Friday, December 16, 2016

Tản mạn: Tết....và những kỷ niệm

Tản mạn: Tết....và những kỷ niệm


Xuân lại về đây với đất trời
Lòng người hớn hở khắp nơi nơi
Mừng Xuân, đón Tết nơi trần thế
Hạnh phúc, bình an suốt một đời...
(QThai)

Một lần nữa Xuân lại về với đất trời, cây cỏ. Và người con Việt khắp nơi trên quả địa cầu đang náo nức chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Tết đang dần đến với từng con người, từng gia đình Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước. Và chắc hẳn rằng, trong mỗi con người chúng ta đều có những kỷ niệm khó quên, những hoài niệm không phai trong những ngày Tết mà chúng ta có thể mang theo bên mình làm hành trang trong suốt cuộc đời nầy.

Thật vậy, tôi đã có những cái Tết mà đến bây giờ vẫn còn in đậm trong lòng như mới ngày hôm qua. Những cái Tết mà mỗi lần Xuân về đều gợi lại những kỷ niệm, những hồi ức thiệt là khó quên. Nhớ lại, lúc còn nhỏ, mỗi lần Tết đến, Ba thường đưa cả gia đình về nhà Nội, rồi sau đó về quê Ngoại. Nhưng tôi thích nhất là được về quê Ngoại, bởi vì nơi đây có rất đông anh em họ cùng trang lứa, được chơi đùa, chạy nhảy thoả thích. Bên nhà Nội thì chỉ có mấy anh chị lớn tuổi hơn, chỉ có hai người con của Cô Ba là trạc tuổi tôi.  Về Nội thì cũng chỉ lẩn quẩn ở trong sân nhà, sau cánh cổng sắt với hàng rào tường bao quanh. Đôi khi được chạy ra quán đối diện để mua vài cục xí mụi. Ngược lại, về quê Ngoại, tôi được chạy chơi trong nhà lồng chợ cùng với những anh em họ và những đứa trẻ cùng trang lứa ở đây. Vì vậy, Tết, được về quê Ngoại là một điều thích thú vô cùng. Thêm một điều thích thú nữa, mà bất cứ đứa con nít nào cũng khoái, là những phong bao màu đỏ với những tờ tiền mới ở trong. Bên Ngoại, tất cả bà con họ hàng, hay nói đúng hơn là một Gia tộc lớn, sống gần nhau, chính vì thế, mà tiền lì xì cũng nhiều hơn bên Nội. Năm tôi bảy tuổi, được Cậu Mợ Ba tặng cho cây súng bắn pháo, loại như ru-lô, và một chiếc xe tăng chạy bằng pin, Cậu Mợ có sạp bán đồ chơi con nít. Đó là hai món đồ chơi mà tôi đã giữ nó suốt bên mình cho đến khi rời Việt Nam.

Năm tôi lên mười một, sáng mùng hai Tết, tôi về thăm Ông Bà Nội, sau khi gom một số phong bao đỏ từ Ông Bà Nội và các Cô Chú cùng những anh chị lớn. Tiếng pháo đì đùng ngoài đường, và con đường đó cũng là một cái chợ, chợ Đường Ngang, trong những ngày thường, cùng tiếng trống lân dồn dập như thôi thúc. Đang ngồi trong nhà ăn bánh mứt với Ông Bà, tôi chạy vọt ra đường, đường Thoại Ngọc Hầu, để xem lân. Tôi diện bồ đồ ba túi, với một cái bóp, mà trong đó là những tấm hình của gia đình tôi, gồm hình của Ba Mẹ, Ông Bà Nội Ngoại cùng hình của tôi. Tiền lì xì thì tôi bỏ riêng ở túi quần. Cái bóp, tôi bỏ trong túi áo dưới. Do mãi mê xem múa lân, tôi bị móc túi mất bóp hồi nào không hay. Ngày đó, tôi khóc thiệt nhiều. Khóc không phải vì mất tiền, vì tiền còn nguyên trong túi quần tây, mà khóc vì mất đi những tấm ảnh quý của gia đình. Ngày đó, hết Ông Bà Nội, đến Cô, Chú, rồi mấy anh chị dỗ dành, cho tiền, mà tôi cũng không cảm thấy vui, và cứ ấm ức, thúc thít mãi.

Tết đến, chợ được mở rộng ra, người ta bày bán đủ các mặt hàng. Những nhà vườn mang ra chợ nào trái cây, nào hoa quả. Họ căng lều, và bán gần như hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Ở chợ chính Long Xuyên, người ta bày ra những con đường xung quanh chợ với những mặt hàng Tết rất là phong phú và bắt mắt. Chợ hoa, chợ trái cây, được phân chia ở bên hông nhà thờ lớn Long Xuyên, có khi ở Công trường Trưng Nữ Vương. Hàng hoá tấp nập, người xe dập dìu, tạo nên môt khung cảnh sôi động của những ngày Tết. Ngoài chợ lớn thị xã Long Xuyên, các chợ nhỏ ở các phường cũng sôi động không kém. Chợ Vàm Cống, trong những ngày thường, chợ chỉ nhóm đến bốn năm giờ chiều, và hàng quán chỉ bày bán ở khu vực chợ, nhưng những ngày Tết, đến khoảng hơn mười giờ đêm mới tan chợ, và chợ được kéo dài ra hai bên con đường chính khoảng vài trăm mét. Bọn con nít chúng tôi trong những ngày Tết có lo gì đâu ngoài chuyện chơi với chơi. Những ngày Tết, không cần đi học, nên việc chơi của tôi cùng lũ trẻ là chính. Sáng, chạy ra chợ ngồi ăn hàng, xong, đi lòng vòng chợ xem hàng hoá, xem người bán, xem người mua, xem mải võ sơn đông, xem thầy đồ viết chữ nho, xem người ta chùi lư hương, nói chung là xem đủ thứ, thứ gì cũng xem. Xem chán, thì hoà vào dòng người đi chợ, đi chơi, để lang thang khắp nơi trong chợ. Đó là thú vui của những đứa con nít ở lứa tuổi mười bốn, mười lăm.

Tôi có một thằng bạn nối khố, rất thân, chúng tôi học chung với nhau từ lớp hai đến lớp mười hai. Bạn ấy tên là Đạt. Má bạn có một sạp bán bánh kẹo. Ngày thường chúng tôi không thèm ngó đến, nhưng những ngày Tết, sạp hàng của má bạn ấy có rất nhiều bánh mứt Tết rất hấp dẫn. Vì vậy hai đứa chúng tôi thường lân la ra đó chơi, giả bộ giúp việc, rồi chôm một vài cái bánh, kẹo, hay hộp mứt, hạt dưa,..., trốn ở dưới gầm sạp để mà ăn. Đó là lúc nhỏ. Thời gian ở tuổi trung học, cũng là thời gian biết nhìn con gái và bàn tán rồi. Thằng bạn tôi rất có cảm tình với nhỏ bạn T. An, cùng lớp. Ngày Tết, hai thằng tôi cũng trốn dưới gầm sạp để ăn vụn như hồi nhỏ, rồi dấu thêm một mớ bánh, kẹo, mứt, mà thằng bạn tôi biết nhỏ T. An rất thích, để dành, sau đó tuồn qua sạp hàng của má T.An. Vì hai sạp hàng gần nhau, nên nàng T.An nầy cũng chui xuống gầm sạp để nhận quà kẹo từ chàng Đạt si tình.

Từ những viên kẹo, hộp mứt, bịch hạt dưa mà anh Đạt si tình đã lén chôm của má và đưa cho nàng T.An ở dưới gầm sạp với sự chứng kiến của tôi, đến những cử chỉ thân thiện đã làm cho trái tim T.An xao xuyến, nhưng mãi đến hết lớp mười hai nàng mới chấp nhận lời yêu của Đạt, nghĩa là Đạt đã dùng thời gian ba năm tròn bên cạnh những món ăn Tết như đã kể. Ba năm tròn, với ba mùa Xuân trôi qua đã đơm bông kết trái cho một cuộc tình, và họ đã trở thành vợ chồng sau khi ra trường đại học.

Ngày còn bà Ngoại, Tết đến chúng tôi lại được xem gói bánh tét, bánh ích (ít?), và ngồi canh bếp lửa vào lúc chiều tối đến tận khuya. Có khi phụ chùi lư hương, chưn đèn. Nói chung làm gì cũng thấy vui vì cái không khí Tết. Ở chợ có cái không khí Tết của chợ, về quê có cái không khí của miền quê. Nơi đâu cũng rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới.

Tôi vốn sống  ở chợ, nên  quanh năm suốt tháng lúc nào cũng nghe tiếng ồn ào náo nhiệt của đủ loại âm thanh từ xe cộ, người mua bán, gà vịt, v.v..., và vào những ngày Tết lại càng náo nhiệt hơn. Có hôm người đi chợ, đi chơi thiệt đông, đến độ phải nhích từng bước chân. Các sạp hàng căng lều vải, che dù chồng lên nhau nên không có ánh nắng rọi vào. Ba mươi là buổi chợ chót, sau buổi chợ nầy, hàng quán dọn dẹp gọn sạch. Các anh chị lao công lo quét dọn vệ sinh, thu gom rác trong chợ chở đi đổ, tạo nên một bộ mặt khác hẳn của ngôi chợ. Sáng mùng Một, chạy ra chợ, một cảm giác là lạ thích thú thật là khó tả. Sáng mùng Một năm nào tôi cũng làm cùng một việc là chạy ra chợ hít cái không khí trong lành của ngày Tết và cảm nhận cái không gian yên ả của ngôi chợ. Không một tiếng ồn, không một bóng người. Khi trời đã sáng hẳn, cũng là lúc những tràng pháo nổ dòn tan, quyện vào không gian mùi pháo đỏ, cùng với tiếng nhạc Xuân phát ra từ những ngôi nhà. Đây đó vài em bé lớn nhỏ trong những bộ quần áo mới tung tăng bát phố cùng cha mẹ. Rồi trống lân dồn dập cùng với tiếng pháo. Lân đến từng gia đình để xông đất và chúc mừng năm mới.


Nói đến pháo, những năm cuối thập niên 80, đầu 90, thiên hạ đốt pháo vô tội vạ và mất kiểm soát. Đêm Giao thừa, những nhà giàu có, làm ăn phát đạt, đốt liên tục những phong pháo đại dài treo từ tầng lầu năm, lầu sáu xuống đất, rồi uốn khúc vòng vèo dưới mặt đất. Nhà nhà đốt pháo, nghe vui tai, nhưng có cảm giác như ngoài chiến trận. Lâu lâu có những viên pháo đại đại nổ một hay nhiều tiếng thật lớn như những tiếng súng đại bác. Cái trò chơi nguy hiểm là đốt pháo quăng vào người đi đường. Chị họ tôi đã bị cháy áo và bị thương trong cái trò chơi nầy. Mấy thằng con trai mất nết thường hay quăng pháo vào người những đứa con gái xinh xinh trong những bộ đồ đẹp cho cái gọi là ghẹo gái. Cạnh nhà tôi, có gia đình ông Sáu T, với một loạt bảy thằng con trai, chơi pháo trung, pháo đại không đã, mấy anh em họ bèn chế ra loại ống lói đốt bằng khí đá, có khi còn úp lên trên một cái tô, cái lon, hay bất cứ thứ gì để có thể tạo nên âm thanh lớn hơn và bay cao lên trời sau tiếng nổ. Đây là một trò đốt pháo nguy hiểm nhất, có thể gây hoả hoạn, thương tật, thậm chí chết người.

Tết, cánh đàn ông con trai, là những đệ tử của ma men, rất thích tụ tập lại để gầy sòng nhậu. Ra ngõ là đã thấy mấy bàn nhậu rồi. Đi chơi đến một nơi nào đó, cũng nhậu. Cánh đàn bà con gái thì thích đánh bài, chơi bầu cua cá cọp. Những ai thích đi chơi thì đi chơi, những ai không có điều kiện đi chơi, diện vô bộ đồ mới, ra ngồi sòng là hết ngày mùng Một. Nhắc đến chuyện nhậu nhẹt, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm khó quên trong ba ngày Tết. Còn nhớ, đó là cái Tết năm 1990, vào ngày mùng Hai, buổi chiều, sau một chầu nhậu ở nhà thằng bạn cùng với mấy anh em họ của tôi, tôi tèng tèng về nhà. Vừa ngang qua nhà Cậu Ba tôi, chị họ tôi, gọi tôi lại và nhờ tôi chở người bạn gái của chị ấy đi thăm người bà con ở dưới vườn (ở quê). Tôi đồng ý, và bảo cô ấy lên xe. Do ngồi sau lưng một người con trai không phải là bạn trai mình, hay người thân của mình, nên cô ấy mắc cở, và ngồi thụt về phía sau khá xa. Tôi hỏi "xong chưa?" Cô ấy nói "rồi". Tôi bảo "ôm chặt vào kẻo té." Nhưng vì mắc cở nên cô ấy không làm theo lời yêu cầu của tôi. Tôi bèn gài số, và cho xe giật một cái, cô nàng hoảng hồn ôm xiết lấy eo tôi. Trên đường đi, do đường xấu, xe cứ nhồi lên nhồi xuống, làm nàng ôm chặt tôi hơn. Bây giờ thì cũng quen rồi, nên nàng không còn e thẹn như trước. Chính vì vậy mà mỗi lần nhấp thắng, tôi cảm nhận được cái gì đó rất là êm ái cạ vào lưng, một cảm giác đê mê, lâng lâng, mà có lẻ các chàng lái xe gắn máy (Honda) chở đào đều đã từng trải qua.

Hôm sau, tức mồng Ba Tết, theo lời mời của gia chủ, và được sự đồng ý của nàng, tôi đánh xe đến nhà đón nàng để đi dự đám giổ ở ngôi nhà mà chúng tôi mới ghé hôm qua. Lần nầy hai chúng tôi thân thiện hơn, và nhìn có vẻ như một cặp tình nhân. Đúng vậy, hàng xóm ở đó cứ ngỡ chúng tôi là một cặp. Tôi cũng mong thế, vì lúc ấy tôi không có người yêu, còn nàng thì dễ mến và duyên dáng, lại chưa có yêu người nào. Tuy nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng là bạn của chị họ tôi nên tôi cũng ngại. Hơn nữa chuyện đi Mỹ của tôi cùng gia đình sớm muộn gì cũng sẽ đến bởi chương trình H.O. Tôi không muốn chuyện tình cảm yêu đương vướng bận, làm khổ mình và khổ người khác, nên tôi không ngỏ ý tán tỉnh, mà chỉ dừng lại ở tình bạn. Trở lại vấn đề. Hôm đó đám giổ, tôi là trai đến từ chợ cùng cô cháu gái xinh xinh của gia chủ, vì vậy được hàng xóm chiếu cố tận tình, phục rượu cho tôi đến tơi tả. Sau khi biết tửu lượng của mình đã hết, tôi từ chối không uống nữa, nhưng cứ bị ép. Nể mặt mọi người tôi cứ ráng. Một lúc sau nhờ nàng cứu bồ, tôi mới thoát và ra về. Do quá say, tôi đã không nhìn thấy con đường, đường làng nhỏ xíu chỉ vừa cho một chiếc xe chạy, bên kia là con mương để ghe xuồng nhỏ ra vào, tôi leo lên xe, đạp máy, gài số, và vèo.....bay tuốt xuống mương. Cũng may là nàng chưa lên xe vì còn bận từ giả và chờ cho tôi ra khỏi cổng nhà. Tất cả mọi người bỏ bàn nhậu chạy ra nhảy xuống mương kéo tôi và chiếc xe lên. Khỏi cần phải nói, lúc đó tôi tỉnh rượu liền, còn chiếc xe thì phải đưa đi bác sĩ vì nó không nổ máy nữa. Xui một cái là ngày mùng Ba, mấy ông thợ sửa xe bận nhậu hết nên không ông nào mở cửa để sửa, vì vậy tôi đành dẫn bộ gần bảy cây số về nhà. Cũng may có nàng đồng hành nên con đường bỗng nhiên ngắn lại. Về nhà tôi, tắm rửa thay bộ quần áo khác (hồi té mương, được gia chủ cho mượn bộ đồ nông dân của thằng con trai), mượn chiếc xe của ông anh họ và đưa nàng về nhà, cách nhà tôi bốn cây số. Trước khi chia tay, chúng tôi đã cùng nhau vào quán ăn chè và kể lại chuyện buồn cười nầy rồi hai đứa cùng nhau cười ngặc nghẽo.

Mùng Ba Tết, cũng là ngày mà Gia tộc tôi họp mặt. Hằng năm, theo truyền thống, đã có từ lâu, do Ông Sáu tôi, em trai của Bà Ngoại, khởi xướng, và ngày nay Cậu Ba tôi, là trai trưởng của Ông, cùng Cậu Bảy, người thủ dinh, chủ trì. Bà con trong Gia tộc từ khắp nơi hội tụ về đây. Nơi nầy cách chổ mà tôi vừa kể chỉ có mười phút xe đạp. Dĩ nhiên là tôi ghé đây trước cùng với nàng rồi mới đi dự đám giổ. Bà con về họp mặt, thăm viếng mộ phần những người đã khuất, cúng kính Ông Bà Tổ Tiên, phát quà, lì xì, ăn uống và văn nghệ cây nhà lá vườn. Đó là một truyền thống của Gia tộc mà tôi đã không còn có cơ hội tham dự nữa kể từ ngày sang Mỹ.

Tết, với những người buôn bán là dịp hái ra tiền. Gia đình tôi có gian hàng bán quần áo may sẵn, cạnh sạp bán bánh kẹo của má Đạt. Những ngày Tết, tôi ra phụ gia đình buôn bán. Có ngày đông khách, bán mà quên cả ăn uống. Chào hàng, tiếp khách, kỳ kèo giá cả...mà khan cả cuống họng...Nhưng không biết sao không thấy mệt, mà còn vui chi lạ. Có lẻ là những ngày Tết, ngôi chợ đông vui, cũng có lẻ là buôn bán đắt hàng, tiền vô nhiều. Và nhiều cái có lẻ khác. Những năm đầu thập niên 90, do người ta thường hay đi chợ vào những giờ chót, do họ đi làm ăn xa mới về, do chờ đến giờ cuối sẽ mua được rẻ hơn, và nhiều lý do khác, nên buổi chợ cuối năm không dẹp sớm như ngày xưa, mà mở cửa bán đến tận mười một giờ, có cửa hiệu bán đến gần giờ Giao thừa mới đóng cửa. Năm cuối cùng tôi ở Việt Nam, cái Tết năm 1992, gia đình tôi buôn bán đến mười hai giờ kém mới đóng cửa. Năm đó, sau khi cúng Giao thừa xong, tôi xách xe chạy đến nhà một người bạn, và nhậu ở đó. Mấy tay bợm nhậu, sau khi ngà ngà, sin sỉn, bèn thách thức nhau đốt pháo cầm trên tay, có ông còn để viên pháo trên cánh tay cho nó nổ, có ông còn cầm viên pháo đưa vào miệng. Nhưng có một điều lạ là, tại sao mấy đệ tử của lưu linh chơi vậy mà không bị thương. Tôi thì không dám chơi kiểu đó rồi, nên cứ bị phạt uống. Uống đến nổi tôi hết biết gì luôn và ngủ lại đó hồi nào không hay. Đây cũng là lần đầu tiên tôi không ngủ nhà, và đây là cái Tết cuối cùng của tôi ở quê nhà.

Và hôm nay, một cái Tết nữa của người Việt tha hương lại sắp về trên xứ sở Cờ Hoa nói riêng, và hải ngoại nói chung. Và tôi, cũng sẽ đón mùa Xuân lần thứ hai mươi bốn của mình tại thành phố hiền hoà Orlando nầy.

Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà tôi đã gắn bó với thành phố nầy hơn hai mươi bốn năm. Hai mươi bốn năm xa xứ. Hai mươi bốn năm chưa hề về lại Việt Nam, nên cũng chưa hề hưởng cái không khí Tết thân yêu nơi quê nhà. Tôi sang định cư tại thành phố nầy vào tháng Chín năm 1992, không lâu sau đó thì tôi đón cái Tết đầu tiên nơi đây. Lần đầu tiên đón Tết tại một nơi xa lạ, chưa quen biết ai, nhưng bù lại tôi có Cha Mẹ, cùng gia đình người Cô ruột với các anh chị họ gồm cả dâu lẫn rể, nên cũng thấy ấm áp. Lúc ấy, tôi không biết rằng Tết nơi đây như thế nào, có giống như Việt Nam hay không, nên cũng háo hức chờ đợi. Thêm một điều may mắn với tôi nữa là, khi về thành phố Orlando nầy, cũng có một gia đình về đây, và chúng tôi đã là bạn với nhau ngay từ ngày đầu tiên ở Bangkok, Thailand, cho nên tôi sẽ không cảm thấy buồn và cô đơn khi mùa Xuân về.

Năm đó, ngày Tết rơi vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, vì vậy người Việt tại nơi đây có một cái Tết cuối tuần vui vẻ. Đêm 30 Tết, tôi lái xe đến nhà người bạn đồng hành từ Việt Nam sang, và đón mấy anh em họ đi đón Giao thừa tại Chùa Tam Bảo, Apopka, Fl. Khi về đến Orlando ít hôm, chúng tôi nhận được thư mời của Ông Nguyễn Tấn Đời, mời về tham dự đêm Giao thừa tại Tam Bảo Tự nầy. Lần đó, tôi được Ông lì xì $500.00, một số tiền khá lớn. Hồi đó, dù chưa quen biết ai nhiều, nhưng tôi thật là vui và ấm lòng vì người Việt về đây tham dự đêm Giao thừa khá đông. Mọi người vui vẻ, chúc tụng nhau, và tặng cho nhau những bao lì xì đỏ thắm (cho các em nhỏ). Tôi lại được dịp làm quen với các bạn mới, mà sau nầy tôi mới biết một trong số những người bạn mới nầy là trưởng nam của một Chú thuộc khoá đàn em của thân phụ tôi ở Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam. Đêm Giao thừa đầu tiên của tôi nơi xứ Mỹ thật ấm cúng, vui vẻ, và không có cảm giác cô đơn, xa lạ.

Sáng mồng Một, nhằm ngày Chủ Nhật, nên gia đình Cô tôi không có ai đi làm. Thế là họ kéo đến nhà chúng tôi, ăn bánh, mứt, uống trà, và đánh vài ván bài. Sau đó chúng tôi cùng nhau kéo xuống khu chợ Việt Nam, và có bữa ăn sáng đầu năm tại nhà hàng Kim Sơn.... Rồi tiếng pháo đì đùng, trống lân dồn dập, chúng tôi rời bàn ăn ra xem múa lân đốt pháo. Ôi! vui quá. Tiếng pháo nổ, mùi thuốc pháo, xác pháo trải thảm đỏ dưới chân, tiếng trống, lân múa, cùng nam, phụ, lão, ấu, ..., trong những bộ đồ đẹp đi xem lân đón Tết, những hàng quán xôn xao cùng những bản nhạc Xuân, xe cộ dập dìu qua phố, ....,  tất cả tạo thành một không khí vui nhộn của ngày đầu năm. Buổi trưa, chúng tôi cùng nhau về nhà người anh họ, con trai của Cô tôi, làm một bữa tiệc đón mừng năm mới trong tình thân ruột thịt, hàn huyên tâm sự bên những ly bia ấm nồng. Một tuần sau đó, tôi cùng những người bạn đồng hành từ Việt Nam đến tham dự Hội chợ Tết Về Nguồn do Công đoàn Công Giáo, dưới sự quản nhiệm của Cha Châu, tổ chức. Khi đó Hội chợ Tết nầy chỉ tổ chức có một ngày trong khuôn viên nhà thờ trên đường Edgwater Drive. Ngày Hội Tết thật vui với đầy đủ các món ăn truyền thống, cùng một chương trình Tết phong phú, cộng với đêm văn nghệ đặc sắc làm ấm lòng những người con xa xứ, và làm cho những người mới đến đinh cư không cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi đón một cái Tết nơi đây. Đó, cái Tết đầu tiên của tôi nơi thành phố Orlando nầy là thế đó. 

Năm thứ hai đón Tết ở thành phố nầy, hôm đó, đêm Giao thừa rơi vào ngày thường, tôi bận phải đi học vào ban đêm ở trường Winter Park Tech. Tôi có lớp vào lúc 6 giờ chiều và tan vào 10 giờ đêm. Bảy giờ, nghĩ giải lao của lớp đầu tiên, bọn tôi rủ nhau bỏ lớp và đi dự lễ Giao thừa tại chùa Long Vân. Đoạn đường từ trường Winter Park Tech đến chùa Long Vân nho nhỏ cong cong ở khúc trường Rollins đến gần bệnh viện Florida của Winter Park, chúng tôi chia ra hai lanes và chạy như rùa bò, do hai cô nàng dẫn đầu chạy quá chậm, làm dẫn theo một đoàn xe dài ngoằn phía sau. Khi đến chùa Long Vân, đã có rất nhiều người Việt về tham dự. Những người lớn tuổi đang cúng trong chánh điện, những người trẻ thì tụ tập tán gẫu, hay ăn uống. Chúng tôi vào thắp những nén nhang ở những nơi thờ phượng, và chánh điện, bói quẻ đầu năm, và nhận phong bao lì xì từ sư trụ trì cùng lời chúc Tết. Sau đó cả bọn kéo nhau về, lại tiếp tục chơi trò dẫn đoàn xe ở khúc hẹp trên đường Aloma Ave., rồi cả bọn sáu đứa, đi sáu chiếc xe riêng biệt, ghé vào Burger King làm một bụng như là bửa tiệc Tân niên đón chào năm mới trước khi chia tay ra về.


Mỗi năm Tết đến, tôi đều xin nghĩ phép thường niên để đón Tết, và tham gia đều đặn những ngày hội chợ Tết do Giáo xứ Thánh Philiphe Phan Văn Minh và Cộng đồng Việt Nam Trung tâm Florida tổ chức, cũng như về chùa Báo Ân tham dự buổi cúng cuối năm đón Giao thừa cùng với gia đình, và duy trì cho đến ngày hôm nay.

Hôm nay, lại sắp sửa đón thêm một cái Tết nữa ở nơi xa lạ giờ đã thành quen, đã trở thành quê hương thứ hai, lòng bồi hồi nhớ lại những cái Tết năm nào. Những cái Tết từ bé đến khi trưởng thành ở Việt Nam, cái Tết đầu tiên, cái Tết thứ nhì, ..., tại Hoa Kỳ, và cứ thế năm nầy sang năm khác, không biết đến bao giờ tôi, và những người Việt khắp nơi ở hải ngoại mới đón một mùa Xuân cuối cùng để trở về Cố Quốc với khúc hát khải hoàn....Mong lắm thay
QThai
Mùa Xuân lần thứ 24 năm 2017

No comments:

Post a Comment