NGƯỜI CHỒNG MỘT ĐÊM!
Tranh : Trần Thanh Châu
Năm ấy, tôi mười bảy tuổi. Ở đất Bình Định, tuổi đó đã có người đi lấy chồng. Như mẹ tôi, như cô tôi. Tệ lắm cũng đã có người đi dạm. Nhưng tôi thì chưa. Tôi đang học lớp bảy nên có nhiều mộng ước hơn mẹ và cô. Tôi chưa nghĩ ra người chồng tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng ít ra cũng hơn cha tôi và dượng tôi. Đó là những người đen đúa, tuy không đến nỗi xấu xí, nhưng ai cũng già trước tuổi. Quanh năm gần như chỉ mặc quần đùi để lộ đôi chân khẳng khiu mốc thếch. Đó là chưa nói tới cái bệnh sốt rét họ mang về từ rừng núi xa xôi sau khi đi làm nghĩa vụ dân công, tức là đem gạo muối tiếp tế cho bộ đội, hay đi tải đạn. Người nào mặt cũng tái mét, da dẻ vàng vọt như không còn một hột máu.
Thực ra, mẹ và cô tôi cũng chẳng hơn gì. Ai cũng một bộ đồ đen bạc phếch, cũng một búi tóc thiếu chải gỡ, trông xơ xác như một mớ râu bắp. Lũ con gái chúng tôi có khá hơn vì đang là tuổi dậy thì, tự nhiên da thịt hồng hào dù phải ăn uống kham khổ.
Năm lớp bảy là năm cuối cấp hai, bọn tôi được chọn đi dự trại liên hoan mừng chiến thắng ở Bồng Sơn. Cùng đi với chúng tôi còn có các cô gái chưa chồng trong hội phụ nữ. Vì đã hòa bình, chúng tôi được phép ăn mặc đẹp. Nghĩa là được đội nón trắng không phải quét bùn, được khoe chiếc kẹp mạ bạc óng ánh trên mái tóc. Ai khá hơn được mặc áo in hoa cổ tai bèo hay áo trắng khoét cổ trái tim. Chúng tôi ngắm lẫn nhau, khen lẫn nhau. Biết mình đẹp hơn khi nhìn vào mắt người khác, chứ cái gương tròn nhỏ như chiếc bánh bèo chỉ đủ để soi mặt thôi, làm sao thấy được toàn thân như khi đứng trước gương. Nhưng thế cũng đủ vui quá rồi, nhất là lần đầu tiên được đi xe cam nhông ray, chạy trên đường sắt êm như lướt đi trong gió.
Chúng tôi được bố trí ở những trại đã được dựng sẵn dưới bóng dừa. Cơm nước cũng đã có người lo. Trước mặt trại là một đống củi gộc xây hình tháp, hứa hẹn một đêm lửa trại cháy đến tận sáng. Phía bên kia, cũng là một dãy trại đã được dựng sẵn dành cho bộ đội. Họ cũng là những người chưa vợ được chọn từ các tiểu đoàn.
Thế là chúng tôi cứ việc vui chơi, nhảy múa, hát ca. Chúng tôi làm quen nhau thoải mái, cứ ưng ý là bắt cặp nhau mà không sợ bị phê bình này nọ. Ai, chứ với bộ đội trẻ trung mà được thân quen với họ, là ước mơ thầm kín của lũ con gái thời ấy.
Chúng tôi ở đó ba ngày vừa đủ cho trai gái bén hơi nhau. Rồi sau những màn nhảy xôn đố mì chân nọ đá chân kia, nhảy sạp cắc cắc bụp bên đống lửa hồng, tất cả lặng lẽ kéo nhau vào rừng dừa, nơi ánh sáng không còn rõ mặt, cứ mỗi gốc dừa là một cặp ngồi tỉ tê tâm sự. Rồi chúng tôi làm cái việc gọi là "yêu nhau" tại chỗ. Nếu ai không muốn thì cũng đành chịu, chứ biết thưa kiện ai.
Khi Mỹ đến, sau những trận đánh khốc liệt, bọn họ tràn vào các quán bar cũng là để mừng chiến thắng hay trút nỗi buồn thua trận trên thân xác của các gái bán bar mà thôi. Có điều họ phải trả tiền, mà tiền đô, còn bộ đội thì không, ngay cả tiền tín phiếu như giấy vàng mã!
Rồi họ xuống tàu đi tập kết, mang theo những chiếc khăn do chúng tôi thêu làm kỷ niệm. Còn họ để lại cho chúng tôi một thứ nhiều hơn chiếc lược nhôm hay lược gỗ được cắt gọt công phu, một thứ có thể họ không ngờ là cái bào thai trong bụng mỗi đứa.
Rất nhiều đám cưới được tổ chức chớp nhoáng. Không hai họ, không đón đưa, chỉ có thủ trưởng đứng ra tuyên bố hai người là vợ chồng. Thế là xong, như cha đạo thay mặt Chúa Trời. Dẫu không mang thai họ cũng đã là những thiếu phụ mòn mỏi đợi chồng dù chỉ một đêm, nhưng có nghĩa vụ lo cho cách mạng ròng rã suốt hai mươi năm sau đó.
Tôi được mẹ cha hiểu ra cái trò mừng chiến thắng bằng cách cướp đi cái phần trinh trắng nhất của đời con gái họ, sau khi đã cướp lúa gạo vòng vàng bảo là để cho cuộc kháng chiến thành công, nên đã nén cái đau cái nhục xuống đáy lòng, cho tôi vào trốn ở Sài Gòn.
Từ một xứ nhà quê, lại là vùng Việt Minh, đến một thành phố giàu có đông đúc, tôi hết sức ngỡ ngàng. Nhưng rồi tôi cũng quen dần, người Sài Gòn xởi lởi, tốt bụng, có đủ chỗ cho tôi kiếm sống. Chỉ khổ là cái bụng mỗi ngày một to, lắm khi cũng phải lao đao vì nó. Tuy vậy, đến ngày sinh, cũng có người sốt sắng đưa tôi vào sinh ở nhà thương thí.
Bao nhiêu cực nhục rồi cũng qua đi. Ơn Trời, tôi sinh được một cháu gái. Đó là kết quả của mối tình một đêm bên gốc dừa!
Ngồi ngắm con ngủ, tôi cố nhớ chút gì gợi lại hình bóng của người đã cùng tôi tạo ra nó, nhưng không tài nào nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ cái mùi mồ hôi anh ta, nhớ tiếng thở hào hễn và nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xấu hổ, tủi thân. Chiếc lược mà anh ta tặng tôi trở thành một kỷ vật đắng cay. Tôi không trách anh, cả tôi cũng không tự trách mình, tôi chỉ trách ai đó đã lợi dụng tình yêu cho dù là xác thịt để đạt tới những mục đích sâu xa của họ.
Cùng một lứa với tôi, những cô gái tươi non khi ấy, sau này đã là những người nuôi giấu cán bộ, đào hầm vót chông, mua thuốc trụ sinh, chuyển vũ khí bằng cách khoét rỗng ruột bí bầu nhét đạn hay lựu đạn vào, …Để đến khi hòa bình, nhiều người cũ hoặc làm ngơ coi như không biết, hoặc có biết cũng chỉ lén lút mà gặp nhau một lần rồi thôi, vì sau lưng họ còn có những người đàn bà xứ Bắc không dễ gì trả lại chồng. Thì thôi đành vậy, vui chỉ một đêm mà buồn khổ suốt cả một đời!
Sau ngày 30 tháng tư, như bao người miền Nam, hai mẹ con tôi cố sống lây lất qua ngày, chạy chợ trên bán chợ dưới, bị quản lý thị trường rượt đuổi như chó săn chuột.
Một lần tôi bị bắt, bị tịch thu mấy bao gạo mua từ ga Biên Hòa. Nếu tôi bỏ hết hàng họ mà “xéo đi” theo lệnh họ, thì tôi đã không phải bị giam ở trụ sở phường. Đằng này tôi gào khóc, chửi rủa, cào xé mũ áo nên họ tống tôi vào như một mụ điên. Sau cùng, họ bảo tôi phải viết kiểm điểm thành khẩn nhận lỗi đã xúc phạm cán bộ, họ mới chịu thả ra.
Thì viết!
Nhưng cái nỗi đau mất của, cái đói đang chực chờ khiến cho tôi cứ ngồi mãi mà chẳng viết được dòng nào, ngoài mấy chữ: Tôi tên là…
Lúc ấy có một người mặc đồ bộ đội không biết cấp bậc gì đi ngang qua, thấy tôi ngồi bên bàn với tờ giấy ở trước mặt liền chồm tới xem thử. Bỗng người ấy hỏi, chị tên thật đó à? Tôi nói, chứ chẳng lẽ tôi viết tên giả. Lại hỏi, chị quê ở Bình Định phải không? Tôi nói, ông định tống tôi về ngoài đó chứ gì? Ừ, tôi là gái Bình Định, theo chồng vào đây không được sao? Người ấy nói, đó không phải là việc của tôi. Giờ đã tối rồi chị về đi. Nhưng ngày mai chị nhớ đến đây gặp tôi. Có thể chúng tôi xét mà trả lại hàng cho chị. Nhớ nhé, chị phải tới không thì hỏng cả đấy.
Thế là sáng hôm sau tôi lại tới dù hy vọng rất mong manh. Lại thấy ông ta đứng đợi lù lù ở trên thềm. Ông ta ra hiệu cho tôi vào phòng. Dẫu sao nói chuyện với những người đứng tuổi như ông cũng dễ chịu hơn là với bọn lau nhau mới hùa theo cách mạng. Ông ta chỉ ghế mời ngồi, nhìn tôi, rồi kéo từ hộc bàn ra một quyển sổ. Ông đặt lên bàn, lại nhìn tôi kèm theo một nụ cười khá tử tế. Ông lấy từ trong sổ ra một tấm hình ố vàng đẩy về phía tôi. Đó là tấm hình chụp một anh bộ đội và một cô gái đứng bên gốc dừa.
Trông thấy tấm hình, tôi xây xẩm mặt mày, toàn thân lạnh cóng. Tôi nhớ lại những đêm ở Bồng Sơn, nhớ cái phút giây điên cuồng dại dột.
Tôi nghe ông ấy hỏi: chị có biết hai người trong tấm hình này không? Tôi bặm môi một lúc rồi nói: không biết. Chị không nhớ cái đêm liên hoan trong rừng dừa hồi đó sao? ông lại xoáy thêm vào nỗi đau của tôi. Thế là bao nhiêu uất ức, bao nhiêu đắng cay, cô độc trong hơn hai mươi năm như một con sóng lớn sắp đập vào bờ, tôi muốn đứng dậy chồm qua bàn, nhìn sát vào mặt ông mà gào lên: nhớ chứ, nhớ ông đã làm gì tôi, đã hứa hẹn thề thốt rồi bỏ tôi mà đi đến hơn hai mươi năm, giờ về đây cướp mấy bao gạo của mẹ con tôi. Ông có biết tôi đã khổ như thế nào mới có được nó không? Ông biết tôi là ai sao không bảo lũ lâu la kia đem trả gạo lại cho tôi. Ít ra con ông cũng còn có được hột gạo mà ăn. Các ông vào đây cướp thì có chứ quản lý thị trường cái nỗi gì.
Tôi tức nghẹn, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh nói với`giọng rắn rỏi chính tôi cũng không ngờ: nếu tôi đến đây chỉ để ông tra hỏi như thế này thì tôi thấy không cần phải ở lại nữa! Khoan đã, ông cũng đứng lên nói, giờ, chị có thể đem mấy bao gạo về! Nhưng tôi trở nên cay nghiệt: đó không phải là gạo của tôi, mà là của cướp giựt. Các ông cứ nhập kho rồi chia nhau!
Tôi ra khỏi trụ sở phường, người lảo đảo cứ như say. Tôi đi tới đi lui, đi hoài cho đến khi mệt lã mới nằm dài trên một ghế đá ở công viên. Tôi nghĩ đến ngày mai, đến con tôi. Đã có lúc tôi muốn chạy đến trụ sở phường gặp ông ta, bảo rằng tôi biết hai người trong tấm hình đó. Tôi hình dung ra cảnh ông ôm choàng lấy tôi và cả hai cùng khóc. Ông sẽ bảo với mọi người trong cơ quan, đây là người vợ ông đã tìm lại được. Còn tôi sẽ bảo với con, đây là cha của con. Và cuộc đời của chúng tôi sẽ khác.
Nhưng chút tự trọng của một người đàn bà níu chân tôi lại. Ông hẳn đã biết tôi là ai vậy mà cứ vòng vo hỏi tới hỏi lui. Ngày ấy tôi đã mê muội đem dâng hết cả đời con gái cho ông. Giờ đây ông còn muốn tôi quỳ xuống nữa sao? Ông kiêu ngạo hay sợ đảng đến nỗi không dám nhận một con buôn làm vợ?!
Tôi đứng lên, lủi thủi một mình đi về nhà. Con gái tôi hỏi, không xin lại được sao mẹ? Tôi lắc đầu. Tôi nghe nó thở dài giống như tôi cách đây hơn hai mươi năm.
Từ đó tôi thôi chạy chợ, kiếm nghề khác để khỏi phải gặp ông. Lúc đó tôi 39 tuổi, con gái tôi 21. Cũng đã đến tuổi lấy chồng. Cầu trời cho nó không lấy phải người chồng một đêm!
Khuất Đẩu
No comments:
Post a Comment