đá phạt góc của nghệ sĩ Hùng Cường. Chúng tôi mê vì ông đá trái banh theo hình chữ C rất đẹp, căng và xoáy, làm cho thủ môn đối phương khó lòng đoán được. Niềm đam mê cũng đến với tôi khi những lần theo Cậu làm nhiệm vụ xách giày để được ké vào sân không tốn tiền. Và những lần đi với Mẹ bán nước mía trong sân, được xem đầy đủ các trận banh. Thường khi đó sẽ có một trận mở màn giữa hai đội banh địa phương, và trận chính giữa hai đội tranh giải hoặc đội banh đến từ phương xa thi đấu giao hữu. Rồi từ đó, tôi bỗng dưng cũng trở thành "cầu thủ" đá banh "mũ" chân trần với bọn con trai cùng trang lứa từ năm lên 10.

Nói đến "cầu thủ" đá "banh mũ" với "đôi chân trần" là nói đến môn chơi thú vị của bọn con trai chúng tôi. Hồi đó chợ Vàm Cống quê tôi chỉ nhóm buổi sáng. Buổi chiều, sau khi anh chị lao công quét dọn sạch sẽ ngôi chợ thì cũng là lúc cái sân chợ ấy trở thành sân chơi của bọn chúng tôi. Chợ có bốn mặt sân, nhưng chúng tôi chỉ chơi có hai mặt, vì mặt kia vừa là sân chợ, vừa là đường xe chạy xuyên qua ngôi chợ, mặt còn lại thì có các mái che ra cùng những đống gạch đá của cửa hiệu bán đồ xây dựng. Hai sân còn lại, một có hình vuông, một hình chữ nhật. Những "cầu thủ" "đàn anh" lớn tuổi hơn thường chiếm cái mặt sân có hình vuông, bọn "đàn em" chúng tôi thì chiếm mặt sân hình chữ nhật. Đứa nào đá hay hơn thì được tham gia với các "đội" của "đàn anh". Chiều nào cũng các các trận thư hùng "banh mũ" diễn ra. Banh mũ, hay còn gọi là banh nhựa, với cách trang trí như những trái banh da, sau nầy còn bắt chước hoa văn theo kiểu banh World Cup hay Euro, tuỳ theo mùa, được chúng tôi mua về, và dùng kim may để châm một lỗ nhỏ để xì hơi. Lý do là để banh không nhồi bậy trên nền sân xi măng, và không bị bể khi các "cầu thủ" và chạm với banh. Nếu banh còn hơi, một cú "mặc-kê" là banh sẽ bể. Để có những trái banh, chúng tôi mỗi đứa hùn một ít tiền rồi kéo nhau đến tiệm để lựa mua. Tiền còn dư thì giao cho một đứa cất lại để dành lần sau. Các "đội banh" thường được chia ra bằng cách rút thăm, và mỗi đội sẽ có từ ba đến bốn "cầu thủ" cùng "thủ môn". Tất cả chúng tôi đều ham làm tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, hơn là thủ môn vì thường có banh để đá. Nếu vô nhằm đội hay, các cầu thủ giỏi thì thủ môn có nước ngáp ruồi, nên ít đứa nào chịu làm thủ môn. Giải quyết sao đây? À! có cách rồi, thế là chơi cái màn "u quế, sỉn sùm". Đứa nào thua chót sẽ phải làm thủ môn hết ngày ấy. Còn một điều nữa, vì bọn con trai lớn nhỏ ở chợ quá đông, và vì đứa nào cũng là "cầu thủ" hết, mặc dù có đứa đá rất hay, rất chuyên nghiệp, có đứa đá theo kiểu "chém đinh chặt sắt", có đứa hễ thấy banh là "bùm" không cần kỹ thuật, nhưng hầu hết đều được chơi chung với nhau. Thế là chia đội và đá luân phiên bằng cách "đội" nào thua sẽ ra sân nhường chổ cho đội kế tiếp vào đá với "đội" vừa tung lưới đối phương, và cứ thế mà xoay vòng. Đội chiến thắng sẽ được đứng sân đã mãi cho đến khi bị tung lưới thì nhường chổ. Khung thành, chỉ đơn giản là một đống dép, một đôi, một đống áo quần, hay bất cứ vật gì có thể tạo được hai dấu mốc khung thành. Banh trúng tay thì đứa nào phát hiện, đứa đó la lên "me", thế là đá phạt. Banh ra ngoài (dù không có đường biên), thì một đứa bên đội đối phương sẽ kêu "nu", thế là được ném biên. Vì sân xi măng nên lát đầu gối, sút móng chân, trầy trụa thân thể mỗi lần té là chuyện thường tình. Chính vì tính chất "nguy hiểm" và dễ "bị thương" mà tôi không được Mẹ ủng hộ cho chơi, dù rằng chiều nào tôi cũng ra "sân" để đá. Và dĩ nhiên, thân thể tôi cũng dính những thương tích như vừa kể trên. Còn một điều cũng không kém phần thú vị là những hàng quán cạnh "sân" của chúng tôi luôn là "nạn nhân" khi một trái banh buồn tình bay vào làm bể đồ trong ấy. Khi đó thì chủ nhà/chủ quán sẽ chạy ra chửi cho một trận rồi tịch thu trái banh. Hôm nào có thằng con của ông bà chủ ấy tham gia thì nó chạy vào nhà lấy trái banh trở ra thì trận đấu lại tiếp tục, còn không thì phải thay trái banh khác vậy.

Đến năm 1982, tôi cũng như hầu hết mọi người đều được biết đến giải World Cup và được coi truyền hình trực tiếp từ Liên Xô cũ. Và thế là chúng tôi mỗi thằng đều đặt cho mình một cái tên, hoặc bị đặt, của những cầu thủ nổi tiếng, cho nên trong lúc đá với nhau, muốn thằng đang giữ banh giao banh cho mình thì cứ kêu cái tên cầu thủ nổi tiếng mà đã được gán cho nó chớ đâu có gọi tên cúng cơm của nó đâu. Thành ra cứ mỗi buổi chiều là hàng loạt siêu sao của thế giới từ Nam Mỹ sang Âu châu, Úc châu, Á châu tràn ra sân xi măng để đá banh nhựa. Và các trận thư hùng nẫy lửa giữa các siêu sao cũng diễn ra gay cấn không kém gì World Cup hay Euro.

Ngoài những trận cầu banh nhựa nẫy lửa như vừa kể trên, chúng tôi còn tuyển ra những đứa hay để đi đá xóm. Chúng tôi ở chợ thì là Xóm Chợ, những đứa ở gần nhà máy xay lúa thì gọi là Xóm Nhà máy, rồi Xóm Đình, Nhà hát, Cầu bắc, Bến xe, Xóm Nôm, Xóm Vòng kè (do con đường lòng vòng và nằm lọt thỏm vô trong nên có tên nầy chăng? Tôi cũng không biết), Xóm Cây xăng. Trong đó dữ nhất và chém đinh chặt sắt nhất là hai cái xóm Cầu bắc và Bến xe (nghe tên thôi cũng đủ biết dữ cở nào rồi hén). Nhưng cái đám ở chợ vẫn hơn vì vừa chơi đẹp, hay, lịch sự, và cái lợi thế là ở chợ nữa. Thằng nào léng phéng thì khỏi đi chợ ăn hàng vì sợ bị đón đường. Những trận banh nhựa nầy cũng nảy lửa như những trận của Cúp C1 bên tận trời Âu vậy. Tất cả các trận thư hùng đều có cái mặt của tôi tham gia. Ngoài ra tôi còn có một đội banh nhựa gồm những anh em trong gia đình, là những anh em họ với nhau: nhà Cậu Ba tôi thì cung cấp một thủ môn, nhà Dì Tư  có hai tiền vệ, tôi là con người thứ Năm, chơi ở tiền đạo, nhà Dì Út có hai, thì một là hậu vệ, một là tiền vệ tấn công. Khi đó bọn "cầu thủ" kia cho chúng tôi cái tên là "đội thằng Bảo" hay "đội bà hai Nhan" (tên của Bà Ngoại tôi), và chúng tôi ở dãy phố trên. Bên kia dãy phố có đám của Tài chệt gồm có mấy đứa con mấy ông ba Tàu bán thuốc Bắc ở cùng dãy. Đám nầy thì có tên là "đội thằng Tài" hay "đội ông Quảng An", tên Ba của Tài. Hai đám chúng tôi là kỳ phùng địch thủ, cứ hẹn hò đấu đá với nhau triền miên. Ngoài đá ở sân chợ, chúng tôi còn đá ở sân nhà máy xay lúa, sân cây xăng, hay giữa đường ở bến phà mỗi khi không có phà qua lại (khi phà cặp bến, xe lên đường một chiều thì trận đấu tạm ngưng, xe lên hết, trận đấu lại bắt đầu), sân Đình, nhưng thích nhất là sân nhà hát vì nơi đây có sân đất, toàn bộ các sân còn lại đều là xi măng và tráng nhựa. Nhưng các sân nầy chỉ là đồ bỏ, sân ruộng mới là ớn. Đôi khi ôm banh đi đá với mấy đứa ở quê là phải chơi sân ruộng rồi. Dân chợ công tử ủi sao lại đám nhà nông...chuyên cày ruộng và quen với sân ruộng.

Ngoài những buổi chiều đá banh mũ, tôi còn tham gia cho đội banh của trường trung học nơi tôi đang theo học những năm từ lớp 10-12. Khi chơi cho trường học, chúng tôi được cung cấp banh da và áo đấu, còn quần, giày, vớ thì tự lo. Các "cầu thủ" của trường chỉ tham gia thi đấu ở các giải trường trung học do Sở Giáo dục tỉnh đứng ra tổ chức mà thôi, chứ nhà trường không ghi danh tham gia các giải đấu của địa phương. Sau khi tốt nghiệp trung học cũng là lúc tôi về tham gia với đội banh của địa phương mình.


Khi chúng tôi lớn lên thì Chú Xuân họp chúng tôi lại và lập đội banh đàng hoàng với giày và banh da, nhưng chưa có đồng phục. Khi thi đấu thì bắt thăm, một mặc áo, một ở trần. Ông bầu Xuân nầy là dân buôn chuyến Saigon nên khắt khe lắm. Phải tập dượt hằng ngày, không nhậu nhẹt mỗi khi có thi đấu. Một hôm trước khi ông bầu đi Saigon lấy hàng, gọi chúng tôi lại và dặn dò là phải chạy bộ thể dục để hôm sau thi đấu, và tuyệt đối không uống rượu. Nhưng tối hôm đó chúng tôi đã nhậu. Sáng hôm sau bị ông bầu chửi cho một trận như vầy: ĐM tụi bây, đá banh mà cứ nhậu, sáng chạy bộ, chiều tập dợt, tối nhậu, ĐM má tụi bây cũng chết đừng nói tụi bây"...Dễ sợ chưa. Và tôi cùng nhiều đứa đồng trang lứa đã từ những thằng "cầu thủ" đá banh mũ trở nên những "cầu thủ" phong trào theo từng thời kỳ của các công ty, xí nghiệp, địa phương...tham gia tranh giải tại địa phương rồi đến huyện, thị xã, tỉnh, và những dịp tranh tài với các đội banh nghiệp dư ở các tỉnh lân cận. Và nhờ sự quyên góp của các nhà hảo tâm mê đá banh, chúng tôi đã có hẳn những bộ áo quần cho đội banh của mình. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng chỉ là những "cầu thủ" nghiệp dư mà thôi.

Năm 1988 đội tuyển Hà Lan vô địch Châu Âu, và các cầu thủ áo da cam là thần tượng của tất cả chúng tôi. Năm 1992 tôi định cư tại Mỹ và về sống tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida nắng ấm hiền hoà. Năm 1994 Hoa Kỳ là nước chủ nhà World Cup, và tôi được vinh hạnh theo chân một người Bác vào xem các trận trên sân Citrus Bowl. Nhưng cái niềm hân hoan, phấn khởi nhất là được ăn mừng chiến thắng cùng các thần tượng áo da cam của mình tại Church Street Station, tiếc rằng khi đó không có máy ảnh hay điện thoại đa năng như bây giờ để chụp lại những khoảnh khắc ấy. 


Và rồi cái nghiệp quần đùi áo số (ông bà mình chơi chữ nhiều khi cay cú thiệt) nghiệp dư của tôi lại được tiếp tục khi tôi vào đại học và tham gia vào đội banh ở trường. Khi đó phong trào đá banh tại Mỹ chưa mạnh nên chơi được một thời gian ngắn thì rã đám. Và tôi có may mắn lại được mời tham gia vào đội banh của công ty, cũng đã từng được tranh giải giữa các công ty trong Orange County, Seminole County, và vùng Kissimmee. Các sân ở khu vực Fairground cũng đã có dấu chân tôi. Nhưng cũng không bao lâu, cái giải nầy cũng đi vào quá khứ vì thiếu tay chơi và cũng vì người Mỹ chưa có mặn mòi với môn đá banh như bây giờ.

Còn nhớ, hồi đó tôi có mấy người bạn người Brazil, mỗi khi tranh tài World Cup họ thường rủ tôi đi xem ở những nhà hàng người Ba Tây trên đường I-Drive trong các trận có đội Brazil thi đấu. Đến đây tôi bỗng dưng hoà nhập vào với người Ba Tây, khoác cờ Ba Tây trên vai và cỗ võ cho đội ấy. Tôi cũng la hét không kém gì một người dân Ba Tây. Ăn mừng khi chiến thắng, buồn bả khi thua trận. Đây là những cảm giác, những kỷ niệm khó quên nhất của tôi.

Vừa qua, giới mộ điệu môn đá banh đã mãn nhãn với các trận thư hùng của hai giải lớn đó là Copa America với chức vô địch về tay đội Chile, và giải Euro 2016 với cúp vàng về tay đội Bồ Đào Nha, đã chứng kiến những kịch tính, những buồn vui, những nụ cười và nước mắt của kẻ thắng trận, người thua cuộc....

Đá banh là môn thể thao đã ăn sâu vào máu thịt của cá nhân tôi và của hàng triệu triệu người trên hành tinh nầy. Môn đá banh là sợi dây liên kết những cá nhân, những tập thể, những quốc gia lại với nhau không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị. Tôi yêu biết bao môn thể thao nầy từ khi mới lớn cho đến tận hôm nay và mãi mãi.

Quốc Thái

No comments:

Post a Comment