Tuesday, September 20, 2022

CẢM NHẬN KHI ĐỌC THƠ TT



 Cảm Nhận

khi đọc thơ TT


Mùa Thu luôn gợi lên cho thi nhân, nhạc sĩ những cảm xúc dâng trào, để từ đó cho ra đời những đứa con tinh thần mà người thưởng ngoạn có được những phút giây thăng hoa theo từng lời thơ, tiếng nhạc mà thi nhạc sĩ đã thổi hồn vào trong đó. Vì lẻ đó mà đã có biết bao thi nhạc sĩ đã làm nên những vần thơ, nốt nhạc tạo nên bức tranh Thu làm đẹp cho đời.


Mùa Thu, là mùa của những nỗi buồn, của những chia ly, của những cuộc tình tan vỡ. Và cũng chính mùa Thu, đã mang lại cho tác giả TT nhiều cảm xúc để sáng tác nên bài thơ dưới đây:


THU

Nắng Thu cháy cả trời Thu

Em Thu để dịu lời Ru một thời

Chẳng phô trương rất kiệm lời

Em và Thu quyện cho đời đắm say!

(bản gốc)


Bài thơ chỉ vỏn vẹn một chữ "Thu" để diễn đạt cái âm điệu của mùa lá vàng rơi rơi khắp lối. Thông thường các tác giả luôn đặt tên cho tác phẩm của mình ít nhất là hai chữ trở lên, nhưng ở bài thơ này tác giả TT chỉ dùng một chữ cho lời tựa để truyền đạt đến độc giả tâm tư của mình.


Mùa Thu, ánh nắng ít gay gắt hơn, và ông mặt trời cũng xuống núi sớm hơn mùa Xuân Hè, thế nhưng tác giả đã mở đầu bài thơ như sau:

"Nắng Thu cháy cả trời Thu"


"Nắng Thu" có thể đốt "cháy cả trời Thu", câu này có đắt giá không quý vị (?). Theo tôi, nó rất hay và rất đáng giá. Quý vị nghĩ sao về câu thơ ấy? Riêng cảm nhận của cá nhân tôi thì "ánh nắng mùa thu" dù có mát dịu hơn so với ánh nắng mùa hè, nhưng nó vẫn có thể "đốt cháy cả trời Thu". Cũng giống như Em vậy. Tuy Em thuộc phái yếu, hiền hoà, nhu mì, nhưng Em có thể đốt cháy cả trái tim Anh, một cánh mày râu lực lưỡng, một lãng tử phiêu bạt giang hồ. Không biết cái cảm nhận này có đúng với ý của tác giả không (??) Và ta cũng có thể nghĩ đây là một lối viết theo kiểu nhân cách hoá về Thu. Thu này có phải chăng là một nhân vật nào đó trong lời thơ của tác giả, để rồi dẫn đến câu thứ hai như sau:

"Em Thu để dịu lời Ru một thời"


Có hai chữ mà tác giả đã viết hoa, "Thu", "Ru". Không biết hai chữ viết hoa này tác giả dùng với dụng ý gì (?), tên của nhân vật nào đó đã từng xuất hiện trên con đường mà tác giả đã đi qua, hay chỉ là sự nhấn mạnh cho một động từ "ru". Sở dĩ tôi đặt hai giả thiết trên là muốn quý độc giả có thể mường tượng ra một đôi tình nhân đang sánh bước bên nhau với những lời nói âu yếm ngọt ngào mà họ đã từng ở vào một mùa Thu nào đó đã thuộc về dĩ vãng. Câu thơ rất hay. Đã có "một thời" nàng "Thu" đã từng "dịu ngọt" trong những lời thì thầm tựa như "lời ru" mà nay đã không còn nữa... bởi sự chia ly, ngăn cách vô hình.


Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đọc câu thơ thứ ba để xem tác giả muốn nhắn gởi điều gì hé:

"Chẳng phô trương rất kiệm lời"

Với câu này có thể tác giả đang diễn tả về nội tâm của cá nhân mình, bởi ai quen biết và thân thiết với tác giả đều biết rằng tác giả là một người hướng thiện, không những thế, mà tác giả còn là một người có tâm hồn cao cả, tấm lòng vị tha, và một sức chịu đựng kiên cường. Dù trải qua bao sóng gió, khổ cực, những bệnh đau về thể xác lẫn tâm hồn, nhưng tác giả chưa bao giờ than thân trách phận, hay oán trách ông Trời. Khi đạt được những thành tựu, tác giả cũng không hề khoe khoan như đại đa số người vẫn thường hay làm. Không "phô trương" mà còn "rất kiệm lời", chính yếu tố này đã làm nhiều người thương mến và nể phục.


Sang câu thứ tư, cũng là câu kết, và câu này, theo ý của cá nhân tôi, cũng là một đâu đắt giá:

"Em và Thu quyện cho đời đắm say!"

Thật là hay. "Em" cũng như mùa "Thu" đã làm say đắm bao lòng người. Khi hiểu về em, người ta càng thấy trân quý và mến phục em hơn. Cũng như mùa thu, dù nó rất buồn, nhưng không thiếu những thi nhân mặc khách làm thơ viết nhạc về thu. "Em và Thu quyện" vào với nhau để mang đến cho "đời" những "đắm say" tuyệt mỹ.


Trên đây chỉ là những cảm nhận của riêng cá nhân tôi. Đáng lẻ tôi đặt bút về bài bình luận về bài thơ Thu này của tác giả TT, nhưng sau khi đọc nhiều lần, một cảm xúc, một cái gì đó dâng tràn trong tôi, một cảm giác khó tả..., chính vì lẻ đó, mà tôi thay thế bằng một bài cảm nhận để diễn đạt cái tâm trạng của mình khi đọc bài thơ ngắn này.

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn một câu của một người bạn, người em đã nói với tôi. Bài thơ "chỉ vỏn vẹn có bốn câu nhưng rất thi vị.".


Cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ đọc bài viết này.


Quốc Thái

No comments:

Post a Comment