Thursday, December 29, 2016

Mùa Xuân năm cũ

Mùa Xuân năm

Quốc Thái

Gia đình tôi sang Mỹ và định cư tại Florida từ những tháng cuối của năm 1992, không bao lâu thì Tết đến, và đây là cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Mỹ nầy, cái Tết đầu xa xứ.

Nói đến Tết thì cảm xúc của những cái Tết năm xưa, thời thơ ấu lại hiện về. Tôi còn nhớ khi còn bé, Tết của bọn trẻ chúng tôi bắt đầu từ khoảng mùng 10 tháng Chạp. Khi ấy, những ngày này đã có tiếng đì đùng của pháo tiễu, pháo kim, lâu lâu xen lẫn tiếng nổ ầm của pháo đại, rồi ống lói, làm bằng thân cây đu đủ hoặc tre già. Tôi có một cây gậy, đầu có gắn một xú-páp lấy từ ruột xe đạp hư, với que căm xe làm cò mỗ ém thuốc pháo là chất diêm sinh của que diêm…và…đùng!!! sau một cú dộng mạnh. Thật ra, trẻ con bọn mình ai lại chẳng biết cách làm cây gậy sắm sét ấy, biến thể của nó còn là cái xú-páp được cột một chùm lông gà hay vải vụn, sau khi nạp thuốc, ném lên không rớt xuống…và… đùng!!! Ôi đã làm sao. Hoặc những hộp lon sữa bò được đục lỗ, hay một nửa gáo dừa có cái lổ của cây mầm, úp lên một cái lỗ khoét dưới đất, có vài cục khí đá (mà sau này còn gọi là đất đèn) cho vào ít nước,châm lửa, và… đùng!!! Gáo dừa hoặc lon văng lên trời,vài thằng ôm đầu chạy ra xa vì sợ bị u đầu Má uýnh!. Tết của tôi còn băt đầu sớm bởi những chiều đi coi tập múa lân ở sân đình. Tiếng trống rộn rã cùng tiếng pháo đì đùng luôn làm tôi nôn nao trong những bửa cơm chiều, vì khi ấy thằng Đạt đang chờ tôi để cùng nhau đi đến sân đình xem lân. Và cứ thế, cái Tết dần đến theo sự vội vã bán mua, theo tiếng pháo ngày càng dồn dập và theo nỗi háo hức mong chờ của bọn trẻ con vô tư vô lự. Tết với tôi trong ký ức, còn có những tấm liễng đỏ được viết bởi ông dồ quê, mỗi sáng bày giấy mực trước nhà và tuy không biết chữ nho nào tôi cũng thúc giục Ngoại mua để kịp dán hai bên cửa cái, trên cổng vào nhà sau, ngoài cột bàn Ông Thiên. Còn có những miếng giấy hông điều, chử nho đen, vuôn vắn để dán lên mấy quả dưa hấu và tất cả các lu, khạp chứa nước, đựng gạo trong nhà, như thế mới là Tết.

Tết đến, chợ được mở rộng ra, người ta bày bán đủ các mặt hàng. Những nhà vườn mang ra chợ nào trái cây, nào hoa quả. Họ căng lều, và bán gần như hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Ở chợ chính Long Xuyên, người ta bày ra những con đường xung quanh chợ với những mặt hàng Tết rất là phong phú và bắt mắt. Chợ hoa, chợ trái cây, được phân chia ở bên hông nhà thờ lớn Long Xuyên, có khi ở Công trường Trưng Nữ Vương. Hàng hoá tấp nập, người xe dập dìu, tạo nên môt khung cảnh sôi động của những ngày Tết. Ngoài chợ lớn thị xã Long Xuyên, các chợ nhỏ ở các phường cũng sôi động không kém. Chợ Vàm Cống, trong những ngày thường, chợ chỉ nhóm đến bốn năm giờ chiều, và hàng quán chỉ bày bán ở khu vực chợ, nhưng những ngày Tết, đến khoảng hơn mười giờ đêm mới tan chợ, và chợ được kéo dài ra hai bên con đường chính khoảng vài trăm mét. Bọn con nít chúng tôi trong những ngày Tết có lo gì đâu ngoài chuyện chơi với chơi. Những ngày Tết, không cần đi học, nên việc chơi của tôi cùng lũ trẻ là chính. Sáng, chạy ra chợ ngồi ăn hàng, xong, đi lòng vòng chợ xem hàng hoá, xem người bán, xem người mua, xem mải võ sơn đông, xem thầy đồ viết chữ nho, xem người ta chùi lư hương, nói chung là xem đủ thứ, thứ gì cũng xem. Xem chán, thì hoà vào dòng người đi chợ, đi chơi, để lang thang khắp nơi trong chợ. Đó là thú vui của những đứa con nít ở lứa tuổi mười bốn, mười lăm.

Tết của tôi ở cái xứ Vàm cống ấy, thực sự còn bắt đầu bằng những buổi sáng thậm thụt dưới gầm quầy bán bánh kẹo của Má thằng Đạt, bạn thân của tôi trong lớp. Cái quầy kín lắm và cũng đủ chỗ cho 2 thằng tôi ngồi khuất trong đó, lâu lâu thò tay qua cái khe nhỏ để nhón lấy mấy cục thèo lèo của Má bạn. Tụi tôi cũng canh dử lắm vì sợ Má nó bắt gặp thì có mà kiếm chỗ khác ăn Tết. Nói thiệt, tôi là thằng nhát gan, qua khe hở, thấy Má cứ liếc nhìn vào cái lỗ mọt này, nên không dám làm gì, chỉ có thằng Đạt là tỉnh khô, thỉnh thoảng thò tay qua, khi rút về là có vài ba cục thèo lèo cứt chuột, nó nói Má liếc vậy chớ không thấy mình đâu mà sợ. Ôi thèo lèo ăn vụn nó ngon hơn bỏ tiền ra mua nhiều. Ngày thường chúng tôi không thèm ngó đến, nhưng những ngày Tết, sạp hàng của má bạn ấy có rất nhiều bánh mứt Tết rất hấp dẫn. Vì vậy hai đứa chúng tôi thường lân la ra đó chơi, giả bộ giúp việc, rồi chôm một vài cái bánh, kẹo, hay hộp mứt, hạt dưa,..., trốn ở dưới gầm sạp để mà ăn. Đó là lúc nhỏ. Thời gian ở tuổi trung học, cũng là thời gian biết nhìn con gái và bàn tán rồi. Thằng bạn tôi rất có cảm tình với nhỏ bạn T. An, cùng lớp. Ngày Tết, hai thằng tôi cũng trốn dưới gầm sạp để ăn vụn như hồi nhỏ, rồi dấu thêm một mớ bánh, kẹo, mứt, mà thằng bạn tôi biết nhỏ T. An rất thích, để dành, sau đó tuồn qua sạp hàng của má T.An. Vì hai sạp hàng gần nhau, nên nàng T.An nầy cũng chui xuống gầm sạp để nhận quà kẹo từ chàng Đạt si tình.

Từ những viên kẹo, hộp mứt, bịch hạt dưa mà anh Đạt si tình đã lén chôm của má và đưa cho nàng T.An ở dưới gầm sạp với sự chứng kiến của tôi, đến những cử chỉ thân thiện đã làm cho trái tim T.An xao xuyến, nhưng mãi đến hết lớp mười hai nàng mới chấp nhận lời yêu của Đạt, nghĩa là Đạt đã dùng thời gian ba năm tròn bên cạnh những món ăn Tết như đã kể. Ba năm tròn, với ba mùa Xuân trôi qua đã đơm bông kết trái cho một cuộc tình, và họ đã trở thành vợ chồng sau khi ra trường đại học.

Ngày còn bà Ngoại, Tết đến chúng tôi lại được xem gói bánh tét, bánh ích (ít?), và ngồi canh bếp lửa vào lúc chiều tối đến tận khuya. Có khi phụ chùi lư hương, chưn đèn. Nói chung làm gì cũng thấy vui vì cái không khí Tết. Ở chợ có cái không khí Tết của chợ, về quê có cái không khí của miền quê. Nơi đâu cũng rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới.

Tôi vốn sống  ở chợ, nên  quanh năm suốt tháng lúc nào cũng nghe tiếng ồn ào náo nhiệt của đủ loại âm thanh từ xe cộ, người mua bán, gà vịt, v.v..., và vào những ngày Tết lại càng náo nhiệt hơn. Có hôm người đi chợ, đi chơi thiệt đông, đến độ phải nhích từng bước chân. Các sạp hàng căng lều vải, che dù chồng lên nhau nên không có ánh nắng rọi vào. Ba mươi là buổi chợ chót, sau buổi chợ nầy, hàng quán dọn dẹp gọn sạch. Các anh chị lao công lo quét dọn vệ sinh, thu gom rác trong chợ chở đi đổ, tạo nên một bộ mặt khác hẳn của ngôi chợ. Sáng mùng Một, chạy ra chợ, một cảm giác là lạ thích thú thật là khó tả. Sáng mùng Một năm nào tôi cũng làm cùng một việc là chạy ra chợ hít cái không khí trong lành của ngày Tết và cảm nhận cái không gian yên ả của ngôi chợ. Không một tiếng ồn, không một bóng người. Khi trời đã sáng hẳn, cũng là lúc những tràng pháo nổ dòn tan, quyện vào không gian mùi pháo đỏ, cùng với tiếng nhạc Xuân phát ra từ những ngôi nhà. Đây đó vài em bé lớn nhỏ trong những bộ quần áo mới tung tăng bát phố cùng cha mẹ. Rồi trống lân dồn dập cùng với tiếng pháo. Lân đến từng gia đình để xông đất và chúc mừng năm mới.

Thời gian đi mau thật, những ký ức, cảm xúc bất chợt hiện về thoáng cái đã hơn ba mươi năm, và cái Tết đầu tiên của tôi ở thành phố Orlando nầy cũng đã hơn hai mươi bốn năm rồi. Ngồi viết những dòng nầy, tôi cứ tưởng chừng chuyện mới ngày hôm qua, nhưng không, đó là câu chuyện tuổi thơ của tôi, những ngày còn bé, sống trong sự yêu thương đùm bọc của Ngoại, Cậu, Dì, và Mẹ. Vui thì vui, nhưng niềm vui không trọn vẹn, vì thiếu vắng người Cha kính yêu. Ba tôi, cũng như bao quân cán chính Việt nam Cộng hòa khác, sau 30 tháng 4 năm 1975 đã bị lưu đày ra tận xứ Bắc làm lao động khổ sai cho cái gọi là “học tập cải tạo”. Cho đến cái Tết 1985 gia đình tôi mới thật sự hưởng trọn niềm vui, vì Ba đã được về sum họp với gia đình. Nhưng đến cái Tết năm sau, tôi lại thiếu vắng người Cha thân yêu khi Ông đang chịu vòng lao lý sau khi bị bắt vào một đêm mưa gió, lúc cả gia đình chúng tôi đang an giấc, trên đất nước Chùa Tháp, tại thành phố Nam Vang, trong một cuộc vây ráp để bắt giam những sĩ quan VNCH đang sinh sống tại đây (thật ra là chờ cơ hội vượt biên sang Thái Lan) của cái gọi là Cục CA A-50 cùng những đám CA địa phương. Và mùa Xuân năm 1989, gia đình chúng tôi mới lại được đoàn viên để ăn những cái Tết ấm cúng cuối cùng trước khi rời Việt Nam.

Hôm nay người Việt chúng ta cũng đã trải qua hơn bốn mươi năm đón Tết trên quê hương thư hai của mình. Đến bao giờ chúng ta mới được hưởng một mùa xuân thật sự tự do an bình trên chính quê hương chúng ta?? Hy vọng ngày ấy sẽ không còn xa.
QThai
2016

No comments:

Post a Comment