Thursday, December 29, 2016

Những Bến Phà

Những Bến Phà

Lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của Saigòn không thể tách rời với sự hình thành và phát triển của miền lục tỉnh ngày xưa tức là miền Tây Nam phần ngày nay. Sài gòn từ khi được thành lập, nó là thủ phủ của vùng đất phương Nam, là cửa ngỏ giao thương với thế giới. Việt Nam là một nước nông nghiệp, mà nguồn nông sản chính yếu lại xuất xứ từ vùng sông nước miền Tây, nên hệ thống giao thông nơi đây cũng phát triển song song với sự phát triển chung của khu vực. Vì sông rạch vùng này như mạng nhện hình thành một hê thống giao thông đường thủy vô cùng quan trọng, đường bộ phải nối liền bằng vô số cầu, tuy nhiên sông Tiền và sông Hậu là 2 nhánh sông lớn của Mekong, mặt sông rất rộng, trước đây chưa có khả năng xây cầu, nên phải sử dụng phà để vận chuyển các loại xe cộ và khách bộ hành qua sông.

Có 4 phà lớn là Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Cần Thơ và Vàm Cống, tầm quan trọng và qui mô mỗi bến có khác nhau. Sau này có thêm bến phà Cao Lãnh, phục vụ cho việc đi lại giữa Sàigòn và các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, vì con đường từ Sa Đéc về đến bến phà Vàm Cống quá xấu, quá nhiều ổ gà, ổ voi.

Phà Rạch Miễu là gạch nối giửa Bến Tre, tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long, với Mỹ Tho để về Sài gòn, lại vòng qua một cù lao xa dịu vợi. Bến Tre lại không nằm trên trục đường chính qua nhiều tỉnh thành nên từ xa xưa đã như một ốc đảo ít người nơi khác tới lui vì vậy phà Rạch Miễu cũng ít được biết đến, qui mô và nhịp độ hoạt động cũng không cao.

Quan trọng nhất là phà Mỹ Thuận, bắt đầu hoạt động từ năm 1910, vì hầu như tất cả những gì nằm phía hửu ngạn sông Tiền đều phải nhờ bến phà này để về Sàigòn, đi khắp nước hoặc ra thế giới. Phương tiện giao thông đường bộ thuộc các tỉnh gồm Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá đều phải qua bến này. Thật ra trên sông Tiền cũng còn một bến phà nhỏ khác chia sẻ một phần nhiệm vụ của phà Mỹ Thuận, đó là phà Cao Lãnh, mới lập sau này, tuy nhiên Cao Lãnh cũng chỉ dành cho một số xe cộ đi hoăc đến Long Xuyên, Châu đốc và đôi khi là Rạch Giá lúc kẹt phà Vàm Cống. Trong trường hợp này xe cũng phải qua một bến phụ khác tại Long Xuyên, đó là bến phà An Hòa. Phà Mỹ Thuận là gạch nối quan trọng nhất trên hệ thống giao thông đường bộ giữa đồng bằng sông Cửu Long và Sàigòn. Sau gần 1 thế kỷ tồn tại, Mỹ Thuận đã góp phần vô cùng lớn lao trong công cuộc phát triển của vùng đất mới phương Nam. Lịch sử sẽ ghi nhận điều này như một sự kiện quan trọng của thời mở nước. Riêng với những người dân miền Tây lớn tuổi đã từng qua lại bến phà này chắc không thể nào quên được những xâu nem đặc hửu, những chục bánh phồng sữa, những bịch kẹo dừa, kẹo chuối, và nhất là những sọt ốc gạo mà một thời trở thành món quà thông dụng mang về cho gia đình của nhiều hành khách khi đi ngang qua đây. Lại càng không thể quên được khi vội vã mua những xâu nem-giá-nào-cũng-bán chỉ có chút xíu nem trong lớp vỏ lá chuối dầy ,hoặc những chiếc bánh- ích- nhân-đậu-khoai-lang bán xong chạy mất….. Giờ đây, ngồi trên những chiếc xe hơi, xe đò, xe hàng, xe hai bánh....chạy bon bon trên cầu Mỹ Thuận để sang sông, có mấy ai nhớ lại những chiếc phà một thời lầm lũi đưa rước khách sang sông, những quán nước, hàng ăn, cũng như những phục vụ khác ở hai bên bến phà. Tất cả sẽ chìm vào quên lãng, và có chăng chỉ còn lại trong ký ức của những người đã một thời gắn bó với chốn này mà thôi.

Năm 1918 phà Cần Thơ hoàn thành, giúp cho giao thông đường bộ phía hửu ngạn vượt sông Hậu về Sàigòn. Lúc bấy giờ con đường từ Long Xuyên xuống Cần Thơ cũng tương đối tốt, đã được trải đá. Thiên phóng sự “Một tháng ở Nam kỳ” của Phạm Quỳnh đăng trên báo Nam Phong vao cuối năm 1918 có viết: “Con đường từ Long Xuyên đến Cần Thơ tốt lắm, giữa đổ đá, hai bên trồng cây, cái xe bon bon chạy giữa coi phong cảnh rất là ngoạn mục”. Và như thế, phà Cần Thơ, ngoài các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, vào thời điểm này còn đảm nhận nhiệm vụ đưa xe cộ vượt sông Hậu cho cả phía Long Xuyên. Kinh và lộ Cái Sắn được làm từ năm 1925 và hoàn thành năm 1930 sau 5 năm thi công, lúc bấy giờ phà Vàm Cống đã hoạt động được 5 năm, chia sớt nhiệm vụ với bến Cần Thơ để giải quyết nhu cầu qua lại của người dân đi hoặc đến các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, vào thời này.

Ngày 24 tháng 4 năm 2010 cầu Cần Thơ chính thức khánh thành, chấm dứt 92 năm ròng rã qua lại của không biết bao nhiêu chuyến đò tại bến Bắc Cần Thơ. Rồi đây, 5 năm, 10 năm hay rất lâu hơn nửa chúng ta và con cháu sẽ chỉ còn nghe buồn não nuột câu hát điệu dân ca…..của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
"….về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu. Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba, em đi mau kẻo trể chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần thơ…."

Viết đến đây tự nhiên tôi bỗng thấy cay cay trong mắt. Tại vì giọng ca mượt mà của Hương Lan buông theo cái giai điệu trầm buồn mà tác giả đã cố tình gieo vào bài hát một cách tuyệt vời, hay tại vì bỗng nhiên chợt nhớ đến những kỹ niệm xa cũ trên các chuyến đò qua lại ngày xưa, có lẽ vì cả hai. Và có lẽ nhiều người trong chúng ta, những ai đã từng một lần gắn bó với Cần Thơ, đã từng biết bao nhiêu lần qua lại Bắc Bình Minh, cũng đều thấy ngậm ngùi mỗi lần nhớ lại bến cũ!

Nghe đâu thành phố Cần Thơ hiện vẫn duy trì bến phà cũ để giải quyết vận chuyển cho một số cư dân địa phương qua lại chợ Cần Thơ và Bình Minh, không phải vượt cầu theo một con đường quá xa và cũng có thể phục vụ cho những du khách muốn tìm cảm giác qua sông bằng phà, nhìn ngắm cái mênh mông của sông Hậu, thả hồn lơ đễnh theo những dạt lục bình trôi mà họ sẽ không có dịp thưởng thức nếu chỉ ngồi trên xe chạy theo đường quốc lộ.

Như vậy, 3 cây cầu lớn đã lần lược hoàn thành, thay thế cho các bến phà xưa. Bây giờ, chỉ còn lại bến phà Vàm Cống và Cao Lãnh.
Và hai bến phà này sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 11 năm nay, năm 2017, sau khi hai cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống chính thức khánh thành. Theo như kế hoạch thì đến tháng 9, sẽ nối nhịp cuối cùng, là nhịp cao nhất để nối hai đầu. Từ bấy lâu nay, phà Vàm Cống là cầu nối giữa xã Bình Thành của huyện Lấp Vò, bờ Đồng Tháp và phường Mỹ Thạnh của Long Xuyên bờ An Giang. Bến phà đã tạo nên sự nhộn nhịp nơi đây, sau khi khánh thành cầu Vàm Cống, thị tứ này sẽ là điểm cuối cùng vì xe cộ sẽ theo cầu Vàm Cống từ hướng Lai Vung vượt sông Hậu để sang bờ Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ, và chổ này sẽ thật là vắng vẻ. Không biết họ có duy trì bến phà như ở bến Cần Thơ hay không. Hy vọng là có để tiện việc đi lại cho cư dân hai bên.
QThai

No comments:

Post a Comment