Tuesday, April 26, 2016

TIẾNG HÁT ƠI! _ TÌNH ANH BÁN CHIẾU.

TIẾNG HÁT ƠI! _ TÌNH ANH BÁN CHIẾU.

Diễn Đàn Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang, trong mấy ngày qua (18 - 04 - 2016 -22-04-2016) đã rộn lên tiếng ca vọng cổ của Anh Bán Chiếu, anh chàng Nguyễn Văn Sanh, Người Xứ  Vạn với tiếng ca u uẩn trong  bài Vọng Cổ “Tình Anh Bán Chiếu” của cố NS Viễn Châu.


Thật bất ngờ, tiếng ca của NXV đã gieo vào lòng người một cảm xúc  man mác thương đau cho một cuộc tình thật lãng mạn, mà chàng bán chiếu trở thành người thất tình, khi chiếu đã dệt xong, thì cô gái, người yêu trong mộng của gã tình si, đã sang ngang , để lại “tình anh bán chiếu trọn đời không phai”!


Thật ra, nội dung bài vọng cổ, chưa hẳn là một áng văn tuyệt tác, nhưng  tiếng hát của chàng trai thất tình Người Xứ Vạn, đã vang vọng, lúc thì trầm buồn, lúc oán trách than van, làm cho người nghe buồn tê tái và nhất là cho những ai đã tìm về gặp người xưa, nhưng khi vác ba lô ra khỏi trại tù thì người xưa đã biền biệt ra đi…

Chúng ta hãy cùng nghe tâm sự của chàng bán chiếu, được thể hiện qua giọng hát truyền cảm của anh chàng Xứ Vạn ...

“Hò ơ, chiếu Cà Mâu nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực khổ mưa nắng dãi dầu,

Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm...”


Việc đáng nói là người đã ca bài hát bất hủ này lại là một nhạc sĩ tài danh trong làng tân nhạc. Nhạc sĩ Cung Đàn với những tình ca đã đi sâu vào lòng người. Tôi không muốn quảng cáo cho anh Nguyễn văn Sanh, vì có viết nhiều về anh cũng chỉ là chuyện dư thừa. Và cũng có thể, những tài năng của anh Nguyễn Văn Sanh, tôi cũng chưa chắc đã hiểu rõ tường tận về anh bằng những Anh Chị Em đồng môn khác.


Thường thì những người thuộc thế hệ trẻ sau này, ít người biết ca vọng cổ. Anh Sanh đã là một ngoại lệ, vì anh hát tân nhạc rất hay. Anh sáng tác nhạc rất đều tay, và những sáng tác của anh phổ thơ của Song Phượng, PhamphanLang, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trần Thị Thanh Tùng  và của các đồng môn khác nữa… rất trữ tình, đặc sắc. 


Tôi nghe anh Nguyễn văn Sanh hát TABC mà ngậm ngùi muốn khóc, và cứ ngỡ mình cũng đang là chàng bán chiếu thất tình kia. Từ thuở nhỏ, tôi đã không thích nghe vọng cổ mà chỉ chú trọng đến tân nhạc, các tình khúc nổi tiếng qua tiếng hát của Thanh Thúy, Lệ Thu,.. nên tôi không bao giờ đi xem hát cải lương. Nay nghe NXVạn ca vọng cổ, tôi mới biết trước đây tôi đã sơ sót bỏ qua nét tinh hoa của cổ nhạc.


Ca sĩ Ngọc Vân cũng là một người hát tân nhạc rất hay qua các bài Đôi Mắt Người Sơn Tây, Nửa Hồn Thương Đau, Nghìn Trùng Xa cách .... nhưng sau khi nghe NXV ngậm ngùi mấy câu vọng cổ, Ngọc Vân dạt dào cảm xúc  nên đã viết bài thơ 5 chữ “TIẾNG HÁT ƠI!” để nói lên nỗi niềm của anh bán chiếu. 


Ngọc Vân viết:

“Trong mênh mông đêm lặng,

Giọng trầm ấm xa khơi,

Như  thì thầm tiếc nuối,

Giấc mơ đã xa rồi!”
Ngọc Vân hát và làm thơ như một nhu cầu của tâm hồn muốn diễn đạt tình cảm một cách chân thành, không gò bó, không gượng ép. Lời thơ nhẹ nhàng, dịu dàng, và chất thơ làm người đọc xao xuyến, bâng khuâng!
Thật vậy, thơ Ngọc Vân “ rất khẽ”  như  tiếng khóc thầm, như  tiếng gọi trong hoang đường, rồi ngỡ ngàng trong tiếc nuối khi nhận biết được mình đang cô đơn:
 "Bến nhân gian hiu hắt,
  Một đời ta ru ta!"

 Tôi thiết nghĩ,  Ngọc Vân đã ân cần trải lòng mình để lắng nghe tâm tình của anh bán chiếu.

Thật vậy, anh bán chiếu, ròng rã bao ngày, cần mẫn lựa từng cọng chiếu vừa thơm vừa đẹp, óng ánh như tóc nàng kiều nữ bên sông, anh cặm cụi đan cho thành đôi chiếu bông, nôn nóng mong đến ngày gặp lại người con gái mà anh trộm nhớ thương thầm … Thế mà khi đến nơi, người tình trong mộng đã sang ngang, bỏ chàng bán chiếu cô quạnh đơn chiếc một mình, như con thuyền  ra khơi  vật vờ vì trống vắng, mối tình ngậm ngùi 40 năm trôi qua mà lòng anh bán chiếu vẫn chưa nguôi thương nhớ!

Ngọc Vân có được cái hạnh phúc  to lớn  bên cạnh một người chồng hiền hòa, luôn thương quý vợ con, vì thế gia đình chưa bao giờ bị sóng gió rình rập.

Từ ngày còn là sinh viên Dược Khoa, Ngọc Vân đã được chàng Dược sĩ đưa đón, đàn cho Ngọc Vân hát và đến khi tuổi đời chồng chất, đôi chân bị đau, lúc nào cũng có chàng cựu Dược sĩ Quân y chìu chuộng, dìu dắt, thương yêu, chăm sóc.. 

Thơ Ngọc Vân hay vì lẽ chính chàng cầm tay nàng nắn nót lời thơ êm dịu.

Rất tiếc, thơ  Ngọc Vân xuất hiện khi tuổi đời chồng chất. Nếu Ngọc Vân bắt đầu làm thơ từ khi còn trẻ, chắc chắn ngày nay, Ngọc Vân đã là nhà thơ có một chỗ đứng riêng biệt trong thi ca hải ngoại rồi.

Thật vậy, những dòng thơ  thật trữ tình, vừa lãng mạn với những bâng khuâng, tiếc nuối, vừa hư ảo như đang trong một giấc mơ:

"Tiếng hát nồng nàn ơi!

Hoài niệm xưa bất chợt,

Lòng có đau tả tơi?

Tiếng ai hát tinh khôi,

Như dòng sông chơi vơi,"


Đọc thơ Ngọc Vân làm tôi nhớ lại hai câu thơ của Quang Dũng:

"Em đi áo mỏng buông hờn tủi,

Dòng lệ ngây thơ có dạt dào."

(Đôi bờ - Quang Dũng)


Thi sĩ Hồ Dzếnh, có 2 câu thơ để đời, dù biết người yêu đã có hẹn nhưng chưa bao giờ đến mái tranh nghèo, có mùi rượu phảng phất :

"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

 Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân"…


Thì  Ngọc Vân cũng ngậm ngùi cho anh bán chiếu:

"Tiếng ai hát tinh khôi,

Như dòng sông chơi vơi,

Chắt chiu lòng đôn hậu,

Thôi nhé, hãy thảnh thơi!”


Ngọc Vân ơi, tâm trạng của anh bán chiếu, khó mà thảnh thơi lắm! Bao năm qua, đôi chiếu bông vẫn còn, bóng dáng của người kiều nữ xinh như thiên thần, có đôi mắt sầu hun hút vẫn chưa phai nhòa. Mỗi khi anh bán chiếu nhớ về dòng sông cũ, bến bờ xưa, thì hình ảnh của người xưa bao giờ cũng vẫn còn là hoài niệm:

"Em ở đâu hỡi nàng tiên tóc xỏa,

Cất giùm anh chiếc chiếu thắm ngày xưa,

Anh vẫn thương màu mắt ấy vô cùng,

Nhớ giữ nhé, thơ "Tình Anh Bán Chiếu."

Vô Danh


Nhà thơ Ngọc Vân đã lột tả được  nỗi hoài mong của anh bán chiếu cô đơn, dãi dầu mưa nắng, một mình trên con thuyền lẻ loi, bập bềnh  sông nước,  lòng vương vấn nhớ  người  xưa  đang ở tận phương trời nào!  Ngọc Vân dùng chữ thật giản đơn, không hoa mỹ, không cần trau chuốt, để viết thành thơ , nhưng cách ghép chữ, gieo vần thật khéo, khiến người đọc nao nao, ngậm ngùi,  thương cảm cái tâm tình mộc mạc nhưng thắm thiết, sâu lắng của anh bán chiếu. Ngọc Vân viết:

"Giấc mơ đã xa rồi!

Thiết tha câu Vọng Cổ,"

Có ai dám nói 4 câu thơ sau đây của Quang Dũng bị gượng ép đâu; mà là 4 câu thơ rất tuyệt vời để diễn đạt những hoài mong một ngày tàn khói lửa để còn có thể có cái cơ may gặp lại người yêu:

"Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca

Đã hết sắc màu chinh chiến cũ

Còn có bao giờ em nhớ ta.”

(Đôi mắt người Sơn Tây- Quang Dũng)


Cũng như những câu thơ sau đây, của nhà thơ Dã Tràng Nguyễn Trần Tấm, đã gieo vần một cách tự nhìên, không gò bó, mà thơ được viết ra như  lời thì thầm trong gió:



“Nửa vòng trái đất chưa xa,

Tình ta ngàn dặm ...

Tiếng yêu vỗ về!!!”

(Nguyễn Trần Tấm - Đặc San VT&NTH Nha Trang 2005 - trang 160 "Chuyện Chúng Mình."


Thơ Ngọc Vân cũng vậy, tự nhiên và giàu cảm xúc:

" Thổn thức điệu Nam Ai,

Sương mù mông lung nhớ,

Lay lắt lá vàng phai."

Thể thơ 5 chữ cũng được một số nhà thơ trên Diễn Đàn Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang đã vận dụng để truyền đạt  những câu chuyện tình theo một lối viết riêng biệt với phong cách hiếm thấy trong thi ca ngày nay. Đó cũng là một ân sủng của tạo hóa đã ban cho thiên tài Trần văn Lương..

Bài thơ của Thi sĩ Trần văn Lương qua bài Muộn màng như sau:

“Hởi tim chết nơi đâu,

Cây khe khẽ lắc đầu,

Gió lầu bầu chẳng biết,

Trăng giả điếc qua cầu.”

(Đặc San 2005, trang 521)


Thơ 4 chữ, cũng được Võ Thị Hạnh Em viết một cách thật dễ dàng, tuyệt  vời của một tài năng hiếm thấy, như bài thơ sau đây:

‘Biển xanh dào dạt

Tình anh có lớn

Hởi con sóng nhỏ?

Bây giờ anh đâu?

( ĐS 2015  Nhớ - VHM Nha Trang trang 80)


Ngọc Vân cũng vậy, nghĩ sao viết thế. nói sao viết vậy. Thế mà thành thơ:

“Giấc mơ đã xa rồi!

Thiết tha câu vọng cổ,

Thổn thức điệu Nam Ai,

Sương mù mông lung nhớ,

Lay lắt lá vàng phai!”

Lời thơ của Ngọc Vân rất nhẹ nhàng, thanh thoát.  Hình ảnh của mùa thu có mây mù giăng lối em đi, có nỗi nhớ bồng bềnh như những cụm mây bay thật thấp, với chất u uẩn trong lời ca, tiếng hát của Văn-Thi-Nhạc-sĩ  Người Xứ Vạn đã đưa hồn người về “ Bến nhân gian hiu hắt” buồn tênh!


Trường Võ Tánh Nha Trang đã có những nhà thơ nam nổi tiếng, có chỗ đứng vững vàng  trong văn học nghệ thuật, không chỉ ở Mỹ, mà còn khắp năm châu như  Duy Năng, Sao Trên Rừng, Quan Dương, Vĩnh Hồ, Lê Mâu, Người Xứ Vạn, Mây Cao Nguyên ... 


Riêng các nhà thơ nữ  của trường Nữ Trung Học Nha Trang thì trong những năm gần đây ta bắt gặp Tố Anh, Hoài Niệm, Trân Châu ... và nhất là thời gian gần đây, chúng ta đã thấy xuất hiện các nữ thi sĩ như Song Phượng, PhamphanLang, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Võ Thị Hạnh Em , Trần thị thanh Tùng, Kim Hiến ...  đã làm cho thi ca hải ngoại thêm phần khởi sắc.

Thật vậy, các nữ sĩ quen thuộc của chúng ta là Song Phượng, PhamphanLang , Ngọc Vân, Kim Hiến từ những bài thơ sáng tác đầu tiên, tôi đã tìm thấy tài năng của các nhà thơ đó. Tôi cũng đã có lần lên tiếng khen ngợi nhưng cô nào cũng  e dè mà nói thơ mình là thơ ‘con cóc’. Bây giờ thì “thơ con cóc’ của các giai nhân đó đã thành những nhạc phẩm đi vào đời sống, tâm tư của người yêu thơ và nhạc.


Trở lại thơ Ngọc Vân trong bài “Tiếng Hát Ơi!”, tôi thích nhất là những câu thơ sau đây:

“Tiếng hát, nồng nàn ơi! 

Hoài niệm xưa bất chợt,

Lòng có đau tả tơi?

Tiếng ai hát tinh khôi,

Như dòng sông chơi vơi,”


Những hoài mong, những thắc thỏm “Lòng có đau tả tơi” , rồi những” hoài niệm xưa bất chợt” trỗi dậy trong tôi như những nỗi nhớ triền miên ray rứt.
 Không gian lặng lờ, cuốn hút theo thanh âm ”Thôi nhé, hãy thảnh thơi!” đắm chìm trong bầu trời thâm u cùng với tiếng hát ngọt ngào của NXV đang đưa tôi đi trên con đường  có biển, có hàng cây bàng che bóng mát, có lá vàng rơi rụng. Đang vào hè, bầu trời trong vắt, những ánh sao xanh nhấp nhánh như những giọt nước mắt quanh mi, lặng lẻ, cô đơn:
          “Lay lắt lá vàng phai.”

rồi... “Sao đêm, nước mắt rơi”.

Bỗng chốc, tiếng hát trầm buồn của chàng bán chiếu cất lên “Tình anh bán chiếu trọn đời không phai.”  đưa tôi về một chuyện tình ngổn ngang:

“Có những chiều mưa trong trại tù, tôi thẫn thờ ngồi dưới gốc cây me giữa sân trại, nhìn hàng cây vẫn reo vui, đùa giỡn với mây ngàn, gió núi mà lòng tôi buồn da diết.

Những bàng hoàng đó rồi cũng qua nhanh, để đêm nay tôi cúi mặt ngỡ ngàng, chập chờn kỷ niệm, với ký ức bồi hồi, làm lòng mình xao xuyến, muốn biết  P. hiện giờ ở đâu, để tôi khỏi phải nhớ em tận đáy lòng hoang dại.

Đêm đêm, dưới ánh trăng xuyên qua khung cửa sổ, tôi tìm đôi mắt ai trong tĩnh lặng, nhắm mắt lại để giữ nguyên vẹn hình ảnh đó khỏi xóa nhòa  trong trí nhớ,  và đêm đêm trong giấc ngủ, hồn tôi chết lịm trong đam mê.

Sáu năm tù tội, thời gian không dài lắm đối với một đời người  nhưng với những kẻ  lạc mất nhau trong cảnh đời lận đận thì thật quá dài!

Đêm hôm đó, lúc tôi nhìn vào bóng tối mênh mông, đôi mắt P. to tròn, sâu hun hút, tôi tìm thấy dĩ vãng đang rạo rực trở về trong tôi. Ngồi một mình trong phòng vắng, không chịu nỗi những nhớ nhung quay quắt, tôi gục đầu bên bức tường của phòng giam, khóc tức tưởi để thấy nỗi đau của mình  quá lớn và nghe từng giọt đắng âm thầm rơi trên má với bao sử lụy ưu phiền.  Dáng P.  mờ mịt khói sương, gợi cho tôi nỗi nhớ xanh xao, hồn  chênh vênh, đất trời chật hẹp, mà nỗi buồn vẫn lẩn quẩn quanh đây, rồi chợt mơ  ngày về để gặp lại P. , người tình đã nhiều lần hò hẹn, mà bóng hình luôn ấp ủ trong lòng tôi.

Có những đêm như đêm nay, ngồi nghe lòng mình hối hả, rưng rưng những đêm buồn, ngồi úp mặt trong lòng bàn tay, nghĩ về P. khi trăng mớm tình về, rồi chợt nghe P. ngọt lịm như cỏ hoa đăng đang sinh chồi nảy lộc trong da thịt người tù, trong một đêm rất lạ mà nghe nhớ P., từng giọt đắng nghẹn ngào trong cổ họng.


Mãi đến khi giặc thả về, tôi tìm thăm P. trong một ngày nắng ấm. Tôi, tóc điểm sương trắng, lốm đốm da mồi, dáng đi xiêu vẹo, mà hình hài là một tên lính mất chiến trường, đành phải giã từ vũ khí, vết hằn của màu thời gian đã thoáng về trên đuôi mắt. Ai nhớ ai! Ai thương ai! Ai bơ vơ!

Làm sao tôi quên được ngày ấy, tôi thả bước chân buồn về phố cũ tìm P.

Dọc đường, những hè phố xưa còn ẩn hiện với vết tích của chiến tranh còn thấy rõ. Một chiếc xe jeep  bị cháy sém đen mà cứ vẫn nằm trơ trơ bên cạnh chiếc nón sắt hoen rỉ, thủng nhiều lỗ đạn làm tôi nghẹn  ngào muốn khóc. Tôi cúi đầu lặng lẽ đi như kẻ chạy trốn hiện tại.Tay chân rã rời. Lòng tôi trống vắng như tháp canh đìu hiu.

Tôi đến nhà P. lúc 6 giờ chiều mà trời đã tối.

Tôi gõ cửa ... lần thứ ba. Tiếng gọi của tôi lãng đãng, âm vang, cuốn theo một buổi chiều mờ ảo.

Tôi gõ cửa mạnh hơn. Có tiếng chân bước soàn soạt và có bóng người lấp ló bên trong nhà.

Giọng P. vọng ra: Ai đó?

P. dè dặt, lúng túng, tay bồng tay bế, bước ra mở cửa, nhìn tôi bối rối, hỏi: “Ông tìm ai?

Tôi thấy P. thay đổi quá nhiều.  Trời ơi! Mới ngày nào P. còn là một nữ sinh áo trắng với những chiều lộng gió, tóc nàng chờn vờn bay, bám vào môi miệng tôi như  gọi mời, mà nay trên vạt áo nàng, lốm đốm vài giọt sữa tươi lan ra, ướt trên ngực áo ...

Tôi ngỡ ngàng bước đi như người đang lên cơn suyễn nặng.

Hình ảnh của P. mất hút trong tim tôi, với lời khuyên của Ngọc Vân:

“Thôi nhé, hãy thãnh thơi.”

Trong một chừng mực nào đó, người lính  cũng ngậm ngùi ra đi nhưng tình đã níu kéo trong giấc ngủ chập chờn vì áo lính đã ướp  hương nắng hạ. Phải rồi! Mai đây mốt nọ, tôi sẽ thãnh thơi  ngồi chờ tin P. và mong sao em vẫn vui như những ngày không có ta bên em.
“Em hai con.
Ta đưa em nhìn giấy Ra Trại,

Em ngập ngừng

Sắp sửa ba con”...

Thật vậy, thơ Ngọc Vân quả là những vần thơ Tuyệt Vời, với những từ ngữ thật đơn giản, mộc mạc qua những từ: xa khơi, tiếc nuối, mông lung nhớ, đã thật xa, ...nhưng người đọc cảm nhận thật rõ nỗi xót xa, cay đắng của anh chàng bán chiếu cô đơn.

Chao ôi! Tình cảm dành cho người con gái của thành phố biển nào đó, tuy chưa trao lời, chưa một lần ước hẹn mà chàng vẫn âm thầm theo dõi bóng người đi. Thật vô cùng lãng mạn và hoang đường như trong một câu chuyện cổ tích Lá Diêu Bông, đã diễn tả tâm tình hồn nhiên về mối tình khờ dại của một thư sinh với chị láng giềng lớn hơn nhiều tuổi:

“ Mùa đông sau

   Em tìm thấy lá

   Chị lắc đầu

   Trông nắng vãn bên sông ...
   Chị ba con
   Em tìm thấy lá
   Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
(Lá Diêu Bông - Hoàng Cầm)


“Như dòng sông chơi vơi”

Rồi bỗng bất chợt, dòng sông chơi vơi lại xuôi dòng về ký ức với  những cung bậc mới,  vừa tha thiết,  vừa gợi nhớ một dòng sông xưa mà ta đã qua nhưng chưa bao giờ tìm về...


Duy Xuyên
Tacoma
25-04-16
 

No comments:

Post a Comment