Thursday, December 29, 2016

Mùa Xuân năm ấy

Mùa Xuân năm ấy


Quốc Thái


Gia đình tôi sang Mỹ và định cư tại Florida từ những tháng cuối của năm 1992, không bao lâu thì Tết đến, và đây là cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Mỹ nầy, cái Tết đầu xa xứ.


Nhớ lại những ngày giáp Giáng sinh, lần đầu tiên lái xe dạo quanh trên những con đường trong thành phố với đèn thông giăng trên các cột đèn, và những ngôi nhà rực rỡ ánh đèn Giáng sinh đủ màu sắc với nào là ông già Noel, nai, người Tuyết, v.v.. lòng rộn ràng vô cùng pha lẫn những nỗi buồn nhớ lại những đêm Giáng sinh đã qua cùng lũ bạn rong chơi suốt đêm ở quê tôi, thị xã Long xuyên, và những vùng lân cận như Rạch giá, Hà tiên, Châu đốc, Cần thơ. Rồi ngày Giáng sinh đến, tôi nôn nao chờ đón đêm Giáng sinh đầu tiên ở thành phố Orlando xa lạ nầy. Hôm đó sau khi tan sở, tôi về nhà chuẩn bị cho buổi tối Giáng sinh, định bụng sẽ đi chơi đến khuya vì ngày hôm sau được nghĩ, và hai ngày kế tiếp là thứ Bảy và Chủ nhật, vì vậy tôi có một long weekend và nghĩ rằng sẽ được chơi vui thoải mái. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, tôi bốc phone gọi từng đứa bạn mới quen trong công ty cũng như trong trường để rủ đi chơi, nhưng tất cả đều bận với gia đình. Mới qua Mỹ tôi đâu biết rằng ở đây không giống như VN, ở VN chỉ cần hú một cái là bạn bè đông đủ vì đứa nào cũng dư thời gian (vì không có gì làm và cũng không biết làm gì), ở Mỹ phải hẹn trước có khi còn không được huống hồ chi nhấc phone gọi khơi khơi như tôi (vì ở đây ai cũng bận, không có dư thời gian). Thế là tôi đành một mình một xe đi dạo phố vậy. Lạ nước lạ cái, không bạn bè, nên chán, tôi đành về nhà sớm. Về nhà khoảng nửa tiếng thì anh họ tôi và gia đình đến rủ Ba Mẹ tôi và tôi đi nhà thờ. Tôi nghĩ thầm, thế là cũng có chổ đi đón Giáng sinh, mà đến nhà thờ thì gặp người Việt nhiều sẽ vui. Nhưng khi đến đó thì buồn thật, vì mình không biết ai và cũng chẳng ai biết mình. Mọi người lo làm lễ, cầu nguyện có ai rảnh đâu mà chơi, mấy đứa cở tuổi tôi thấy tôi lạ nên không nói chuyện, vả lại tụi nó nói toàn tiếng Anh, mình mới qua đâu đủ hiểu mà nói chuyện với tụi nó, thành ra thấy cũng cô đơn lạc lõng, hơn nữa mình theo Phật giáo, lần đầu tiên tham gia dự lễ của đạo Tin lành cũng thấy thích, nhưng sau đó lại chán vì mình chẳng biết gì. Sau khi tan lễ anh tôi đưa về nhà anh ấy để ăn tiệc Giáng sinh, hát Karaoke, thế đấy, thế là hết một đêm Giáng sinh đầu tiên ở Mỹ. Tết Tây đến thì càng buồn hơn vì người Mỹ đâu có ra đường ăn Tết như bên VN. VN thì Giáng sinh, Tết Tây, Tết ta, hay bất cứ loại lễ lạc nào cũng đông nghẹt người trên phố. Buồn quá, tôi mong cho mau đến ngày Tết Nguyên đán sắp đến sau đó không lâu. Nhưng Tết đến thì lại buồn, nhớ quê, vì Tết của mình chứ đâu phải Tết của người Mỹ, vì vậy mình vẫn phải đi làm, và cái buồn nhất là mình không thấy được cái không khí Tết. Tối 30 thì đi chùa đón Giao thừa, gặp người Việt đông thì thấy cũng vui vui, sáng mùng Một thì đi xem lân ở khu chợ VN, nghe tiếng pháo, tiếng trống, lân múa cũng đỡ nhớ quê. Sau đó thì đi dự Hội chợ Tết của Cộng đồng và của nhà thờ Công giáo, cho nên cho dù đón cái Tết đầu tiên ở xứ người có buồn thật, nhưng có những sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo thành ra cũng thấy vui và ấm lòng.


Nói đến Tết thì cảm xúc của những cái Tết năm xưa, thời thơ ấu lại hiện về Tôi còn nhớ khi còn bé, tôi sống ở quê, chợ Vàm Cống, thuộc quận Lấp vò, tỉnh Đồng tháp, khi đó Tết của bọn trẻ chúng tôi bắt đầu từ khoảng mùng 10 tháng Chạp. Khi ấy, những ngày này đã có tiếng đì đùng của pháo tiễu, pháo kim, lâu lâu xen lẫn tiếng nổ ầm của pháo đại, rồi ống lói, làm bằng thân cây đu đủ hoặc tre già. Tôi có một cây gậy, đầu có gắn một xú-páp lấy từ ruột xe đạp hư, với que căm xe làm cò mỗ ém thuốc pháo là chất diêm sinh của que diêm…và…đùng!!! sau một cú dộng mạnh. Thật ra, trẻ con bọn mình ai lại chẳng biết cách làm cây gậy sắm sét ấy, biến thể của nó còn là cái xú-páp được cột một chùm lông gà hay vải vụn, sau khi nạp thuốc, ném lên không rớt xuống…và… đùng!!! Ôi đã làm sao. Hoặc những hộp lon sữa bò được đục lỗ, hay một nửa gáo dừa có cái lổ của cây mầm, úp lên một cái lỗ khoét dưới đất, có vài cục khí đá (mà sau này còn gọi là đất đèn) cho vào ít nước,châm lửa, và… đùng!!! Gáo dừa hoặc lon văng lên trời,vài thằng ôm đầu chạy ra xa vì sợ bị u đầu Má uýnh!. Tết của tôi ở cái xứ Vàm cống ấy, thực sự còn bắt đầu bằng những buổi sáng thậm thụt dưới gầm quầy bán tạp hóa của Má thằng Đạt, bạn thân của tôi trong lớp. Cái quầy kín lắm và cũng đủ chỗ cho 2 thằng tôi ngồi khuất trong đó, lâu lâu thò tay qua cái khe nhỏ để nhón lấy mấy cục thèo lèo của cửa hàng bên cạnh. Tụi tôi cũng canh dử lắm vì sợ cái con nhỏ Hằng bên ấy nó bắt gặp thì có mà kiếm chỗ khác ăn Tết. Nói thiệt, tôi là thằng nhát gan, qua khe hở, thấy con Hằng cứ liếc nhìn vào cái lỗ mọt này, nên không dám làm gì, chỉ có thằng Đạt là tỉnh khô, thỉnh thoảng thò tay qua, khi rút về là có vài ba cục thèo lèo cứt chuột, nó nói con Hằng liếc vậy chớ không thấy mình đâu mà sợ. Ôi thèo lèo ăn vụn nó ngon hơn bỏ tiền ra mua nhiều. Tết của tôi còn băt đầu sớm bởi những chiều đi coi tập múa lân ở sân đình. Tiếng trống rộn rã cùng tiếng pháo đì đùng luôn làm tôi nôn nao trong những bửa cơm chiều, vì khi ấy thằng Đạt đang chờ tôi để cùng nhau đi đến sân đình xem lân. Và cứ thế, cái Tết dần đến theo sự vội vã bán mua,theo tiếng pháo ngày càng dồn dập và theo nỗi háo hức mong chờ của bọn trẻ con vô tư vô lự.Tết với tôi trong ký ức, còn có những tấm liễng đỏ được viết bởi ông dồ quê, mỗi sáng bày giấy mực trước nhà và tuy không biết chữ nho nào tôi cũng thúc giục Ngoại mua để kịp dán hai bên cửa cái, trên cổng vào nhà sau, ngoài cột bàn Ông thiên. Còn có những miếng giấy hông điều, chử nho đen, vuôn vắn để dán lên mấy quả dưa hấu và tất cả các lu, khạp chứa nước, đựng gạo trong nhà, như thế mới là Tết.


Thời gian đi mau thật, những ký ức, cảm xúc bất chợt hiện về thoáng cái đã hơn ba mươi năm rồi, và cái Tết đầu tiên của tôi ở thành phố Orlando nầy cũng đã gần hai chục năm rồi. Ngồi viết những dòng nầy, tôi cứ tưởng chừng chuyện mới ngày hôm qua, nhưng không, đó là câu chuyện tuổi thơ của tôi, những ngày còn bé, sống trong sự yêu thương đùm bọc của Ngoại, Cậu, Dì, và Mẹ. Vui thì vui, nhưng niềm vui không trọn vẹn, vì thiếu vắng người Cha kính yêu. Ba tôi, cũng như bao quân cán chính Việt nam Cộng hòa khác, sau 30 tháng 4 năm 1975 đã bị lưu đày ra tận xứ Bắc làm lao động khổ sai cho cái gọi là “học tập cải tạo”. Cho đến cái Tết 1985 gia đình tôi mới thật sự hưởng trọn niềm vui, vì Ba đã được về sum họp với gia đình. Hôm nay người Việt chúng ta cũng đã trải qua ba mươi lăm năm đón Tết trên quê hương thư hai của mình. Đến bao giờ chúng ta mới được hưởng một mùa xuân thật sự tự do an bình trên chính quê hương chúng ta?? Hy vọng ngày ấy sẽ không còn xa.

No comments:

Post a Comment