Chuyện nhà quê.
Từ rằm tháng Mười Một, dân Vàm Cống râm rang đồn Tết này gánh hát Tỷ Phượng sẽ về chợ trình diễn. Tin tức đó đã gây “xôn xao” bọn nhóc trong làng, vì gánh-hát-về-chợ luôn là sự kiện “lớn” tại chốn quê mùa này, tạo nên không khí sôi động nơi cái chợ nhỏ mà cả năm chỉ vài lần có được! Thằng Hai Lư ở trong xóm nơm thì hí hửng tuyên bố ba nó đã được chọn đi rao bảng hàng ngày vì vừa sắm được chiếc Goebel để kéo thùng xe lôi, thay cho chiếc xe đạp cũ kỹ trước đây. Nó sẽ ngồi theo xe lôi để phát mấy tấm “rồ ram” cho người đi đường, trong khi nhân viên gánh hát “gân cổ” rao bảng quảng cáo qua loa phóng thanh, ngoài ra còn có thêm một thằng đánh trống để gây sự chú ý của mọi người, thằng này thật sự không thể thiếu vì nó là “đặc trưng” của các gánh hát về làng!
Hồi này thằng Sắt ở ngoài “ cầu bắc” có vẻ nịnh thằng Hai Lư dữ lắm, để tranh suất đánh trống. Lần nào vô trường nó cũng “hối lộ” cho thằng Hai Lư khi thì cục kẹo, lúc thì cái bánh tây…vì nhà nó bán “hàng xén”! Hèn gì đi đâu cũng thấy nó cầm theo cặp dùi, gặp gì cũng gõ, nó nói tao duợt để Tết này theo đội lân của Thầy giáo Cẩu đi múa …kiếm tiền.
Thầy giáo Cẩu là con Ông Ban T. chủ chành lúa lớn ở chợ Vàm Cống, từng học trường Bác Ái của người Hoa ở đường Cây Mai(nay là đường Nguyễn Trãi), Chợ Lớn, thỉnh thoảng về thăm nhà, hay bày nhiều trò vui cho bọn trẻ trong làng như ca hát, đóng kịch…Có lần vào dịp nghĩ hè,Thầy về mở một lớp học dạy chữ Tàu cho con mấy người “Các chú”, như anh em A Kiều, Nhúc Khoa con ông Thái Bình, thằng Sang, thằng Mí,…con ông Chệt Tuyên, chị em thằng Xừng con Ông Quảng Lợi tiệm thuốc Bắc.v..v…Tất cả cũng hơn 20 đứa, ăn mặc thật lịch sự, nam thì quần sọt, áo cụt tay trắng bỏ trong quần, nữ thì mặc đầm màu xanh nước biển với áo “tay cúp” trắng, đứa nào cũng mang tòn teng bên hông một cái ca nhôm để uống nước cho hợp vệ sinh. Lớp học chữ Tàu là sự kiện nổi bậc ở chợ Vàm Cống , tuy chỉ tồn tại không hơn 3 tháng, nhưng để lại ít nhiều ấn tượng cho những học trò quê chúng tôi vì sự “sang trọng” của con nhà giàu và sự mới lạ của cách tổ chức đến từ thành thị! Hồi đó thật dễ, Thầy giáo Cẩu cứ tự mở lớp mà không hề bị ai hỏi han phép tắc gì cả, chừng trường đóng cửa thì cũng lặng lẽ, chẳng ai hay, còn học trò thì một số trở lại trường tiểu học Bình Thành Tây khi ngày tựu trường đến, số khác lên Long Xuyên học trường Tàu Bác Ái hoặc Chí Huê.
Lúc bấy giờ, cũng giống như người lớn, không hề có sự ganh ghét hay mất lòng gì giữa dân cố cựu và những vị “khách trú” đến từ phương xa, bọn trẻ chúng tôi chơi thân với nhau, rất hồn nhiên, không hề phân biệt là con “các chú”hay con Việt Nam! Mà thật ra, tụi nó cũng chẳng khác gì tụi tôi, từ ăn mặc đến cách nói chuyện, không chơi với nhau thì chơi với ai? Ba Má tụi nó là những người có tiền, mở “tiệm nước” bán hủ tíu, cà phê hoặc kinh doanh thuốc Bắc, mua bán “hàng xén”…Các tiệm này chính là tụ điểm để người lớn đánh cờ, trẻ con chơi giỡn, nhất là ban đêm vì được đốt đèn “măng xông” sáng rực, mọi người đến với nhau thật chan hòa thân ái! Cá biệt chỉ có bà Hai Xẩm ở giá, má thằng Lũ Lĩn là nghèo, hàng ngày đi xin cơm thừa, cá cặn về nuôi heo và… nuôi thằng Lũ Lĩn!
Năm nào cũng vậy, ngoài những tháng hè, thầy giáo Cẩu cũng về thăm nhà vào dịp cuối năm, nhân đó lại tổ chức các trò vui cho bọn trẻ trong làng. Hai năm nay, ông lập đội lân, qui tụ mấy anh lớn to khỏe trong chợ và cầu bắc, rồi mướn Thầy từ đội lân Nhơn Nghĩa Đường ở Chợ Lớn về huấn luyện. Suốt từ rằm tháng 11, chiều nào cũng vậy, tại khoảng sân trống bên hông nhà chú Hai Men, đội Lân thầy giáo Cẩu tập múa tưng bừng, làm bọn trẻ tụi tôi nôn nao quá xá! Đó cũng là cơ hội để tụ tập chơi giỡn, nhất là khi buổi tập múa lân kéo dài, Thầy giáo Cẩu cho đốt mấy đèn “khí đá” sáng rực! Nhờ có “thầy” dạy nên đội lân “Giáo Cẩu” cũng mau thuần thục, ngày Tết đi múa quanh các chợ Vàm Cống, Lấp Vò, Định Yên, được bà con hoan nghinh quá cở! Thầy giáo Cẩu làm việc này chủ yếu để vui làng xóm, tiền thu được ông lì xì hết cho bọn trẻ sau khi trừ đi chi phí, nên thằng nào được vô đội là sướng lắm.
Nghe thằng Sắt khoe đi đánh trống múa lân cho Thầy giáo Cẩu, thằng Hai Lư phản bác, giỏi lắm mầy chỉ được theo kéo xe trống, ai cho mày đánh, múa theo tiếng trống của mày…có ngày lân lọi giò! Thằng Hai Lư nói tiếp mà …đánh trống rao bảng hát thì chắc là ba tao cho. He he, nó làm như Ba nó là ông bầu gánh vậy!
Đó là chuyện sắp tới, gánh Tỷ Phượng có về hát ở chợ Vàm Cống hay không cũng chưa rõ, thằng Hai Lư có được ngồi theo xe lôi thùng đi rao bảng hát cùng ba nó không vẫn chưa biết được; chừng nào thấy “áp phích” dán lên mấy cột nhà lồng chợ, hoặc ngoài bến bắc thì mới chắc ăn!
Còn bây giờ, trống vừa đánh “ hồi một” tôi quảy vội chiếc cặp, dông một lèo từ nhà đến trường Tiểu học Bình Thành Tây, cách chừng 300 thước, sau khi nhét vô túi 5 cắc ăn quà vặt. Lúc bấy giờ, năm 1956, trường Bình Thành Tây chỉ có 4 lớp, gồm lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba và lớp Nhì( tương đương với lớp 1, 2, 3, 4 ngày nay), muốn học tiếp lớp Nhất học trò phải vô trường Bình Thành Đông, trong chợ quận Lấp Vò. Sau đó nếu tiếp tục bậc trung học, thì phải lên Long Xuyên, nằm trên bờ Tây sông Hậu, bên kia phà Vàm Cống.
Tới sân trường tôi gặp thằng Rô, nó khoe vừa bắt được con dế than đã lắm, rồi móc trong cặp ra cái vỏ hột xoài khô có buộc cọng dây thun, nó hí cho tôi thấy con dế đen sì đang lẫn trong mấy cọng rau sam. Thằng Rô ở Vàm Cái Sức, nhà có làm vài công ruộng nên món đá dế và cá lia thia nó rành sáu câu! Nó là thằng bạn thân nhất, chúng tôi thường chia nhau cái bánh, cục kẹo, cho nhau con cá lia thia hay con sáu sậu, thỉnh thoảng tôi được đi Sài Gòn nên cũng mang về cho nó ít món đồ chơi xin được từ mấy đứa em con của chú tôi…Là “dân ruộng” nên thằng Rô có nhiều “món’ chơi rất thú vị như đuổi chuột, bắt dế, tát đìa, bẫy chim…trong khi “dân chợ” như tôi thì đánh đáo, bắn cu li, đánh bài ăn dây thun, ăn bao thuốc hay nút ve…Mà ruộng và chợ thật ra chỉ cách nhau một con đường hay con rạch nhỏ, xa hơn nữa thì cũng chỉ hơn 1 ngàn thước đường đất trong làng, nên trò chơi của chúng tôi thường san sẻ cho nhau dù hay, dở là tùy theo khu vực. Mà thiệt là ngộ, không biết do đâu và từ bao giờ, trò chơi của chúng tôi lại thay đổi theo “mùa”trong năm . Mùa dế, mùa cá lia thia thì đá dế, đá cá. Mùa dây thun thì đánh bài ăn dây thun, bún dây thun, tạt dây thun…Mùa hình thì tạt hình, đánh bài ăn hình. Mùa “nút ve” thì thảy lổ, chọi đáo…Mùa đạn thì bắn “cu li”…xen vào đó là qua cồn Cái Cùn thụt lịch(1 loài lươn nhỏ), tắm sông chọi sình, nhảy cầu, câu cá, bắt chim, hay chơi cút bắt(trốn tìm)…vui nhất là những lần giựt giàn “cúng cô hồn” vào 3 kỳ rằm lớn trong năm.
Một hồi sau thì thêm nhiều thằng bạn khác tới coi con dế than mà nó nói tao đặt tên là Đại Tướng, vì nó bự và rất “hăng”! Bấy giờ nó mới lấy ra cây “ráy” làm bằng cọng chưn nhang, gắn cục sáp nhỏ để giữ mấy cọng tóc, rồi đưa vào bên trong hột xoài ráy làm con dế gáy te te! Lúc này không phải là “mùa” dế, nên chẳng thằng nào có dế để đá thử xem Đại Tướng có xứng với cái tên ấy không, nhưng nhờ vậy, con Đại Tướng trở thành hàng hiếm, chỉ cần nghe nó gáy cũng…đã lỗ tai!
Rồi chuyện dế cũng phải gác lại sau khi có nhiều thằng rủ nhau đá gà cỏ, bắn cu li, chơi “tù vượt ngục”..v..v…cho tới khi trống đánh hồi 3, vào lớp. Bất ngờ thằng Rô nói tao cho mầy con dế đó, mai tao bắt con khác. Tôi khoái vô cùng, nhét vội hột xoài vào túi quần xà lỏn sau khi cột dây thun cẩn thận, rồi sắp hàng vào lớp!
Năm này tôi học lớp Ba, Thầy dạy lớp là Thầy Sản, rất nghiêm khắc, chuyện Thầy phạt học trò quì”sơ mít” chỉ nghe qua “truyền thuyết”hồi mấy năm trước, tôi chưa thấy, nhưng tiếng tăm đó cũng làm chúng tôi “ớn lạnh”! Còn năm nay, bị bắn thun vào lỗ tai hay khẻ tay bằng thước bảng bự là chuyện thường ngày ở…lớp Ba này! Roi mây thì Thầy, Cô nào chẳng có, bị đét vô đít nhiều đứa…đái ra quần ! Đó là mấy thằng nhát gan mà… ham chơi! Kể cũng tội, phía sau trường là một cánh đồng, mùa nào cũng có việc cho bọn học trò nhà quê, mùa nước thì đi vớt cá lia thia, hái bố bắn ống thụt…, mùa khô thì thả diều, bắt dế, đánh trận giả…nên làm sao không có đứa vì ham chơi mà lêu lỏng? Trường lại gần sông, rạch… nên nhiều thằng chẳng sợ hà bá, trời trưa đứng bóng cứ rủ nhau phóng nhảy đùng đùng, móc sình liệng lộn, đục nước, mãi đến khi trống đánh hồi 2 mới leo lên bờ quơ vội cái quần “xà lỏn”, mặc vội chiếc áo, cặp mắt đỏ chạch chạy vội vô trường, đầu cổ ướt nhẹp, trong bụng thì không có một chữ …làm thuốc, hỏi sao không bị ăn roi mây! Mỗi lớp chỉ có 5, 7 thằng như vậy thôi, bị phạt… cũng khiến cả lớp…lạnh mình!
Chiều nay, sau khi điểm danh, Thầy bắt đầu gọi tên lên bảng trả bài, một không khí im lặng, “chết chóc” bao trùm lớp học. Tiếng ê a từ bọn học trò lớp Năm bây giờ nghe càng rõ rệt!
O tròn như quả trứng gà,
Con gà đạp cánh hát là …ó, o.
Ích xì xe chạy bon bon,
2 cờ lộn ngược, ta còn đi…Xe….
I, tờ 2 chữ giống nhau,
I thời có chấm, tờ thời có ngang…
….
Sau đó chắc là bắt đầu tập viết nên không gian yên lặng khắp trường, tình hình trong lớp bây giờ thêm “căng thẳng”, bổng con Đại Tướng gáy“te te” khá lớn, tôi xanh mặt thò tay vô túi quần đập đập cái hột xoài. Con dế lại im re, Thầy nhìn xuống hướng tôi, nhưng không nói gì, chắc tưởng đâu tiếng dế bên ngoài lớp học(vì tôi ngồi sát vách gần bàn chót, bên ngoài là cánh đồng). Con dế không hổ danh Đại Tướng, nó lại trổ tài cất tiếng gáy như thị uy! Tôi lập tức cầm ngay cái hột xoài lắc mạnh, trong lúc Thầy Sản nhìn xuống lạnh lùng hỏi của ai? May mắn, Con Đại Tướng im tiếng đúng lúc, Thầy cũng chưa định được nơi xuất phát tiếng dế nên tiếp tục hỏi bài học trò. Tình hình ngày càng nguy, ổng đã chú ý, nếu con Đại Tướng tiếp tục “ra oai” thì chắc là lảnh đủ, nên định bụng nếu nó còn gáy nửa thì tôi đành phải bóp dẹp cái hột xoài và hy sinh luôn chiến bình chưa một lần xung trận! Lúc này không biết sao con Đại Tướng lại im re trong khi lớp học tiếp tục những giây phút hồi hộp. Rồi tôi chợt thấy có gì nhột nhột trong…quần, phản ứng tức thời là chộp tay vào nơi nhột, bất ngờ một “miếng cắn” đau điếng khiến tôi thét lên, hoảng cả hồn, nhảy dựng, đồng thời biết ngay đây là “đòn trí mạng” mà Đại Tướng vừa đánh vào nơi “hiểm địa” ! Có lẽ sau mấy lần đập hột xoài cho dế nín gáy, sợi dây thun bị sút, làm mở cái hột xoài, con dế bò ra ngoài, chun vô quần, khiến tôi bị nhột…(gặp trường hợp này, do phản xạ, gần như trăm phần trăm, ai cũng chộp tay vào chỗ nhột, dĩ nhiên, con dễ cũng …phản xạ bằng cách hả bàn nạo “nhậu” liền cái gì tại “chỗ đó”), thật xui xẻo cho tôi, “chỗ đó” chính là nơi “nhạy cảm” nhất, rất dễ bị đau, mà là đau kinh khủng! Tôi nhảy dựng lên, Thầy Sản, vội nhìn xuống theo hướng tiếng thét, hỏi lớn cái gì vậy? ...M. cái gì mà mày la dữ vậy, hả? Dạ …dạ…Thầy gằn mạnh cái gì, hả? Dạ…dạ…con dế…Con dế làm sao, hả?...Dạ …dạ ..con dế nó cắn… cu con! Cả lớp cười một cái rần, nhất là tụi con gái, khiến tôi muốn độn thổ. Thầy thì …cười còn dữ hơn nữa, cười ngất ngây! Cười …quên luôn cái roi mây trên bàn, nhờ thế mà tôi thoát nạn!
Con dế thừa lúc tôi hoảng hồn, lỏng tay, đã nhảy tọt xuống đất, mất tiêu!...He he, dân chơi dế đã từng chứng kiến cái “bàn nạo” to, khỏe của loài này. Cở như của con chuồn chuồn thì nhằm nhò gì, vậy mà có thằng nào dám cho cắn rún để…biết lội, nói thì dễ chứ tôi chưa từng thấy ! Cho nên, bị dế cắn ngay “chỗ hiểm” thì thật sự là một…tai nạn kinh hoàng, cả đời tôi không thể nào quên!...
Gánh hát Tỷ Phượng về chợ Vàm Cống thiệt, nhưng không nhằm ngay Tết, mà là vào đầu tháng chạp, chỉ diễn độ 7 ngày, rồi sau đó sẽ chuyển đến chợ quận, sung hơn!
Nhà lồng mà chúng tôi còn gọi là nhà dài, có hình chữ nhật kích thước khoảng 20mx80m, ở giữa có 1 mái đón quay mặt xuống con kinh Lấp Vò-Sa Đéc, nơi đó có “cầu tàu”, để ghe xuồng cặp bến. Chung quanh nhà lồng là 4 dãy phố, giữa nhà lồng và các dãy phố là con đường tạo thành một hình vành khăn. Dãy phố bên trong, quay mặt xuống kinh, cùng hướng với mái đón, được xây bằng gạch, có 1 tầng lầu mà phía trước là khoảng ban công nhìn xuống chợ. Đây là địa điểm mà mọi gánh hát đều chọn để làm nơi trình diễn. Người ta sẽ dựng sân khấu và hậu trường ở khoảng 10m của 1 đầu nhà lồng, phần còn lại là dành cho các hàng ghế khán giả. Nhà lồng được bao kín bằng vải bạt dày để làm thành “rạp hát”. Ban đêm các tấm bạt dày được phủ xuống, phía dưới được dằn chắc bằng các thân tre hay tràm. Ban ngày, vải bạt được cuốn lên, ghế xếp lại 1 góc, dành chỗ cho bạn hàng mua bán, trừ phần sân khấu và hậu trường để nhân viên làm nơi tạm trú. Hồi đó không có khách sạn hay nhà nghĩ như bây giờ, đào kép chánh thường tới nghĩ trọ tại các nhà giàu quanh chợ, nhiều người ái mộ nghệ sĩ, chẳng cần lấy tiền, bù lại họ được vé “danh dự” xem hát hàng đêm!
Nhà lồng chợ Vàm Cống, xây dựng năm 1952, có mái đón ở khoảng giữa, hướng xuống kinh Lấp Vò-Sa Đéc, chung quanh là con đường đá, dùng làm nơi nhóm chợ.
Và đúng là Ba thằng hai Lư được gánh hát mướn chạy quảng cáo vòng qua các xã, bao gồm chợ Vàm Cống, Lấp Vò, Cái Dầu, Ngã tư Cai Bường. Thằng Sắt cũng được theo xe lôi với công việc đánh trống, nhưng cả 2 đứa, Hai Lư và thằng Sắt chỉ tham gia rao bảng đợt buổi chiều, khi đã tan trường. Sau đó trống được mang xuống cầu tàu, nơi sẽ tụ tập thêm lũ trẻ tại chợ, thay phiên nhau đánh, làm dân chúng bên bờ Hòa An và ghe xuồng đi ngang thêm chú ý!
Buổi tối mới thật sự sôi động vì đèn đuốc sáng trưng, hàng bán đồ ăn, thức uống bày dọc theo con đường đá lổi xổi bao quanh chợ: bánh tằm bì, xôi, khô mực, khô cá đuối…bánh canh, bánh lọt, nước đá bào, nước đá mía…hằm bà lằn xắn cấu món, khách ngồi xuống mấy ghế cóc, ăn uống tưng bừng!Bên trong rạp thì dàn “kèn Tây” liên tục thổi những bản tân nhạc làm dân sống quanh chợ thêm háo hức, còn bọn con nít thì …nôn nao cả ruột gan, nhất là những đứa không có tiền, phải tìm ai đó xin đi kèm theo, còn số khác thì tìm chỗ chun…lỗ chó!
He he, cái vụ chun lỗ chó này chỉ dành cho những thằng “lì” như thằng Đực, con bà Tám quét chợ, thằng Mun, con ông 6 Phú đâm heo. Hai thằng “đầu đảng” này, luôn tìm được “kẻ hở” để dở vách vải cùng đàn em chun vô lúc khán giả vào đông rạp. Khi đó là lúc vở hát gần mở màn, nhân viên bận rộn sắp chỗ ngồi, nó nhờ thằng Mí con ông Chệt Tuyên, là dân có tiền, mua vé vào trước rồi đứng gần nơi “lỗ chó” , khi thấy không có người kiểm soát thì ra hiệu bằng cách đánh vào tấm vải bạt 3 cái, gọi nhỏ bọn thằng Đực bên ngoài dở vách chun vô. Đó là cách mà tụi nó thường làm mỗi lần có gánh hát về chợ Vàm Cống, khi gặp tuồng hay mà không tìm được người dắt vào. Chuyện này cũng …hên xui!
Lần này, đêm đầu tiên gánh Tỷ Phượng trình diễn vở “Na Tra đại náo thiên cung”, tuồng hát đã từng được gánh Bảy Cao trình diễn trước đây, chúng tôi coi rồi nhưng vẫn muốn xem lại, con nít rất khoái vai Na Tra, chân cởi bánh xe lữa, tay cầm Càn khôn quyện, tả xung hữu đột, đấu phép tưng bừng!
Tôi lùa vội cho xong bửa cơm chiều rồi chạy lẹ xuống cầu tàu, tụ tập với đám trẻ khác coi mấy thằng đánh trống, chừng trời chạng vạng thì mon men tới “rạp hát” tìm người quen để xin đi kèm. Thường thì tôi được Ông Quản Kim, bạn của Ông Ngoại tôi, dắt vô mà không tốn cắc bạc nào. Vì là ông Quản(1 chức như cảnh sát ở làng), nên luôn được vé mời, đi với ông là “chắc cú”, bởi không phải ai cũng được dắt theo trẻ em vào nếu không phải là con của họ, gặp gánh hay như Tỷ Phượng, con nít cũng phải phụ thêm tiền!
Rạp hát đã bắt đầu đón khách, dàn kèn Tây bên trong rạp liên tục trổi nhạc khiến khán giả bên ngoài nôn ruột. Tôi cũng đứng chờ Ông Quản nơi cửa rạp, thấy Thằng Mí đến mua vé rồi trở ra nói chuyện với thằng Đực, một lúc sau thì cả hai chia tay, thằng Mí trình vé vào cửa, thấy tôi nó nháy nháy mắt cười. Càng gần tới giờ diễn rồi mà chưa gặp được ông Quản Kim, tôi quá sốt ruột, chợt thấy thằng Đực bị túm cổ tống ra khỏi cửa kèm theo cái bạt tay của người sắp ghế, anh ta nói như phân bua …thằng này chun lỗ chó! Thằng Đực lũi thẳng vô đám đông, mất tiêu! Tôi cũng chẳng thấy ông Quản, chắc ổng có chuyện gì nên không đi coi hát đêm nay? thôi thì vô nhà thằng Xinh con ông Hai Quang trong phố, lên ban công coi “cọp” . Đó là nơi có vị trí thuận lợi, tuy hơi xa, nhưng cũng có thể xem được một phần sân khấu từ trên cao, xuyên qua khoảng hở giữa tấm vải bao rạp hát và mái ngói nhà lồng. Vị trí này tuy coi không đã, nhưng mát mẻ, khỏi chen lấn và nhất là chẳng phải trả tiền. Tuồng hát coi thiệt đả, nhất là mấy phen đấu phép!
Hôm sau, nhằm chủ nhật, bọn trẻ chúng tôi gặp nhau tại cây gáo, nơi có Miếu Ông Tà, chơi trò đu bay, thằng Đực buột sợi dây luộc to trên cành gáo bự, tụi tôi chia nhau cột người phía dưới, “bay” vòng vòng như…Na tra đằng vân. Bấy giờ tôi mới biết vụ hồi tối. Khi thằng Đực nhận được tín hiệu của thằng Mí, đồng bọn dở vách rạp, đẩy thằng Đực vào, thì nhân viên rạp thình lình bước tới, thằng Đực nói chết mẹ, nó tới tụi bây ơi…rồi thụt ra, nhưng do tiếng kèn Tây quá lớn, mấy thằng bên ngoài không nghe, cứ tiếp tục đẩy thằng Đực vô, nó nói tao muốn té đái mà tụi nó cứ đẩy vô…thế là bị nắm đầu. Lúc đó người kiểm soát cũng túm luôn thằng Mí , nhưng nó đưa vé và nói lớn tui có vé, chớ hổng phải chun lỗ! Mục đích nói lớn là báo động cho bên ngoài biết bị lộ mà giải tán, thằng Đực bị lôi ra cửa và ăn một bạt tay như tôi đã kể. Không chun lỗ được, thằng Đực, thằng Mun …đợi coi “thả giàn”. Đó là khi vở diến gần hết, gánh hát cho người lên “diễn thuyết”, tức là quảng cáo cho tuồng “Trưng Nữ Vương” sẽ hát vào hôm sau, bạt bao rạp được cuốn lên, mọi người tự do chen vô coi hổng tốn tiền! Thằng Đực nói, tao cũng coi được cảnh thằng Na Tra đánh với yêu quái, tụi nó bay coi thiệt đã!
Có lẽ vì vậy mà bửa sáng nay nó bày trò đu bay ở cây gáo Miếu Ông Tà này. Đây là nơi tụ tập thường xuyên của bọn trẻ chúng tôi, dưới gốc có cái miếu, phía sau miếu là cà ràng, miểng chén, chai, lọ và các vật dụng hư bể…mà người ta mang đến vứt bỏ. Cây gáo thật to với tán lá phủ bóng mát trên 1 khoảng đất rộng cạnh bờ kinh, là một trong những điểm mà bọn trẻ con trong xóm hay tụ tập. Thằng Đực con bà Tám quét chợ, khỏe mạnh, lớn con và lớn hơn chúng tôi nhiều tuổi, coi như thủ lảnh xóm này, học chưa hết lớp Tư thì nghĩ, tiếp má nó quét chợ mỗi buổi sáng lúc chợ tan, thời gian còn lại thì ai kêu đâu làm đó và chiều thì gánh nước mướn cho mấy nhà quanh chợ.
Tuy không học nhiều, nhưng thằng Đực lại biết bày nhiều trò chơi, có khiếu nắn đất sét, làm diều, làm ống thụt nổ bá cháy!...Và sáng nay, trò đu bay được thằng Đực bày ra, thu hút rất đông dân chợ và cả dân xóm trong. Chúng tôi thay phiên nhau cột mình vào dây đu, rồi bay vòng vòng phía dưới tán cây gáo. Tới phiên thằng Mí, con ông Chệt Tuyên tiệm thuốc Bắc, nhờ nhỏ con nên bay rất điệu nghệ! Bỗng…bựt, sợi dây luộc bị đứt, thằng Mí la làng chết tao rồi và nằm thẳng cẳng trên…đống cứt bò! Nó nhăn nhó, thở muốn không ra hơi, nói tụi bây đừng cho ba tao hay… ổng uýnh chết! Vừa nói vừa lột chiếc áo dính cứt ra thảy xuống bờ kinh, nó nói tiếp… ba tao nói gặp bị đánh…bị té …muốn hổng bị bịnh hậu… thì uống nước đái pha đường,… thằng nào đái cho tao … miếng coi! Thằng Hai con ông Hình Xi vội chạy vô nhà lấy ra hủ đường cùng cái chén đá, rồi đái ro ro vô, bốc thêm mấy nhúm đường cát mỡ gà rồi đưa ngón tay vào quậy lẹ, đưa cho thằng Mí. Thằng Mí ực một phát …ngon lành!
Thế là trò đu bay chấm dứt. Thằng Đực nói tụi bây theo tao, có chuyện vui. Cả bọn rần rần theo gót thằng Đực, bước trên con lộ “so đủa” đi về hướng trường học, gọi như thế vì có 2 hàng cây so đủa chạy suốt con đường này . Khi ngang qua vườn chuối ông Từ Hải, nó rút trong quần ra cây dao con chó, cắt lấy mấy “tàu” rồi rọc bỏ phần lá chừa lại cọng, phát cho 4 thằng “lì” nhất trong bọn. Sau đó cả lũ tiếp tục theo thằng Đực đi ra cánh đồng phía sau trường. Tới nơi, nó nói thằng nào mắc…ỉa thì ỉa, thằng nào hổng ỉa thì đứng đó đợi tao. Chuyện ỉa đồng của con nít nhà quê là bình thường, nó có “lịch sử” lâu đời hơn ỉa cầu cá dồ: lá chuối khô, rơm rạ hay đối đế lắm là đất cày đều…dùng được để chùi đít! Cái đó không thành vấn đề, vấn đề là chuyện vui của thằng Đực tới giờ này vẫn chưa ai biết, chỉ hiểu lờ mờ là cái vụ “mắc ỉa” hôm nay của thằng Đực dường như là có chuẩn bị.
Sau cùng, thằng Đực biểu mấy thằng cầm cọng lá chuối, đập giập phần ngọn rồi chấm vô mấy đống cứt còn nóng hổi! Có vẻ như mấy thằng được chọn đã nắm trước kế hoạch của thằng Đực nên làm rất “gọn gàn”, mấy đứa còn lại chẳng ai biết gì, thì cảm thấy ghê ghê cái trò…thúi hoắc này. Sau đó nó dẫn cả bọn trở lại rạp hát. Bây giờ, chợ cũng sắp tan, Bà Tám đã bắt đầu quơ chổi quét ở cuối chợ, nơi đầu lộ đất. Chỗ bán gà vịt phía đầu nhà lồng nơi gánh hát làm hậu trường cũng đã dẹp, tấm bạt bao quanh rạp đã cuốn lên, quần áo, mũ, mão, cân, đai, râu, ria, tóc giã…cũng được mang ra chỗ đó hong phơi dưới nắng. Mặc kệ má nó kêu ơi ới, thằng Đực dẫn đầu cả đám đi tới ngắm nghía mấy bộ râu, rồi vừa dí dí ngọn cọng chuối vào 1 bộ râu vừa nói râu này là…râu Quan Công nè, thằng Mun, cũng dí dí cọng chuối vào, phản đối, hổng phải đó là râu …Quan Vân Trường(!), còn đây là râu Trương Phi, thằng Mí thì chỉ hàm râu bạc nói đây là râu thằng Mã Viện nè, thằng này bị Hai Bà Trưng oánh chạy dìa Tàu trong tuồng Trưng Nữ Vương, bửa nay cho nó …thúi thấy mẹ luôn! Thì ra đây là chuyện vui của thằng Đực, nó muốn trả thù cái vụ bị bộp tay vì chun lỗ chó hồi tối qua, cả bọn thích chí, chỉ hết râu này tới râu kia, lại thêm cả mấy áo mão cân đai…cũng hổng chừa!
Tối hôm đó, thằng Mí mua vé thượng hạng, ngồi sát sân khấu để thưởng thức cái “thành quả” mà tụi nó đã thực hiện. Hôm sau, trước giờ vào lớp, nó hào hứng nói tao thấy mấy ông Tướng Tàu vuốt râu mà…mặt mày nhăn nhó.
Tan học, khi về ngang chợ, tôi thấy nhân viên gánh hát đang rửa mấy bộ râu ở dưới cầu tàu! Còn bọn trẻ thì chẳng thằng nào dám léo hánh đến gần gánh hát vào ban ngày như lệ thường.
Sau một tuần lễ, gánh Tỷ Phượng dọn xuống Định Yên, chợ Vàm Cống cũng bắt đầu bày hàng bán Tết. Hoa kiểng, dưa hấu…lai rai dọn đến, mấy tiệm hàng xén cũng mở cửa tới ban đêm, đèn măng xông, đèn khí đá, thắp sáng dọc theo con lộ băng ngang mặt tiền nhà lồng chợ. Đội lân Thầy giáo Cầu cũng bắt đầu tập dượt, từ nay không còn cần Thầy từ Chợ Lớn xuống, thằng Sắt được cầm dùi đánh trống chính, vì thằng Châu con Ông Chín Sức đã về quê Nội nó ở Tây Ninh.
Pháo cũng đã nổ lai rai cùng với tiếng ống lói đì đùng mỗi chiều ở dưới cầu tàu.
Mùng 7 Tết năm đó, năm Đinh Dậu, 1957, má tôi qua đời, lúc ấy tôi mới 9 tuổi. Sau kỳ nghĩ hè, tôi lên Long Xuyên sống với Dì và tiếp tục học lớp Nhì trường Nam Tiểu học, sự gắn bó của tôi với cái chợ quê Vàm Cống ấy, ngày càng nhạt dần vì cuộc sống lang bạt kể từ khi mẹ mất. Nhưng những kỹ niệm nơi chốn ấy vẫn mãi còn trong tôi.
Mong Phuoc Minh
Long Xuyên, ngày 28-01-2016.
No comments:
Post a Comment