Sunday, April 3, 2016

Tràng liễn tạc vòng thi hương đầm thấm, Ấm lòng Mẹ phương cực lạc nghìn năm

Tràng liễn tạc vòng thi hương đầm thấm
Ấm lòng Mẹ phương cực lạc nghìn năm
“Mẹ là bóng mát che đời rợp
Là nhịp cầu thương nối mọi người
Là sóng thâm tình tràn lớp lớp
Là linh hồn của những ngày vui”

Nén hương chầm chậm từ từ tỏa khói cong vòng kỳ diệu liên hoàn tác tạo những tràng liễn hoa tiếp theo nhau gói ghém tâm sự đưa về cõi mộng ấp ủ kho tàng kỷ niệm sâu đậm quý báu chan chứa những khoảnh khắc thấm đượm tình Mẹ từ lúc cất tiếng chào đời với hơi ấm bảo bọc chăm sóc mớm dưỡng trong vũ trụ thân thương bao la bát ngát vô bờ bến. Dòng sông đời tuy thăng trầm trong cõi nhân sinh vô thường nhưng ít nhất cũng may mắn khởi đầu trong những giây phút thật đẹp với tình thương ngọt ngào của Mẹ.

“Trẻ thơ, nếu biết Thiên Đường
Hẳn trong tay Mẹ là phương non Bồng
Trưa buồn, tiếng hát mêng mông
Đong đưa nhịp võng, Mẹ, lòng suối tiên”
(Trường thi Mẹ)

“Mẹ cũng như là ngọn hải đăng
Soi theo con mỗi bước thăng trầm
Dẫn thuyền con lại về bờ bến
Vượt nghìn sóng gió, vượt gian nan”
(Những bài thơ chưa trao)

Giữa vũ trụ bao la hình dáng Mẹ như tinh cầu lấp lánh mang tình thương soi sáng cho chồng, cho con trên đường đời vạn nẻo trần ai.  Chính sự hy sinh vĩ đại của Mẹ “nặng nhọc, đắng cay mình gánh vác, dành phần ngon ngọt để chồng con” giúp tạo dựng nên chiếc ghe tình thương ấm cúng giúp gia đình trãi qua bao cơn gió giật, sóng dời thăng trầm trên dòng sông đời biền biệt.

“Một thuở trần gian Mẹ ghé qua
Nàng tiên bị đọa xuống Ta Bà
Lấy chồng, sinh nở, đời lao nhọc
Vất vả nhưng lòng vẫn thiết tha
Cả đời Mẹ dệt chữ ‘Hy Sinh’
Vì chồng con, quên bỏ thân mình
Mẹ đem ánh sáng thiên thần lại
Đời con, rọi xuống những bình minh”
(Nàng tiên cổ tích)

“Mẹ xưa dãi dầu mưa nắng
Nuôi con lao nhọc sớm chiều
Áo vá bạc màu năm tháng
Cơ hàn, no đói chắt chiu”
(Ru con trời biển một lòng)

Vũ trụ tình thương của Mẹ có thể được xem là tuyệt đối, không biên giới và vô điều kiện. Mẹ chăm sóc lo lắng cho con và luôn luôn là nguồn thác ngọt ngào với dòng nước suối mát tràn đầy tính thông cảm, bát ngát hương vị tha.

“Mẹ thương từng đứa con như một
Bảy đứa chia đều bảy nhánh sông
Sáu đứa con xa, người góc biển
kẻ tận chân trời biệt nước mây
Mẹ ơi, mòn mõi bao năm tháng
Đợi cảnh chim xưa lại họp bầy!”
(Trồng rau nhớ Mẹ)

“Nặng nhọc, đắng cay mình gánh vác
Dành phần ngon ngọt để chồng con
Mẹ ơi! Tim Mẹ tim Bồ tát
Nỗi vị tha nào ai sánh hơn?
Chúng con: Bảy đứa đều khôn lớn
Giữ niềm hiếu đạo với từ thân
Ân sâu, nghĩa nặng, công sinh dưỡng
Dễ gì trả được một đôi phần”
(Từ Mẫu)

Chim con khôn lớn ắt hẳn sẽ rời tổ ra đi. “Để Mẹ chiều quê ngồi tựa cửa, để Cha mờ lệ ngóng phương trời,” ngày nào đó con trưởng thành rồi từ giã gia đình cất bước lên đường bắt đầu cuộc đời riêng biệt khắp bốn góc chân mây xa xôi “Ngõ quanh trời đất lạ, Bụi mù che cố hương.”

“Con không đỗ Hội, đỗ Đình
Chỉ ra sư phạm, Mẹ nhìn cũng vui
Coi như cũng đã nên người
Không cao sang đó, nhưng đời thanh cao
Niềm vui không giữ được lâu
Lấy chồng thời chiến con vào loạn ly...
...
Ở đây núi cách, sông chia
Mẹ ơi! Nhớ Mẹ muốn về từng giây
Chim bay xa tổ nhớ bầy
Con xa Mẹ quá đêm ngày xót xa.”
(Trường thi Mẹ)

“Ta - một kẻ tha hương
Chiều nay đứng bên đường
Ngõ quanh trời đất lạ
Bụi mù che cố hương
Như mây trôi vô định
Như chim bay mỏi cánh
Đường về tổ còn xa”
(Tha hương)

“Làm thân lữ thứ, đời lưu lạc
Cách nữa vòng quay về cố quận xa
Nắng sớm cũng xui lòng tan nát
Đâu chỉ hoàng hôn mới nhớ nhà!”
(Tạ ơn đời gìn giữ)

Mái ấm gia đình trở nên hiu quạnh khi tiếng con không còn khuấy động không khí đậm đà tình thương.  Người đi, nguời ở, người trông, người chờ.  Con đã ra đi xa lìa mái ấm “Mà xa thì thôi xa xa lắc, Thương về chốn cũ cứ rưng rưng.”  “Mẹ buồn, ra trông ngọn nước, Ráng chiều có nhuộm bờ sông?”  Ngày ngày Cha Mẹ cầu trời khẩn phật, nhẩm tính đợi chờ từng giây, từng phút mong mãi ngày gia đình đoàn tụ.

“Cha nhớ đem hình ra đứng ngó
Mẹ buồn, soạn tủ để tìm hương
‘Ngó đâu cũng thấy bàn tay nó
Chắt chiu, gom góp tặng người thương...
Mà xa thì thôi, xa xa lắc
Thương về chốn cũ, cứ rưng rưng
Đợi chi mà đợi mòn con mắt
Cho kẻ tha hương mãi chạnh lòng!”
(Mòn mỏi nhớ thương)

“Hè này, con không về được
Chốn xa thương nhớ ngập lòng
Mẹ buồn, ra trông ngọn nước
Ráng chiều có nhuộm bờ sông?
Cha Mẹ, bóng chiều đã xế
Biết còn thăm được mấy lần?
Nghìn trùng - Chân mây, góc bễ
Quê người sầu tủi bâng khuâng...”
(Hẹn)

“Mẹ buồn nhớ, ở bên kia
Con chua xót.  Cứ ngóng về, trời xưa
Mẹ ơi!  Thương Mẹ vô bờ
Tha hương, lữ thứ.  Hồn bơ vơ chiều”
(Bài thơ êm dịu)

Mỗi dịp các con trở về, cảnh xum họp gia đình rộn ràng như lễ hội “râm ran cười nói vui niềm trùng hoan.”  Hết gia tiệc liên hoan đoàn tụ lại đến phút giây tâm tình chia sẻ bất tận tưởng như thời gian, không gian thật thiếu thốn hiếm hoi để có thể bày tỏ trọn vẹn ẩn ý quý giá của kho báu tình cảm gia đình.

“Mẹ kho thịt với nước dừa
‘Hủ qua’ hầm sẳn để chờ các con
Đứa xa mãi tận Sài Gòn
Đứa từ Long Mỹ chắc còn lu bu
Đứa trong ruộng đã về đâu
Đứa Rau Răm chắc lúa vào, còn xay
Đứa Bình Thủy đã về đây
Có con cháu ngoại suốt ngày líu lo
Cứ ra ngoài bến ngóng đò
Những ngày cận Tết Mẹ chờ, Cha mong
Chuối khô Mẹ xắt, xào gừng
Đón ba bữa Tết trông từng đứa con”
(Mẹ và Tết quê nhà)

“Con biết đổi gì để được nghe
Những lời Mẹ nói lúc đêm khuya
Khi con về lại căn nhà cũ
Rộn ràng Mẹ dậy, nỗi mừng chia.”
(Biết đổi gì đây)

Có đến là có đi.  Có tụ là có tan.  Chim tha phương cất cánh về tổ ấm nhưng rồi cũng đến lúc bay xa.  Con về xum họp nhưng rồi cũng phải rời mái ấm gia đình trong bịn rịn thương nhớ.  Ai nặng lòng nhân nghĩa mà không quyến luyến tình cảm sâu đậm giữa Cha Mẹ ở lại và con cái ly hương.

“Mỗi lần thăm lại, rồi đi
Như ai cắt ruột, buồn chi xé lòng
Bước ra nước mắt ròng ròng
Mẹ quay mặt vội, buồn không dám nhìn”
(Sợ mai về thấy mộ phần cỏ xanh)

Trong cõi nhân sinh vô thường không gì có thể tồn tại vĩnh viễn, không ai có thể trường sinh bất tử.  Ngày nào đó Mẹ không còn hiện hữu để đợi chờ con trở về, Cha không còn sức ra đứng đầu ngõ trông ngóng tận chân mây mong thấy được hình bóng biền biệt của con.

“Vẫn biết đời như huyễn mộng
Thế nào Mẹ cũng ra đi
Mà mong Mẹ còn vui sống
Mỗi năm đón đợi con về”

(Đóa hồng Vu Lan)

“Tưởng tượng một ngày con trở lại
Không còn Mẹ đợi bến sông xưa
Ngõ cũ bồi hồi con đứng mãi
Nghe lạnh trường giang tiếng gió lùa  ...
Mẹ là bóng mát che đời rợp
Là nhịp cầu thương nối mọi người
Là sóng thâm tình tràn lớp lớp
Là linh hồn của những ngày vui”
(Tưởng tượng ngày về không có Mẹ)

“Nhớ ngày năm ngoái con còn Mẹ
Cùng đón Xuân về, vui biết bao
Mẹ khuất. Năm nay Xuân quạnh quẽ
Tha hương nghe lạnh gió Đông sầu.”
(Thơ Xuân trong lệ)

“Hết còn thấy áo Mẹ phơi
Thấy khăn Mẹ giặt, dáng ngồi Mẹ quen
Hết còn ai dậy nửa đêm
Râm ran cười nói vui niềm trùng hoan
Con về, thôi hết rộn ràng
Qua sông, đợi chuyến đò ngang. Chạnh lòng.
Đâu còn Mẹ đợi mà mong
Còn chi vui nữa mà lòng nôn nao”
(Hết)

Tác giả của các vần thơ đa diện và đa cảm trong thi tập Từ Mẫu đưa độc giả về với kho tàng kỷ niệm đượm thấm tình Mẹ kỳ diệu là nhà thơ Lãm Thúy trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Tôi có dịp gặp cựu Chủ Tịch VBVNHN Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ Lãm Thúy lần đầu tiên tại Hội Ngộ Văn Bút Hè ở Orlando vào tháng 8/2015.   Hai tháng sau đó khi có dịp ghé Washington, tôi lại có cơ may tái kiến VH Lãm Thúy và đã minh họa lại dịp gặp gỡ đó trong bài Xứ Lạnh Tình Nồng Hoa Thịnh Đốn như sau:

“Đầu tháng 10/2015 khí hậu Hoa Thịnh Đốn khá lạnh với mưa phùn suốt ngày do ảnh hưởng của cơn bão Joaquin khiến tôi liên tưởng đến trời Orlando vào ngày Hội Ngộ VB Hè phải đội mưa rơi tầm tã do hậu quả của cơn bão nhiệt đới Erika gây ra.  Vào chiều thứ Sáu 2/10/2015 người đến đón tôi không ai xa lạ mà là nhà thơ Lãm Thúy, cựu Chủ Tịch VB Đông Bắc Hoa Kỳ.  Tôi có dịp gặp chị Lãm Thúy tại Hội Ngộ VB Hè 2015 ở Orlando và được nghe chị ngâm thơ nhưng chưa có dịp trao đổi tư kiến.

Thời gian di chuyển trên xe đã tạo cơ hội cho tôi nhận biết tình cảm sâu đậm của VH Lãm Thúy đối với song thân và gia đình.  Sau cơn bão lửa tháng Tư, cô giáo Lãm Thúy vất vả nuôi con hoạn nạn trong khi phu quân bị cầm tù cải tạo nhiều năm dài.  Tháng Tư gãy súng, tháng Năm đổi đời khiến người đẹp Cần Thơ ngày nào trở nên tháo vác sáng tạo để đương đầu với cuộc đời đầy rẫy thử thách gian truân.  Đối với VH Lãm Thúy, tình thương cũng như trách nhiệm dành cho cha mẹ và gia đình là quan trọng nhất.  Mẹ chị đã qua đời và chị sáng tác rất nhiều thơ về thân mẫu, người đã tận tụy hy sinh cho gia tộc suốt cuộc đời.  Tôi may mắn lưu giữ được thi tập Từ Mẫu gần 450 trang của nhà thơ Lãm Thúy trong thư viện gia đình.”

Có tịnh tâm tìm hiểu về cuộc đời thăng trầm của nhà thơ Lãm Thúy để nhận ra hình ảnh“Có Mẹ chung cuộc đọa đày, Đỡ con giữa đoạn trần ai não nề” thì có lẽ mới thâu nhận được một phần ấn tích tình cảm sâu đậm của chị đối với song thân và gia đình.

“Con về giữa cuộc điêu linh
Bồng con di tản, một mình gian truân
Ơn trời, qua một tương tàn
Con còn về lại bên hàng cau xưa
Ôm con mắt Mẹ lệ mờ
Lâm râm khấn tạ ‘Cũng nhờ ơn trên
Trời thương cho đứa con hiền
Thoát cơn hoạn nạn còn nguyên trở về
Nát nhà, tan cửa, hề chi
Còn đây là quí, kể gì ngoại thân’ ...
...
Mười năm thanh đạm qua đi
Chồng nơi tù ngục, con thì tai ương
Vai gầy gánh cuộc tang thương
‘Họa vô đơn chí’ lẽ thường xưa nay
Có Mẹ chung cuộc đọa đày
Đỡ con giữa đoạn trần ai não nề
Mười năm tù ngục, chồng về
Còn nương bóng Mẹ, bứt lìa không cam”
(Trường thi Mẹ)

Lịch sử cận đại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh ý thức hệ tàn khốc. Một trong các hậu quả nặng nề nhất của đại nạn tàn phá duy vật tác hại là thảm kịch đứt đoạn tình cảm gia đình.  Cơn bão lửa hồng hỏa không chỉ thiêu hủy di sản giá trị đạo đức nghìn năm của dân tộc mà còn đốt cháy rất nhiều cây cầu tình nghĩa trường niên nối kết tình cảm gia đình Việt Nam.  Tương tự như hàng triệu người Việt ly hương vì hoàn cảnh đất nước, VH Lãm Thúy từ biệt Cha Mẹ để ra đi theo dòng đời cuồn cuộn lưu lạc đến tận mãi chân trời Bắc Mỹ xa lạ.

“Nghe kinh Phật dạy sao buồn quá
Con bỏ quê đi: bất hiếu rồi
Để Mẹ chiều quê ngồi tựa cửa
Để Cha mờ lệ ngóng phương trời ...
Con đi khuya khoắt không đò muộn
Cha đem thuyền đợi dưới trời sương ...
Nghĩ lại mới hay mình đáng tội
Làm cho Cha Mẹ phải thương tâm
Làm cho mắt lệ trông mòn mỏi
Nặng mang thương nhớ, héo non dần!”
(Nghe kinh Phật)

“Kiếp này hội ngộ trong đời, Kiếp sau đâu dễ luân hồi mà mong!” (Sợ ngày Mẹ bỏ con đi).  Vũ trụ nhân sinh vô thường chứa đựng khoảnh khắc đoàn tụ ắt hẳn không thiếu giây phút chia ly.  Ở quê nhà Mẹ trở bệnh nặng nhưng VH Lãm Thúy không được báo tin cho đến khi cụ bà hạ bước qua biên giới hôn mê.  Chị vội bỏ tất cả đề về bên Mẹ nhưng không còn kịp để nghe tiếng Mẹ thao thức, lau nước mắt cho Mẹ, vai kề vai chia sẻ những lời tâm tình biệt ly xót xa.

“Một thuở trần gian Mẹ ghé qua, Nàng tiên bị đọa xuống Ta Bà”.  Hình như Mẹ của nhà thơ Lãm Thúy đã cố lưu lại trong khoảng không gian hôn mê giữa thế giới thực tại gần gũi và cõi cực lạc xa xôi để đợi chờ sự trở về của các con từ phương xa;  và có lẽ nhờ mỹ ý lưu luyến của cụ bà mà chị may mắn còn được cơ hội ôm Mẹ, nhìn mặt Mẹ lần chót, tịnh tâm lắng nghe hơi thở nhẹ nhàng cuối cùng của Mẹ, chầm chậm cầu nguyện đưa hồn Mẹ cất cánh rời xa sự ràng buộc ta bà để hướng về cõi chân mây cực lạc.

“Mẹ ơi! Con không về kịp
Giấc dài Mẹ đã hôn mê
Đôi mắt thân yêu đã khép
Mẹ đâu hay biết con về!”
(Mẹ ơi vĩnh biệt)

“Mẹ bỏ con đành sao hỡi Mẹ?
Nhớ hẹn mai về ăn Tết chung
Thơ Xuân con viết trong màn lệ
Mẹ khuất. Đâu còn ai đợi mong!”
(Thơ Xuân trong lệ)

Trên dòng sông đời thăng trầm biền biệt tình Mẹ như chiếc ghe thân thương đưa con từ bờ ngây thơ vượt sóng trần ai đến bến công thành.  Mẹ hy sinh trọn cuộc đời cho chồng, cho con, cho cháu nhưng chưa bao giờ có chủ ý lưu danh muôn thuở.  Tình Mẹ thánh thiện như cánh chim nhạn lướt ngang trời, bóng trầm lướt sóng bởi nhạn không cố ý để lại ấn tích như dòng nước không cố tâm lưu lại hình bóng chim. “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàng thủy, nhạn vô di tích chi ý, ảnh vô lưu thủy chi tâm” (Thiền sư Hương Hải [1627-1715]).
“Có những bài thơ chưa kịp trao
Mà Mẹ xa chơi tận cõi nào
Ngậm ngùi con đọc câu thương nhớ
Tưởng Mẹ hồn thiêng cũng rạt rào”
(Những bài thơ chưa trao)

Nhà thơ Lãm Thúy quả thật may mắn được ấp ủ bảo bọc bởi tình thương của người Mẹ tận tụy hy sinh cả đời cho chồng, cho con đến tận phút cuối mà không đòi hỏi ràng buộc ngay cả những lúc giã từ khi con “bước ra nước mắt ròng ròng, Mẹ quay mặt vội, buồn không dám nhìn” để con không phải bịn rịn lưu luyến đắng đo khi lên đường.

“Đời con bao cuộc thăng trầm
Có Mẹ nâng đỡ ân cần sớt chia
Từ khi Mẹ bỏ con đi
Lẻ loi, trơ trọi, sầu bi, tủi hờn”
(Nhớ 2)

Thân mẫu của VH Lãm Thúy là người Mẹ thật may mắn vì tình thương con vô bờ bến của cụ được trân trọng vinh danh với những vần thơ đa diện và đa cảm gói ghém trọn vẹn tâm tình giữa Mẹ và con cũng như của con đối với Mẹ.  Thi hương diệu dàng từ những áng thơ đậm đà tình người của VH Lãm Thúy tương tự hương nhang tưởng nhớ cong vòng kỳ diệu lung linh tác tạo bao tràng liễn hoa sưởi ấm lòng Mẹ tận cõi cực lạc.

“Mẹ ơi!  Về đọc thơ con
Nửa đêm ra mộ chiêu hồn mẫu thân
Nỗi đau con trãi ra vần
Tưởng như máu lệ từ tâm đã tràn
Mẹ về theo vệt khói nhang
Dường nghe nước mắt hai hàng rớt rơi”
(Mời Mẹ đọc thơ)
Có những vần thơ cẩn họa nhưng chưa kịp trao, có những thi tập ấn hành nhưng không còn cơ hội gởi, tuy vậy tôi tin rằng tận miền cực lạc thân mẫu của VH Lãm Thúy ắt hẳn cảm thấy ấm lòng khi thưởng lãm dòng thơ đậm đà tâm tình con dành cho Mẹ hiền của chị.

“Thơ bạn tâm đắc vơi nỗi lòng cô liêu
Ngâm cõi chiêu diêu tựa tiên du tầm khúc”
(Ân Tri Kỷ, Vịnh Thanh)

Vịnh Thanh Dương Thành LợiPunta Cana
25/3/2016

T.B.:  Khoảng 3:14 giờ sáng 20/3/2016 ở Dominican Republic tôi không ngủ được phải thức dậy để viết khi tựa đề và ý tưởng tự dưng đến ào ào.  Sau khi đọc xong thi tập Từ Mẫu của VH Lãm Thúy, tôi suy nghĩ mãi khá lâu cho đến hôm đó mới tìm ra được tựa đề thật hợp ý làm nền tảng dàn bài.  Nhiều tựa đề đã viết ra từ trước như Khơi Tiếng Lòng hoài Thân Mẫu, Diệu Hương đượm Thi tình, Thi hương khắc tạc vòng liễn thơ, Nén hương Thi tình Ấm lòng Mẹ nghìn đời, v.v., nhưng tôi cảm thấy chẳng hài lòng cho nên cứ xóa mãi.  Không biết quý văn thi hữu có hạ bút hành văn như tôi hay không chứ tôi thì ý tưởng tự dưng đến và được ghi lại rất nhiều nhưng lại đóng băng khó hòa nhập thành dàn bài cho đến khi nghĩ ra được tựa đề tâm đắc.

No comments:

Post a Comment