Tản mạn Những cái Tết năm xưa
Sở dĩ tôi nói những cái Tết năm xưa là vì tôi muốn kể lại một vài chuyện Tết mà tôi còn nhớ được từ lúc biết Tết là gì cho đến khi rời khỏi Việt nam đi định cư tại Hoa Kỳ năm 1992.
Vâng, hồi đó, khi Ba tôi đã chuyển về quê nhà An Giang làm việc tại Chợ Mới, và sau đó là Long Xuyên, thì mỗi dịp Tết đến, Ba đều đưa cả gia đình về quê Ngoại tại chợ Vàm Cống để ăn Tết, thăm viếng bà con họ hàng. Hồi đó tôi thích nhất là được về đây, vì nơi đây tôi có rất nhiều bà con thân tộc bên nhà Ngoại. Và được tung tăng đùa giởn cùng các anh chị em họ của tôi, nghĩa là cháu nội và ngoại của Ngoại tôi, vì ở Long Xuyên tôi không thể có được. Nhưng thú vị nhất có lẻ là những bao lì xì đỏ chói khi được tất cả các người lớn trong Gia tộc lì xì. Tôi còn nhớ, năm đó, Cậu Mợ Ba của tôi, anh trai thứ của Mẹ, có sạp bán đồ chơi trẻ em tại chợ Vàm Cống. Thế là Tết năm đó tôi có được các loại đồ chơi từ xe hơi, xe tăng, đến súng bắn pháo. Những ngày Tết được mặc đồ mới, được xem múa lân, được nghe pháo nổ, được tiền lì xì...đó chính là những thú vui, những ước muốn của bọn con nít.
Năm 1976, lúc đó tôi mới 11 tuổi. Mùng Ba Tết, tôi cùng Mẹ về thăm Nội tại nhà lớn ở chợ Đường Ngang, Long Xuyên. Xúng xính trong bộ đồ lớn ba túi, trong đó có một cái bóp với rất nhiều tiền lì xì, những tấm hình của Ba và Mẹ, của tôi và em trai, nhét vào cái túi bên tay phải phía dưới. Nghe lân múa ngoài chợ, nghe pháo nổ đì đùng, tôi xin Mẹ chạy ra xem. Mải mê xem lân pháo, bị kẻ gian móc túi hồi nào không hay, khi về lại nhà Nội mới biết là đã mất bóp. Tôi khóc thiệt nhiều. Nhưng khóc không phải vì tiếc tiền, mà vì tiếc mấy tấm ảnh đã mất.
Tết đến, khoái nhất là những ngày giáp Tết. Vì tôi sống ở chợ, nên không khí chợ Tết rất nhộn nhịp. Chợ thành thị Long Xuyên, người ta bày bán hoa quả, dưa hấu, trái cây...từ miền quê mang ra. Và chợ nhóm ở các con đường như Công Trường Trưng Nữ Vương, bên hông nhà thờ lớn Long Xuyên, cùng các con đường chính dẫn vào chợ. Đâu đâu cũng người, xe cộ và hàng hoá...xen lẫn tiếng pháo đì đùng...vui thiệt là vui. Còn ở chợ quê như Vàm Cống thì khỏi nói, hàng hoá bày bán la liệt từ con đường chính dẫn vào chợ. Bà con bạn hàng bung dù, che rạp quanh hàng quán của mình, cái nầy nối cái kia tạo thành một cái nóc nhà lớn. Các loại hoa, dưa hấu, ngũ quả từ thôn quê đem ra bày bán những ngày Tết. Nhưng bọn con nít thì thích nhất là những hàng ăn, những gian hàng bánh kẹo, pháo...
Nói đến pháo, vào những ngày Tết, con nít chúng tôi, hễ có tiền là mua pháo. Nhưng con nít chỉ dám đốt pháo kim thôi. Lớn hơn một chút thì chơi pháo tiểu, trung, rồi pháo đại. Và có số chơi ống lói, nổ rất lớn, như lựu đạn. Thời đó pháo đốt vô tội vạ. Nhiều khi đang đi đường, bỗng "bùm" một viên pháo bay vào áo quần...cháy, và phỏng. Nhiều anh chọc gái rất là vô duyên bằng cách đốt pháo rồi quăng vào người cô gái ấy....Ở khu vực chợ Vàm Cống, có rất nhiều nhà đốt pháo rất dữ vào đêm giao thừa, và Mồng Một Tết. Pháo treo từ tuốt trên lầu cao trên sân thượng dài tới đất. Thời khắc giao thừa, những phong pháo đồng loạt nổ thiệt là vui tai. Những đứa con nít thì tranh nhau lượm những viên pháo không nổ rớt xuống đất. Còn về chơi ống lói thì có gia đình của Cậu Sáu Thắng, mấy anh con trai từ lớn đến nhỏ đều chơi loại nầy. Xen kẻ những tiếng pháo nổ là những tiếng nổ chát tai từ ống lói. Những kẻ nghich ngợm thì dùng lon sữa bò úp lên viên pháo đại, châm ngòi..."bùm", một tiếng nổ đinh tai vang lên, và cái lon bay thẳng lên trời, rồi...rớt xuống đất. Trò chơi nầy rất nguy hiểm. Nói chung ý thức của người chơi pháo quá kém nên rất nguy hiểm. Những vụ cháy, nổ, phỏng người xảy ra thường xuyên dẫn đến việc cấm đốt pháo ngày nay.
Có những năm vào dịp Tết đến, Ông Ngoại tôi cùng với mấy ông trưởng lão tổ chức những trò chơi dân gian như: bịt mắt đập nồi (trong nồi có nước), đua xe đạp chậm, nhảy bao bố, trèo cột mở, chạy đua ba chân (hai người cột chân lại với nhau), kéo co, có năm tổ chức đua thuyền...chung quanh khu vực chợ Vàm Cống thu hút rất nhiều người tham gia, và rất vui. Bên cạnh đó còn có môn cờ tường, với bàn cờ vĩ đại dựng lên ngay phía trước nhà Ngoại tôi. Hai người tham gia chơi cờ bên dưới, và xướng ngôn viên sẽ báo là "lên xe", "xuống sĩ", chẳng hạn, thì hai người đứng hai bên bàn cờ vĩ đại sẽ di chuyển những quân cờ theo sau lời xướng ngôn viên. Nói chung Tết ngày xưa rất rất vui, vui hơn Tết bây giờ nhiều,
Đối với cá nhân tôi, có một điều rất thú vị về chợ Tết là, những ngày giáp Tết chợ nhóm suốt buổi, vì hồi đó chợ chỉ nhóm vào buổi sáng, phố chợ đông vui, nhộn nhịp...Ngày 30 có khi chợ nhóm đến 11 giờ khuya mới tan. Và sáng mồng Một, cái thú đầu tiên của tôi vào sáng mồng Một sau khi mặc vào bộ đồ mới là chạy ù ra chợ để cảm nhận cái không khí Tết là chợ vắng teo, không một quầy hàng, một hiệu buôn nào mở cửa, và nghe tiếng pháo đì đùng khắp nơi...Sau đó họp cùng với mấy anh em họ của tôi đi lòng vòng chợ chơi, rồi ăn hàng, sau nầy lớn hơn một chút thì ngồi quán cà phê. Lớn thêm chút nữa thì đi chơi xa, đi nhậu, v.vv...Nhưng những cái Tết của tuổi thơ vẫn là vui nhất, hạnh phúc nhất.
Ngày nay Tết đến không còn nghe tiếng pháo, không còn ngửi mùi pháo, không còn thấy xác pháo nữa. Người ta nói "lân múa hay nhờ tiếng pháo", nhưng bây giờ pháo không còn nữa, tôi không biết lân múa như thế nào. Ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ, những thành phố đông người Việt, thì Tết đến vẫn còn nghe, ngửi và ngắm pháo nổ. Nếu ở Việt nam cho đốt pháo trong sự kiểm soát vào đêm giao thừa và sáng mồng Một thì không khí Tết cổ truyền mới lưu truyền mãi mãi đến đời sau.
QThai
Tet
No comments:
Post a Comment