Wednesday, August 12, 2015

Vượt Biên Bằng Máy Bay

Vượt Biên Bằng Máy Bay

 
 
* * *

Người người, nhà nhà tại Việt Nam vẫn đang tìm mọi cách cho con em thoát khỏi đất nước mình. Không bằng thuyền, bằng đường bộ như xưa, nay là lúc vượt biên bằng bằng máy bay. Đó là những gì mà tôi được nghe khi còn ở trong nước.

Những con số bi thảm dễ thấy nhất là hàng trăm ngàn bạn gái từ các miền sông nước đã phải gạt nước mắt để trở thành “món hàng cô dâu Việt Nam” cho những tổ chức mai mối ăn chia với bọn cầm quyền bán sang các nước lân bang.
 Lịch sử từ cổ tới kim chưa có thời đại nào mà tệ hại như vậy.

Đám bạn tôi đứa thì đi theo diện kết hôn với Việt kiều do người thân, quen ở nước ngoài mai mối, đứa thì vô Facebook kết bạn rồi làm quen, hẹn gặp rồi nên duyên cầm sắt. Riêng tôi đến Mỹ theo diện đi du học.

Hồi trước nói đến đi du học là chuyện hiếm hoi. Phải cỡ con cán lớn, hoặc giám đốc công ty lớn, mới đủ sức đóng tiền ăn, tiền học cho con tại Mỹ. 
Nhưng bây giờ tình hình đã có khác.

Theo tin báo chí thì cuối năm 1990, mới có hơn 1.500 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, nhưng tăng trưởng đều đặn kể từ đó. Vào niên khóa 2012 – 2013 số sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ là 16.098 người. 
Có lẽ tới bây giờ con số đó đã cao hơn nhiều.

Thống kê năm 2013 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong nước thì có khoảng 125.000 học sinh, sinh viên đang theo học ở nước ngoài như: Australia, France, Germany, Japan, Singapore, Taiwan, Russia v.v… Con số này tăng khoảng 15% cho mỗi năm.

Sở dĩ có sự tăng đều đều này là vì thời kinh tế thị trường, món hồ sơ du học đã thành thứ dịch vụ làm ra tiền. Cứ có đủ hai - ba ngàn đô cống nạp cho dịch vụ là công ty môi giới sẽ lo đủ các loại giấy tờ đúng theo điều kiện cần thiết, mà các trường Đại Học bên Mỹ yêu cầu.

Giấy tờ nhà bank ư? 
Chỉ cần mươi triệu Việt Nam sẽ có ngay giấy xác nhận tài khoản trong ngân hàng của cha mẹ, thành năm, sáu trăm triệu. Rồi giấy chứng nhận tài chánh, từ một cửa hàng nho nhỏ biến thành cơ sở kinh doanh lớn thu nhập cả chục triệu một tháng. Họ bảo đảm khi nào đến Mỹ nhập học xong, sẽ rút ra êm xuôi, không sợ ai điều tra gì ráo trọi. Thế là bà con rỉ tai nhau dịch vụ chỗ này tốt hơn chỗ kia, đua nhau như thời vượt biển thập niên 1980 kéo nhau đi mua bến mua bãi. Xưa đi bằng tàu thuyền cũng đã tính bằng “cây”. Nay vượt biên bằng máy bay an toàn hơn, tính bằng đô la bạc ngàn là phải rồi. Thế là các bậc cha mẹ lại cầm nhà, mượn nợ, hốt hụi non, lấy tiền cho con đi du học, vì hy vọng qua đến Mỹ vừa đi học vừa đi làm, cũng dư sức đóng tiền học, (lầm to). Nhờ vậy mà con nhà phó thường dân như tôi cũng bon chen đi du học tại Mỹ được.

Thế là cuối hè năm 2008, vừa tròn 20 tuổi tôi đặt chân đến Mỹ với niềm háo hức, nhất là khi xuống đến phi trường LAX để làm thủ tục nhập cảnh, tôi được các nhân viên Hải Quan tiếp đón với thái độ lịch thiệp, người nào cũng sẵn sàng nở nụ cười rạng rỡ trên môi, mà các cán bộ nhà nước tại phi trường Việt Nam ít khi bắt gặp. Tôi “hồ hởi” về sự văn minh và giầu có hiện ra trước mắt với muôn vàn ánh đèn màu về đêm, với hệ thống Freeway “cực kỳ” tối tân, với những đoàn xe hơi nối đuôi nhau trùng điệp.
Trước khi đi bố tôi đã liên lạc với cô chú tôi ở thành phố Anaheim, ông là Pilot đến Mỹ từ năm 1975, nên tôi may mắn được cô chú đón về tận nhà. Tôi học ở trường Golden west College nghành y tá, số tiền mẹ cho đem theo, sau khi đóng tiền học một mùa là ba tháng hết 3.500 Đô chưa kể tiền insurance sức khỏe, tôi chỉ còn cầm trong tay một ngàn Đô, không đủ mua một chiếc xe cũ. Tôi phải đi học bằng xe bus, từ nhà cô đến trạm xe bus phải đi bộ 15 phút, nên ngày nào tôi cũng lật đật chạy cho kịp chuyến xe, ngồi thêm gần một tiếng nữa mới đến trường. Cali nắng ấm, nhưng cái lạnh mùa đông cũng buốt giá lắm, các bạn ạ.
Cô chú tôi có ba người con, hai trai đã có gia đình và ở riêng, còn cô chú đang sống với gia đình người con gái út, rể và hai cháu ngoại, nhưng ai cũng bận rộn, người thì đi làm kẻ thì đi học, không ai có thì giờ chở giùm, tôi cứ lầm lũi đi sớm về trễ chẳng ai quan tâm. Thỉnh thoảng chỉ có chú hỏi thăm, và kể cho tôi nghe về những ngày gia đình mới định cư tại Mỹ, vừa đi làm, vừa đi học, mọi người đều tất bật từ sáng sớm cho đến tối với công việc của mình, vì thế tuy sống chung một nhà, nhưng ít gặp mặt để nói chuyện với nhau, ngoài giờ ăn ngồi chung một bàn, đứng lên là ai vào phòng nấy. Chú còn thật thà cho biết nhờ có chương trình An Sinh Xã Hội của Chính Phủ, nên các em mới học hành thành đạt như ngày nay.

Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của cô, bưng bát cơm ăn mà tôi thấy nghẹn ngào, tủi thân. Nhng cũng không trách được, vì từ nhỏ đến lớn cô cháu bây giờ mới gặp nhau nên tình thân thiết không có mấy. Nhà cô có thói quen cơm nấu bữa nào ăn bữa nấy, ngày nào tôi muốn mang cơm theo, nửa đêm phải len lén dậy, lấy hộp nhựa bới cơm để dành sáng mai đi học ăn, nhưng không dám mang hộp về. Sau này tôi mua sẵn hộp mút, sau khi ăn xong thủ tiêu luôn.

Số tôi cũng xui, vì gặp lúc cô đang căng thẳng với việc kinh doanh địa ốc, nhà cửa, bất động sản, đang thời xuống dốc. Bố mẹ tôi, khi đẩy tôi qua đây để nhờ cô chú lo cho ăn học, đó là bắt cô chú phải chịu một gánh nặng,
vì ở Mỹ này không ai nuôi ai, ngay cả con cái cũng tự lập từ lúc 18 tuổi, và tôi phải hiểu rằng, ở Mỹ cuộc sống vật chất thì tiện nghi, thực phẩm thì dư thừa, nhưng tình cảm luôn thiếu thốn (mà vật chất thì không biết nói).

Hiểu được như vậy tôi không còn cảm thấy cô độc và lạc lõng nơi xứ người, mà tự nhủ, mình phải mạnh mẽ lên để vượt qua “Con phụ rẫy là con nên thân” mà. Từ ngày ấy tôi quen dần với nếp sống tự lo, tự sắp xếp cho cuộc đời của mình. Nhớ những ngày được nuông chiều trong vòng tay bố mẹ, nhớ những con tôm ram cõng muối, bát
canh cua đồng nóng hổi, mỗi lúc đông về, mẹ thường nhắc nhở mình mặc thêm áo lạnh, tự dưng chạnh lòng cảm thấy nhớ nhà kinh khủng. Tôi viết lên sự thật này không phải để trách, mà để cám ơn cô, vì cô đã tập cho tôi làm quen với những khó khăn, để khỏi ngỡ ngàng chênh vênh khi bước chân ra đời.

Mấy tháng sau đó, tôi quen được các bạn du học có hòan cảnh như tôi, và 
theo các bạn đi xin việc làm, nhưng hỡi ôi diện du học như chúng tôi, không được phép đi làm, nên chỉ có các nhà hàng, tiệm ăn, tiệm phở, tiệm bánh, mới mướn chúng tôi làm “chui” rồi ếm giá tối đa, phải làm cật lực, làm luôn tay, bị giám sát khắt khe, hở ra là họ đuổi không thương tiếc. Cuối cùng tôi cũng tìm được việc làm ba ngày cuối tuần trong một tiệm hủ tíu vùng Bolsa, với việc phụ bếp, như nhặt hành, rửa rau, rửa chén, lau chùi bếp và đổ rác. Làm từ sáng tới chiều hơn mười tiếng, được 50 Đô, qúa vất vả, nhưng tại đây tôi quen với một bác đầu bếp, bác nhận tôi làm con nuôi, và tôi theo con gái bác đi học nghề nail.

Sau khi lấy được bằng nail tôi kiếm tiền dễ hơn, bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Thời gian trôi qua thật nhanh, cuối tuần tôi ngụp lặn trong nghề nail để có tiền trang trải cuộc sống, tôi mua một chiếc xe cũ, làm phương tiện đi lại. Rồi hai, ba năm lại trôi qua, 
đầu tuần đến trường đi học, và cuối tuần đi làm nail, để gồng mình nhẫn nhịn khi phải tranh giành khách với những người kém mình, và chịu đựng những lời chê bai của chủ.

Ở trường học, tôi phải mất vài tháng mới quen với nhịp độ học, trên giảng đường tôi phải cố gắng giỏng tai, căng mắt để hiểu thầy giáo đang nói gì, thời gian học ở lớp không nhiều, nhưng khi về nhà phải tự học và tìm tài liệu cho những bài mình đang học. Để lấy được tấm bằng tốt nghiệp thật không đơn giản chút nào, vì tôi không thể theo học liên tục, nên sức học của tôi yếu hẳn và tôi mất tự tin nơi trường học. Nhưng càng ngày tôi càng vững tay nghề hơn ở tiệm nail, tôi mạnh dạn để nói chuyện và làm vừa lòng khách hàng hơn, nên tạm thời tôi phải chọn nghề nail.

Rồi tôi cũng đến lúc phải lập gia đình, để có một mái ấm. Tôi không còn chọn lựa nào khác, nhờ bạn bè mai mối tôi đã kết hôn với anh. Chồng tôi làm nghề lái xe truck xuyên bang. Tôi có cảm giác như anh không phải là nửa kia của tôi, vì anh khác tôi như hai thái cực, có lẽ là luật bù trừ mà ông Trời đã định. Nhưng nhờ anh tốt bụng, tánh tình lại ngay thẳng thành thật, nên chúng tôi cũng tìm được hạnh phúc.
Nhìn những người bạn du học sinh may mắn hơn tôi, khi những người thân thương yêu, cha mẹ có đủ tài chánh, được giúp đỡ tận tình, nên họ thành công về học vấn và đường hôn nhân, tìm được người xứng đôi vừa lứa.Cũng có bạn khi tốt nghiệp với số điểm cao, được các hãng xưởng tại Mỹ nhận vào làm trả lương năm (Annual salary), tôi mừng cho họ.

Nhớ lại, lúc phái đoàn Mỹ phỏng vấn hay tại quê nhà, nếu có ai hỏi chúng tôi, sau khi tốt nghiệp anh / chị chọn quay về Việt Nam hay làm việc ở nước ngoài?... thì chúng tôi đều trả lời, sẽ quay về Việt Nam (Ngu sao mà nói ở lại). 
Nhưng thực tế bạn bè tôi trai hay gái đã đến được Mỹ, nếu có điều kiện phần đông đều muốn ở lại, chỉ trừ con các cán bộ cao cấp, có sẵn những chỗ ngồi ngon lành đang chờ họ về để nối ngôi cha nơi quê nhà, thì đương nhiên họ sẽ chọn về Việt Nam. Cũng có một số con các đại gia, gốc đảng viên, phải “đứng mũi chịu sào” cho cha mẹ chuyển tiền qua Mỹ, mua cơ ngơi sẵn, để dưỡng già mai sau. Thế là chúng tôi tìm đủ cách để ở lại, có đứa làm hôn thú thật, có đứa giả.
Thế hệ chúng tôi được sinh ra sau 1975 sống dưới chế độ XHCN Cộng Sản cái gì cũng “chui” quen rồi, nên mấy vụ luồn lách này nhằm nhò gì, phải không các bạn (thông cảm nghe).

Viết tới đây tôi chợt nhận ra, mình đi du học không phải chỉ để mở mang kiến thức, hay lấy được mảnh bằng, mà chính là nó giúp mình hiểu hơn thế nào là nhân quyền, và biết so sánh cuộc sống tự do ở Mỹ, với thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.

Nhìn về quê hương mình không khỏi thất vọng cho xã hội Việt Nam ngày nay, sự thờ ơ về giáo dục và nạn tham nhũng tràn lan. 
Tôi nhớ nhất là mỗi mùa thi chúng tôi bất mãn vì nạn học tài thi lý lịch, gian lận thi cử, hối lộ ngay tại sân trường. Trong khi đó thì bằng cấp giả tạo, nhiều không đếm xuể, có thống kê với con số hơn 23 ngàn giáo sư, thạc sĩ, tíến sĩ, cao học chỉ để các quan làm cảnh, còn trí thức thật thì bị bạc đãi. Những sai lầm đầy ngập trong sách giáo khoa do Bộ Giáo Dục và Đào tạo của Cộng Sản Việt Nam, độc quyền in ấn phát hành, đã làm đạo lý suy đồi.
Vì thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn, tại trường học không có các bài công dân giáo dục, như thời cha mẹ trước 1975. Muốn tồn tại, chúng tôi phải kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, để đứng tuyên thệ trước ảnh Bác, phải học các bài chính trị nhàm chán, các bài đạo đức cách mạng chết tiệt, nên mất cả phép tắc lễ nghĩa khi giao tiếp, không biết đến người khác, chỉ biết phần mình. Để không bị đạp xuống, chúng tôi phải chen lấn cãi vã, ăn nói thô tục, chửi thề độc địa không để kém ai. Đó là thứ phản xạ tự nhiên vì ảnh hưởng cái “di họa” văn hóa Cộng Sản kéo dài gần nửa thế kỷ trên quê hương. Ấy thế mà nó còn theo chúng tôi du học qua tới Mỹ.

Hồi mới qua tôi phải đi học bằng xe bus, và xấu hổ khi gặp một nhóm bạn du học như tôi cùng chen lên trước, không nhường ghế cho người già, không biết get line là gì, và ý ới gọi nhau trước sự khó chịu của các hành khách. Tội nghiệp chúng tôi 
những kẻ sinh ra và lớn lên trong thời Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản, phải gánh lấy cái gia tài thổ tả ấy. Tất cả các bạn du sinh chắc cũng như tôi, phải khó khăn vất vả lắm khi cố gắng xóa bỏ những vết tích kỳ cục của nó.

Dù sao, tôi nhận ra rằng, những khó khăn gian khổ, những thử thách ban đầu, chỉ là tạm thời trên bước đường thành công “có chí thì nên” là vậy.

Không biết trong tương lai rồi mình sẽ làm được gì, cuộc sống sung túc ra sao, nhưng ngay trong khoảnh khắc này, tôi cảm thấy lạc quan về cuộc sống bình yên, và đầy hy vọng trên một đất nước tự do -Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Năng Khiếu
 

No comments:

Post a Comment