TÌNH NGƯỜI XA XỨ
Truyện ngắn Quốc Thái
Chỉ còn bốn ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Một cái Tết Cổ truyền của dân tộc Việt mà hầu hết người Việt Nam nào cũng biết và nhớ, nhất là người Việt ở hải ngoại. Ở những nơi có đông đúc người Việt sinh sống thì cái Tết Việt cũng ấm cúng vô cùng với các chợ hoa, thức ăn, hàng quán...đông nghẹt người, cùng những sinh hoạt như: hội chợ, ca nhạc, các cuộc thi sắc đẹp, thể thao, diễn hành, họp mặt tất niên và tân niên, .....
Hôm nay, Hai mươi Sáu tháng Chạp Âl, anh Hợi đang dọn dẹp nhà cửa, và chuẩn bị khăn gói lên đường để nhường chổ cho anh Tý về cai quản nhân gian. Ông An đang hí hoái ngồi ghi lại những thứ cần thiết để chút nữa đây cùng đứa con trai lớn đi chợ mua đồ về cúng Tất niên. Sau khi ghi xong các món cần mua, ông kiểm tra lại và hài lòng với công việc chuẩn bị của mình. Hơn chín giờ sáng, thằng con lớn của ông, đang nghĩ phép ăn Tết, ra khỏi phòng và bảo ông chuẩn bị để hai cha con lên đường ra chợ:
-Ba ơi chuẩn bị đi chợ nha.
-Ừ! Ba xong từ sớm rồi, chỉ chờ con thôi.
-Ý chết, sao Ba không gọi con?
-Đâu có sao. Chín giờ sáng chợ mới mở cửa mà. Mười giờ mình đi cũng đâu có trể.
-Vậy Ba đợi con chút nha, con pha ly cà phê rồi cha con mình đi.
-OK.
Năm nào cũng vậy, con ông đều xin nghĩ phép mười ngày để ăn Tết với gia đình, bạn bè, và cộng đồng người Việt Quốc gia nơi đây. Và năm nào cũng vậy, ông dậy từ sớm, ghi xuống giấy những thứ cần mua, rồi thay đồ, ngồi uống cà phê, hay xem ti vi để chờ thằng con cùng đi. Sau một vòng ở các chợ của Phố Việt, hai cha con ông An đã tậu đầy đủ nào bánh, mứt, hạt dưa, hoa, các loại trái cây, bánh Tét cho ba ngày Tết. Đi chợ xong thì cũng đã hơn mười hai giờ trưa, hai cha con ông ghé vào một quán phở mỗi người một tô cùng hai ly cà phê đá.
Chở ông An về đến nhà, Đức đem hết đồ đạc vào trong và đi công việc. Còn một mình ở nhà, ông An dọn dẹp bàn thờ, bày các thứ lên để chuẩn bị cúng. Trong xóm nhà ông còn có nhà của ông bà Tân, và Cô Bảy, họ đều không có con cái sống chung vì chúng có gia đình và ra ở riêng. Ông bà Tân có ba người con, đều là trai, đã có gia đình con cái và ở các tiểu bang khác nhau, nên thỉnh thoảng chúng mới về thăm ông bà một đôi lần vào những dịp con cái chúng nghĩ hè, hay dịp lễ Tạ Ơn và Giáng sinh, Tết Tây. Tết Việt thì bọn chúng xin phép vắng mặt vì công việc, và vì con cái chúng phải đến trường. Cô Tám chỉ có duy nhất đứa con gái, chưa có gia đình, nhưng làm việc ở tiểu bang xa, có năm về được, có năm không. Ông An, có tất cả bốn người con. Ông sống chung với vợ chồng Đức, đứa con gái lấy chồng ở tiểu bang kế cận, thằng con út có gia đình riêng ở cùng thành phố, duy chỉ có đứa con gái út theo chồng ở tận bên Canada. Bọn trẻ thì bận đi làm, đi học, chỉ có những người già ở nhà lo chuẩn bị đón Tết mà thôi. Nếu Tết rớt vào ngày làm việc, ai xin nghỉ được thì may mắn, còn không thì phải đi cày, vì là Tết mình chớ đâu phải Tết của người bản xứ. Còn nếu rớt vào ngày cuối tuần như cái Tết năm nay thì khỏi phải nói, rất là vui vẻ, nhất là đối với người lớn tuổi, còn mang nặng quê hương, vì con cháu đều không đi làm, đi học, có thể tề tựu về đông đủ.
Nhớ lại hôm đưa Ông Táo. Trời vừa sụp tối, cũng là lúc ông An, vợ chồng ông Tân, và Cô Bảy, đồng loạt cúng tiễn Ông Táo. Sau khi cúng trong nhà, họ đem giấy vàng mã ra đốt ở trước sân cùng với chưn hương. Trong lúc hí hoái đốt giấy thì con dâu ông An về. Cô nàng thấy tro giấy và khói bay nhiều quá nên hốt hoảng:
-Ba ơi, sao Ba đốt gì mà lửa, tro và khói bay nhiều quá, coi chừng hàng xóm họ báo cảnh sát
-Không sao đâu con. Hồi chiều này Ba có qua nhà hàng xóm để nói cho họ biết rồi. Họ biết đó là phong tục của mình nên họ cũng thông cảm và vui vẻ nói Ba cứ tự nhiên.
-Nhưng Ba cũng giữ cho nó gọn gọn để tránh ô nhiễm.
-Ba biết rồi.
-Còn không, để con phụ Ba.
-À, còn vài tờ nữa thôi. Ba cám ơn con. Con coi vô tắm rửa đi. Chồng con chắc cũng sắp về tới.
-Dạ, thôi con vô nhà.
Sau nghi thức này, ông An vào nhà đem con cá "chép" đi thả xuống hồ trong khu nhà của ông, tức là phía sau nhà cô Bảy. Rồi vào nhà cô Bảy, gọi hai ông bà Tân qua tán gẫu trà mứt cho vui.
Mọi người trò chuyện rôm rả. Kể những câu chuyện từ thời còn bé thơ ở quê nhà với những đêm thức canh chừng nồi bánh tét, làm mứt, đánh bóng lư hương, dọn dẹp nhà cửa, sơn phết nhà cửa. Những buổi chợ Tết đông đúc vui vẻ, những lúc đi coi tập lân, rồi tiếng pháo nổ đì đùng. Họ kể cho nhau nghe từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, từ lúc trưởng thành cho đến lúc lập gia đình, có con cái. Cho đến những cái Tết đầu tiên nơi xứ Mỹ. Những nụ cười giòn tan, những giọt nước mắt, những cảm xúc dâng trào, lắng động của bốn ông bà già sắp bước qua lứa tuổi bảy mươi. Những câu chuyện của họ làm ấm lòng những người con xa xứ. Con cái họ, những đứa trẻ lớn lên ở đất nước Cờ Hoa này, dù cũng có sinh hoạt trong cộng đồng người Việt, cũng nhớ đến cội nguồn, tham gia những dịp Lễ Tết Việt, nhưng dòng sinh hoạt ở xã hội Hoa Kỳ với chúng là những sinh hoạt chính, còn Việt chỉ là phụ mà thôi. Nên Xuân về Tết đến chúng không mặn nồng lắm. Hơn nữa những ngày Tết Việt thường rơi vào các ngày làm việc, nên đa số bọn trẻ vẫn phải đi làm bình thường. Chỉ có một số ít xin nghĩ phép để ở nhà ăn Tết. Nếu Tết rớt vào những ngày cuối tuần thì bọn chúng mới chuẩn bị xôm tụ như là ăn uống hay đi chơi đây đó.
Những dịp Xuân về, các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng người Việt Quốc Gia, chùa chiền, nhà thờ....thường tổ chức các lễ hội để bà con đồng hương tụ tập về ăn uống, giải trí, hàn quyên tâm sự, cúng kính, thăm hỏi nhau, và những buổi trình diễn ca nhạc, những buổi tiệc Tất niên, Tân niên, v.v... kéo dài từ đầu tháng Chạp âm lịch. Ở những ngôi chợ Việt nói riêng, và các chợ Á đông nói chúng bày bán đủ các mặt hàng Tết. Đây cũng là một truyền thống có từ mấy chục năm nay nên cũng ấm lòng người con Việt xa quê hương.
Hôm Chủ nhật, nhằm Hai mươi Lăm Tết Âm lịch. Sáng sớm Cô Bảy gọi điện thoại qua nhà rủ ông An:
-Hello. chào anh. Anh khoẻ không?
-Cám ơn cô Bảy, tôi khoẻ. Còn cô?
-Tôi cũng khoẻ. Tôi gọi điện thoại qua anh định rủ anh đi ra chợ ăn phở, sẵn đi dạo một vòng chợ Tết luôn đó mà. Anh có rảnh không?
-Về hưu rồi có gì đâu mà bận rộn. Ok, chút cô qua hé.
-Ok, ba mươi phút nữa tôi sẽ ghé.
-Hẹn gặp cô.
Ông An off máy, vào trong thay đồ, ngồi chờ cô Bảy qua. Trong khi đó thì cô Bảy vừa trang điểm nhẹ, vừa hát vu vơ mấy điệu nhạc Xuân. Cô Bảy dù đơn thân, con cô đi làm ở xa, nhưng bên cạnh cô cũng có hai đứa cháu ở tiểu bang khác qua đây làm việc và sinh sống ở nhà cô, bên cạnh đó còn có ông An và vợ chồng ông Tân, luôn qua lại thăm hỏi nhau, nên cô cũng rất vui vẻ và yêu đời.
Đúng ba mươi phút, cô Bảy đã đến trước cửa nhà ông An, bấm chuông. Ông An từ bên trong nhà đi ra trong một bộ đồ mùa đông lịch lãm với cái quần tây đen, áo sơ mi sọc phía trong, bên ngoài là một cái áo nĩ đỏ sọc trắng, chân mang giày đen bóng loáng. Cô Bảy đứng nhìn ông sững sờ:
-Chà anh An hôm nay đẹp trai quá nha
-Hi hi, tôi lúc nào cũng vậy mà cô. Nhưng mà hôm nay cô cũng đẹp hơn đó.
-Mình đi chợ Tết mà anh, phải đẹp một chút cho có mùa xuân.
-Đúng rồi.
-Thôi mình đi đi anh.
Hôm nay Chủ nhật, lại là những ngày cuối năm nên khu chợ Việt rất đông người. Kẻ đi ăn uống, người đi mua sắm đồ Tết. Những đứa bé theo cha mẹ, ông bà đi chợ, đi chơi, nói cười inh ỏi, chạy nhảy tung tăng. Hoa quả, hàng quán, tiếng nhạc Xuân, tiếng nói cười của tất cả mọi người, những dòng xe cộ, người đi bộ trên phố....tất cả đã tạo nên một khung cảnh Tết ấm cúng.
Ông An và Cô Bảy được người phục vụ quán phở cho ngồi một cái bàn cạnh khung cửa kiếng, sát ngoài đường lớn cho nên hai người có thể ngắm nhìn mọi cảnh sinh hoạt ở bên ngoài nhà hàng phở này. Vừa ăn, họ vừa chuyện trò vui vẻ, và ngắm người qua lại.
Rời nhà hàng phở, ông An và cô Bảy đi dạo chợ Tết, và cũng để mua một số đồ dùng cần thiết cho ba ngày Tết. Đến hàng hoa, ông An bỗng sáng mắt khi trông thấy một chậu mai đẹp, một vài bông mai đã nở, cùng những búp mai sắp sửa ra hoa. Ông An đoán là mai sẽ nở rộ vào ngày Mùng Một Tết, nên ông đã quyết định mua nó. Trong khi đó thì cô Bảy nhận được một cú điện thoại. Cô đến nói với ông An:
-Anh ở đây lựa mai nhe. Tôi ra ngoài nghe điện thoại một chút.
-Ờ.
Ra phía bãi đậu xe, cô Bảy trả lời điện thoại:
-Hello, mẹ nè con.
-Hello mẹ. Mẹ khoẻ không?
-Ờ mẹ khoẻ, còn con?
-Dạ con cũng khoẻ. Mẹ đang làm gì vậy?
-Oh! Mẹ đang đi chợ Tết nè con. Tết này con có về ăn Tết với mẹ không?
-Mẹ ơi, con xin lỗi. Tết này con bận rồi. Có một cái Project cần phải làm cho xong trước ngày Hai mươi Bảy Tây...Có gì tuần sau con sẽ về bù lại mẹ nhé.
Lòng cô Bảy chùn xuống, một cảm giác buồn buồn len vào trong lòng, nhưng cô cũng ráng gượng cười và nói:
-Được rồi con. Con đừng lo cho mẹ. Ở đây mẹ có bà con chòm xóm, và hai chị họ của con nữa nên mẹ không có cô đơn đâu. Con lo việc của con đi. Khi nào rãnh thì về.
-Dạ mẹ. Vậy con tạm biệt mẹ nhe. Có gì con sẽ gọi.
-Bye con.
-Bye mẹ.
Sau khi off máy, nước mắt cô Bảy chợt tuôn trào, vừa lúc ông An bước ra:
-Chuyện gì vậy cô Bảy?
-À! không có gì.
-Sao cô lại khóc?
-Đâu có. Chắc tại bụi bay vô mắt.
-Con cô báo là nó không về được phải không?
-À, ờ, ....cháu nó bận việc nên không về được anh à.
-Hai đứa con tôi cũng vậy. Chúng nó bảo là bận việc nên không về ăn Tết với tôi được. Thôi cô cũng đừng buồn. Còn có tụi tui ở đây mà.
Cô Bảy lau khô dòng lệ, gượng cười, cùng với ông An trở vào chợ để mua nốt số đồ còn lại.
Ông An thì hí hửng khi tậu được một chậu mai đẹp. Trên xe ông nói chuyện huyên thuyên, vừa để khoe thành tích hôm nay, cũng cốt ý để cho cô Bảy bớt buồn. Còn cô Bảy chỉ lái xe mà không nói một lời nào cho đến khi về tới nhà:
-Cám ơn anh đã tìm đủ mọi câu chuyện để nói hầu giúp tôi hết buồn. Biết rằng con nó bận rộn, nhưng sao vẫn thấy buồn buồn anh à.
-Thôi, cô đừng nghĩ ngợi gì nữa. Mai mốt cháu sẽ về thôi mà. Hơn nữa cô còn có hai đứa cháu ở chung mà. Mình sống ở đây thì phải chịu vậy thôi. Mấy chục năm rồi chớ đâu phải mới một sớm một chiều đâu cô Bảy.
-Anh thì sướng rồi, có hai vợ chồng thằng con ở chung.
-Nhưng tụi nó cũng đi suốt chớ có ở nhà đâu. Thằng Đức năm nào cũng nghĩ phép mười ngày ăn Tết, nhưng nó cũng đi miết từ sáng đến tối. Hết việc cộng đồng, đến việc hội hè, thành ra tôi cũng ở nhà có một mình, còn vợ nó thì chỉ xin nghĩ có ngày mùng Một mà thôi.
-Như vậy anh cũng có con ăn Tết chung, còn tui chỉ có một mình.
-Thôi mà đừng có buồn nữa. Đâu phải lần đầu đâu. Có gì chạy qua tôi.
-Nhưng mấy năm trước tôi còn đi làm nên không thấy buồn. Năm nay đã nghĩ hưu rồi, vì vậy cảm thấy trống vắng.
-Có gì gọi cho tôi. Cô không qua đây thì tôi qua cô.
-Ok, bye anh, tôi về.
-Ờ cô về đi. Đừng nghĩ ngợi gì nhiều nhe.
-Cám ơn anh
-Tôi cám ơn cô mới đúng đó. Nhờ hôm nay cô chở tôi đi chợ mà tôi mua được cây mai này. Ngày mai tôi sẽ làm tài xế cho cô lại nha.
-Được rồi, anh khách sáo quá hà.
Ông An bê chậu mai vào nhà, đặt ngay giữa phòng khách, ngắm nghía hồi lâu, ông hài lòng với vị trí của cây mai, và cũng hài lòng với quyết định tậu cây mai này của mình. Ông ra sau nhà lấy cái bình xịt, cho nước vào và tắm táp cho cây mai. Đang hí hoái với đứa con của mình thì chuông cửa reo. Ông An bảo thầm: Ai mà đến bấm chuông giờ này vậy cà?
Ra cửa cái, qua cái lổ nhìn ra ngoài, ông An thấy hai vợ chồng ông Tân. Ông bèn mở cửa bắt tay họ và mời họ vào nhà:
-Hai ông bà mới đi đâu về hả?
-Ờ hai vợ chồng tui vừa mới ở chùa về. Hôm nay đi cúng chùa và làm công quả ở đó.
-Ồ, vậy mà tôi hổng biết ta.
-Hồi sáng tụi tui định bụng rủ ông lên chùa, nhưng thấy ông đi với cô Bảy nên thôi.
-Ừa, hồi sáng cô Bảy gọi điện thoại rủ tôi đi ăn phở và đi chợ.
-Thấy xe cô Bảy đậu ở nhà, tui đoán là anh đã về rồi nên ghé qua chơi- Bà Tân tiếp lời.
-Chà cây mai ở đâu mà đã quá vậy? - Ông Tân hỏi.
-Thì nhờ cô Bảy rủ đi chợ nên tôi mới tậu được nó đó. Có nó thấy không khí ấm lên.
-Trên chùa cũng có mấy cây. bây giờ chuẩn bị ra hoa. Chắc là Tết này nó sẽ nở rộ.
-Như vậy là tốt quá rồi.- Ông An đáp. Ở ngoài đó còn mấy chậu đẹp lắm. Anh chị có muốn mua không thì đi ngay kẻo hết. - Ông An tiếp lời.
-Nhà tui có một cây bông mai giả, năm nào cũng đem ra chưng ba ngày Tết anh thấy rồi đó. -Bà Tân đáp.
-Năm nay anh chị nên dùng cây thật đi. Tôi thấy nhiều cây đẹp lắm.
Ông Tân "ờ" đáp lể.
Ba người trò chuyện một lúc thì ÔB Tân cáo từ ra về.
Sau khi về nhà, hai ông bà suy nghĩ lời đề nghị của ông An, và quyết định ra chợ tậu một cây mai vàng. Dạo một vòng chợ hoa, cuối cùng hai ông bà Tân cũng tìm được cho mình một cây mai như ý. Sau khi dẹp cây mai giả vào nhà kho, ôb Tân để cây mai thật vào vị trí đó, rồi ngắm nghía, rồi chụp hình. Và cũng không quên gọi ông An và cô Bảy ghé nhà để "khoe" thành tích.
Sáng nay là ngày thứ Hai, Hai mươi Sáu Tết, Ông An gọi điện thoại mời cô Bảy đi chợ ngày Hai mươi Chín Tết, ăn trưa, và cũng để đi dạo phố cho vui. Hai người, một bên mất vợ, một bên mất chồng, đi chơi với nhau rất vui vẻ. Tính ý hai người cũng hợp nhau. Thường xuyên qua lại thăm hỏi, chăm sóc cho nhau, rồi cái mối tình "già" ấy nó đến lúc nào không hay. Hôm nay, tự nhiên trong lòng hai người cảm thấy bồi hồi xao xuyến như ngày hẹn hò đầu tiên của cái tuổi mới lớn. Thật ra giữa họ đã có cái "tình trong như đã....mặt ngoài còn e" từ lâu lắm rồi. Họ không dám nghĩ xa hơn vì sợ con cái phản đối, đồng hương dị nghị, nên chỉ dừng lại ở lằn ranh cho phép.
Tối nay, hai vợ chồng thằng con lại hẹn hò với nhau ra ngoài ăn bửa cơm Tình nhân để lại ông già này ở nhà một mình. Ra vô ngắm mai vàng chán, ông vào thay đồ rồi lẩn thẩn qua nhà cô Bảy. Hai đứa cháu của cô Bảy cũng đã hẹn hò với bạn trai nên đã ra đường. Cô Bảy còn lại một mình trong nhà, trống trải, cô đơn. Cô nhớ đứa con gái, nhớ hàng xóm, nhớ đủ thứ. Đang định bụng sẽ gọi điện thoại cho ông An mời qua nhà chơi thì tiếng chuông đổ. Ông An đang đứng ở ngoài cửa. Cô Bảy hết buồn, bụng như mở cờ, cười thầm, tự nhủ: Sao mà trùng hợp dữ vậy ta, như là thấu hiểu nhau vậy.
Cô Bảy ra mở cửa mời ông An vào nhà. Trong nhà cô đã trang hoàng Tết với những: dây pháo đỏ treo hai bên phòng khách, những câu đối Tết, bánh tét và trái cây trên bàn thờ, khói hương, mai vàng, những tấm thiệp Xuân bắt mắt được cô Bảy treo một cách hài hoà trên những nhánh mai, hộp bánh mứt ngày Tết cùng hạt dưa trên bàn nhỏ ngoài phòng khách, tất cả đã tạo nên một không khí Tết ấm cúng trong ngôi nhà này.
Hôm nay đã là Ba Mươi Tết. Sáng sớm ông bà Tân đã gọi điện thoại mời ông An và cô Bảy đi buổi chợ cuối năm, và lên chùa dự buổi hội chợ chay cuối năm do nhà chùa tổ chức. Nhà ông bà Tân và nhà ông An, cũng giống như nhà cô Bảy, đã dọn dẹp sạch sẽ, trang trí đẹp mắt để chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, năm Kỷ Hợi đón chào năm mới, năm Canh Tý. Tối Ba Mươi Tết, sau khi cúng kính rước Ông Bà, như đã hẹn, ông An cùng vợ chồng Đức đến mời cô Bảy và vợ chồng ông Tân lên chùa lễ Phật cuối năm, thưởng thức các món ăn chay ngon, xem chương trình văn nghệ do các cháu và giáo viên lớp Việt ngữ trình diễn cúng dường, cúng cầu nguyện cuối năm và đầu năm, cũng như lãnh lộc lì xì đầu năm. Những ngày Tết Việt, đi đến đâu, người Việt gặp nhau đều nở nụ cười tươi cùng lời chúc sức khoẻ, an lành, hạnh phúc. Mấy đứa sinh ra hoặc lớn lên ở xứ Mỹ này, gọi là thế hệ hai hoặc ba, chỉ nói một câu đơn giản bằng Anh ngữ: Happy New Year. Những đứa con Việt thuộc thế hệ một chấm năm (1.5) hay một rưỡi, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, còn hấp thụ nền văn hoá cũng như phong tục tập quán Việt, thì hay nói: Happy New Year cùng những lời chúc sức khoẻ, thịnh vượng.......như cha mẹ chúng, là thế hệ một, thế hệ di dân đầu tiên. Ở bất cứ nơi đâu, từ chợ búa, chùa chiền, nhà thờ...cho đến những hội đoàn, tư gia đều mang một không khí Tết. Nơi đâu cũng đông đúc người Việt. Gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng. Có những người mới gặp nhau lần đầu trong dịp Tết, mà họ thân mật, vui vẻ, như đã quen nhau tự bao giờ. Nhóm của ông An, sau khi chúc Tết đến những người xung quanh, nhận những phong bao lì xì, hái lộc từ chùa, đã từ giã bà con để ra về. Lên xe mọi người cười nói vui vẻ, bỗng Đức đề nghị: "Mùng Hai Tết, con sẽ lái xe làm tài xế Uber đưa mọi người đi Hội chợ Tết, ăn uống, xem văn nghệ, xem trình diễn thời trang, hoa hậu, gặp gỡ bạn bè, người quen. Đến khoảng ba giờ chiều mình về. Con và vợ con sẽ tổ chức một bửa tiệc nho nhỏ, mời hai Bác và Cô Bảy đến chơi cho vui." Mọi người tán thành đồng ý, ai cũng cười thật là tươi, và cái cảm giác Tết ở xứ người đã không còn nữa, mà trong mỗi một tâm hồn của họ, giờ đây, như chính là họ đang đón một cái Tết ngay trên chính quê hương xứ sở của mình. Về đến nhà đã hơn hai giờ sáng mà họ vẫn không cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ một chút nào hết.
Trước khi chia tay, Đức còn dặn dò: "Ngày mai, Mùng Một Tết, tui con sẽ đưa hai Bác, Cô Bảy, và Ba đi ăn sáng và xem múa lân đốt pháo ở phố Việt nha". Mấy ông bà già lại một lần nữa tán dương đồng ý.
Đúng mười giờ sáng Mùng Một, sau khi cúng kính và làm các thủ tục theo phong tục truyền thống, ÔB Tân cùng Cô Bảy đã có mặt tại nhà ông An. Tất cả họ được vợ chồng Đức đưa đến chùa cúng lễ đầu năm, rồi đến phố Việt ăn sáng, cà phê, xem múa lân, xem & nghe pháo nổ. Gặp đồng hương tay bắt mặt mừng chúc nhau những lời tốt đẹp nhân ngày đầu năm. Họ đứng đây, ngửi cái mùi pháo, nghe trống lân dồn dập liên hồi, và những tiếng nói cười mang đậm màu sắc Việt, đã một lần nữa không làm cho họ cảm thấy rằng mình đang ở một nơi xa quê nhà đến nửa vòng quả đất. Buổi tối Mùng Một, tất cả bốn ông bà già lại được một phen giật mình ngạc nhiên khi những đứa con, cháu của họ từ xa trở về. Bọn chúng như là có hẹn trước với nhau vì đều về đến nhà cùng một lúc.
Mùng Hai Tết, tất cả ba gia đình họ, bây giờ phải đi đến bốn chiếc xe mới đủ, kéo nhau ra Hội chợ Tết ăn uống, dạo chơi, xem ca nhạc, thi hoa hậu. Mùng Hai năm nay nhằm ngày Chủ nhật nên người ta du xuân cũng nhiều. Cái khuôn viên rộng lớn chẳng mấy chốc đầy nhóc người. Những gia đình, những bạn bè, những người cùng trong một Hội, cùng rủ nhau ra đây, tạo nên một cảnh quan rất ư là Việt Nam. Các thế hệ già, trẻ, bé như hoà quyện vào nhau thành một. Có rất nhiều gia đình đông đúc đến ba hay bốn thế hệ cùng nhau du xuân trong ngày đầu năm mới. Chiều Mùng Hai, tất cả mọi người tập trung tại nhà ông An để ăn tiệc đầu năm như lời Đức đã nói trong đêm Giao thừa. Ngày hôm nay ai cũng vui thật là vui, nhưng có lẻ vui nhất là ông An và cô Bảy. Vui vì con cái họ đã về đông đủ ngoài sự mong đợi của họ. Vui vì ông An và cô Bảy đã được những đứa con chấp thuận để cho họ trở thành một cặp để chia sẻ những buồn vui trong lúc tuổi xế chiều nơi đây.
Và những tấm ảnh của cả ba gia đình, của từng gia đình, của từng gia đình nhỏ đã được chụp và post trên Facebook để chia sẻ với bà con bè bạn gần xa. Những tiếng cười giòn tan của những người con Việt trên xứ sở Cờ Hoa, những đòn bánh tét, những món ăn Việt, mùi hương của những cây hương trên bàn thờ, của hoa quả, cây mai vàng nở hoa, vàng cả một góc phòng....tất cả, vẫn là tất cả, đã tạo nên một cái Tết ấm cúng đầy tình người của những con người Mỹ gốc Việt máu đỏ da vàng.
Quốc Thái
No comments:
Post a Comment