Đọc cuối tuần : Cuộc đời bi thương của Hoàng thái tử Bảo Long
Hoàng thái tử Bảo Long từng bị giám sát chặt chẽ khi đi học, tham gia quân đội trong tuyệt vọng và qua đời lặng lẽ tại Pháp. Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị từ năm 1945, nhưng cho đến giữa thập niên 1950, mong muốn và tính toán cho việc đưa Hoàng thái tử Bảo Long (sinh năm 1936) lên ngôi chấp chính vẫn còn âm ỉ.
Trên đất Pháp, Bảo Long được chăm chút chuyện học hành, chăm sóc bảo vệ theo tiêu chuẩn của một ông hoàng. Thế nhưng, khác với Bảo Đại, Bảo Long đã tự quăng quật trong khó khăn, luôn cố gắng thoát khỏi bóng dáng chiếc áo bào Vương gia. Năm 1948, sau khi sang Pháp, bà Nam Phương quyết định cho Bảo Long vào học trường Roches. Đây là một trường đứng đắn, kỷ luật rất nghiêm khắc, được nhà thờ Công giáo bảo trợ. Bà rất hiểu tính nết bướng bỉnh khó bảo của con trai, hy vọng học trường này con bà sẽ trở nên thuần thục hơn.
Bảo Long cố gắng khép mình vào kỷ luật học đường, song tước vị hoàng tử kế nghiệp cũng cho cậu được hưởng một số đặc quyền: mỗi buổi sáng cậu ta được tắm nước nóng trong khi các bạn cùng lớp phải tắm nước lạnh. Khẩu phần bữa tối cũng được ưu tiên: được chia nhiều thức ăn hơn, nhiều chocolate hơn. Cậu ta còn đem chia bớt cho các bạn.
Bảo Long thông minh, sáng dạ, nhanh chóng hoà nhập với tập thể, giỏi văn chương, ngôn ngữ, cả từ ngữ như tiếng Hy Lạp cổ. Ngược lại về toán và các khoa học tự nhiên thì kết quả bình thường, tuy nhiên, cũng nhiều lần đứng hàng đầu trong bảng tổng xếp hạng.
Thời gian đầu, các thầy cô giáo và bạn học lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải với tước vị cao quý của Bảo Long. Cuối cùng ông hiệu trưởng chọn tên… Philippe để đặt cho cậu. Philippe có nguồn gốc Hy Lạp “hyppos”, có nghĩa là ngựa. Bảo Long vốn mê cưỡi ngựa. Được hỏi ý kiến, Bảo Long về hỏi lại mẹ, cuối cùng cả hai đều đồng ý. Bảo Long chỉ có ba người bạn thật sự gọi là thân thiết. Ông thích thể thao, biết chơi nhiều môn. Đây cũng là đặc thù của nhà trường. Phần lớn các buổi chiều đều dành cho hoạt động thể thao. Sinh hoạt lớp có trưởng lớp điều khiển, được gọi là “đội trưởng”. Bảo Long được lòng bạn bè nên từ lớp đệ nhị bậc trung học ông được chỉ định làm trưởng lớp.
17 tuổi, Bảo Long đỗ tú tài triết học, nhưng vẫn luôn luôn có cảnh binh đi kèm. Sau này Bảo Long kể lại: “Tôi phải sống ngăn cách với thế giới xung quanh, có cảnh binh bảo vệ, mặc dù ở Cannes là cả một thế giới ăn chơi, có ôtô sang trọng, có máy bay riêng, có gia nhân đầy tớ. Tóm lại tôi không biểu sao người ta lại bắt tôi sống trong ký túc xá trường trung học Roches, kỷ luật khắt khe, thiếu thốn mọi thứ. Sau này tôi mới hiểu, chính mẹ tôi muốn tránh cho tôi khỏi bị nuông chiều quá, tránh cuộc sống phóng đãng như cha tôi, một lối sống đã gây cho bà nhiều đau khổ”.
Dù sao, ông cũng được bố tặng một chiếc ôtô làm quà sinh nhật, tuy còn thiếu nửa năm nữa mới đến tuổi cầm tay lái. Trên chiếc thuyền cha ông mới mua, neo ở Monte Carlo, ở đó một thanh tra cảnh sát đã chuẩn bị sẵn chờ ông đến là trao giấy phép đặc cách, dành cho con trai Hoàng đế An Nam do nước cộng hoà Pháp bảo trợ. Đó là một chiếc xe đẹp và dài, nổi tiếng thanh lịch, động cơ mang nhãn hiệu Jaguar XK 120. Vừa ra khỏi cảng, xe đã đâm vào sườn một chiếc xe đi ngược chiều.
Bảo Long khi đó chưa biết lái xe, chưa qua một lớp học lái, chỉ trông vào thực hành. Trong hai năm, ông gây ra mười hai vụ tai nạn. May là không nghiêm trọng cho cả hai bên. Mỗi lần cầm tay lái chiếc xe tốc độ cao, ông phải cố kiềm chế để xe đi với vận tốc trung bình. Đám cảnh sát hò hét hết hơi để chạy theo, nhiều khi phải mượn chiếc xe 203 của cha ông mới đuổi kịp. Sau vụ âm mưu bắt cóc, cảnh sát vẫn giám sát chặt chẽ hành trạng của Bảo Long.
Thường chỉ có một nhân viên được phân công luôn luôn kèm sát thái tử để bảo vệ. Đó là thanh tra Tổng nha tình báo Chabrier. Ông ngủ luôn ở phòng liền kề, thông với phòng ngủ của Bảo Long, có thể nhanh chóng can thiệp khi có chuyện. Hàng ngày, ông theo Bảo Long đến trường, chiếm một chỗ ngồi cuối lớp nhưng không phải để nghe giảng bài mà chỉ chăm chăm theo dõi nhất cử nhất động của thái tử. Ban đầu, các bạn học ngạc nhiên thấy hôm nào cũng có một người lớn tuổi có mặt trong lớp nhưng cũng quen dần.
Mỗi khi Bảo Long ra ngoài, dù trên máy bay hay xe lửa, Chabrier luôn luôn đi bên cạnh. Những hôm Bảo Long lái xe đi chơi xa, người ta thấy ông ghì chặt tay lái chiếc xe 203 bám theo xe của Bảo Long. Nhưng khi ông về nghỉ với gia đình ở Paris, Cannes hay Valberg, thì lập tức đã có cảnh sát địa phương thay thế.
Đỗ tú tài xong, Bảo Long ghi tên học dự thính cả hai trường một lúc: trường Hành chính và trường Luật. Thế rồi, đột nhiên Bảo Long muốn từ bỏ cuộc sống được chiều chuộng quá mức, có nhiều xe ôtô sang trọng, kể cả các thanh tra Tổng nha tình báo chăm chú bảo vệ mình để xin đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Ông cho cha ông biết ý định từ bỏ vai trò kế vị ngôi báu mà người ta giao cho ông từ khi chào đời và muốn trở về nước, theo học trường võ bị Đà Lạt mới thành lập để trở thành sĩ quan quân đội quốc gia (của chính phủ Bảo Đại làm quốc trưởng bù nhìn).
Bất ngờ trước ý định của con trai, cựu hoàng Bảo Đại ban đầu chối từ vì ông không muốn con trai ông làm vật hy sinh. Thấy Bảo Long tha thiết theo đuổi binh nghiệp hơn là làm chính trị, Bảo Đại cho con vào học trường võ 5 bị Saint Cyr, có tiếng hơn và… an toàn hơn. Ngoài ra ông thường nói: “Làm gì có giải pháp Bảo Đại mà chỉ có một giải pháp của người Pháp mà thôi!”.
Trong lòng bực bội nhưng Bảo Long tuân lệnh cha, không trở lại Việt Nam. Bảo Long bình thản chịu đựng cuộc sống khắc khổ trong quân ngũ, chan hoà với 27 bạn đồng ngũ chung chạ trong một phòng. Ông có thể rời bỏ trường bất kỳ lúc nào ông muốn nhưng ông ở lại, kiêu hãnh trong bộ quân phục áo đỏ, mũ chùm lông, đặc trưng của học sinh quân Saint-Cyr.
Ông tham gia cuộc diễu binh ngày Quốc khánh Pháp 14/7/1955, đi qua quảng trường Champs Elysées, ông đi ở hàng cuối của tiểu đoàn vì vóc dáng bé nhỏ. Bảo Long rất ít giống cha. Trong khi vẫn nói ông quyến luyến và khâm phục cha nhưng ông hết sức cố gắng để không giống cha. Tất cả những gì là kiêu căng, hợm hĩnh và tự mãn đều xa lạ đối với ông. Tính tình Bảo Long hướng về cái bi thảm còn cha ông, ngược lại, ham chơi, thích hưởng lạc.
Cuối năm 1956, sau hai năm học ông phải chọn một trường thực hành Năm học thực hành kết thúc, xa Saumur, xa bầy ngựa, ông nghĩ đến… cái chết. Một cái chết nhanh chóng, nếu có thể, phải là cái chết vẻ vang. Ông không vượt qua được nỗi đau mất nước và quên đi thất bại thảm hại của cha ông. Chàng thanh niên kế vị triều Nguyễn quyết định dứt khoát, tìm đến cái chết để khỏi phải đau khổ, chấm dứt chuỗi thất bại và bơ vơ trong thời niên thiếu của mình.
Thay vì tự tử ông xin chuyển sang đội quân lê dương để đi chiến đấu ở Algerie. Ông nghĩ đó là cách chắc chắn nhất để không bao giờ phải nghĩ lại nữa và tự kết liễu đời mình nhanh nhất. Phải gần 3 tháng sau, ông mới nhận được công văn chấp thuận của Bộ chiến tranh, trong khi ở Sài Gòn người ta đem hình nộm và ảnh chân dung của cha ông ra đốt và làm nhục.
Khi biết quyết định của con, Bảo Đại cũng như Nam Phương “tôn trọng ý nguyện của con” không tìm cách làm thay đổi sự lựa chọn của con, tránh không gợi vấn đề và giữ im lặng, không bộc lộ cơn xúc động trước mặt con. 10 năm phục vụ ở Algerie đã để lại trong ông một dư vị cay đắng. Đạo quân ông đã lầm lạc phục vụ suốt 10 năm, không để lại cho ông một kỷ niệm nào tốt đẹp.
Ông đã mất thăng bằng về tinh thần và ngày một tuyệt vọng. Sau đó, Bảo Long rời quân đội làm việc trong một chi nhánh ngân hàng có hội sở giao dịch khá to và đẹp trên đại lộ Opéra. Ông là người có tài, có kinh nghiệm dày dạn trong việc làm cho tiền của mẹ ông sinh sôi. Ông phụ trách công việc đầu tư tiền của khách hàng ra nước ngoài, đem lại lợi ích cho họ. Đến giờ ăn trưa, ông cũng dừng lại trước một quầy hàng có mái che rồi bước vào mua một bánh mì kẹp thịt như tất cả mọi người. Trái với cha, ôngkhá giàu có.
Từ văn phòng ngân hàng, ông quản lý tài sản thừa kế của mẹ, quan tâm đến việc sinh lợi, giữ được đôi chút ổn định sau bao nhiêu bão tố. Ông sống trong một căn hộ đẹp ở đường Marais. Chưa bao giờ lập gia đình, ông cũng không có con cái. Ông luôn luôn day dứt vì cuộc sống lưu vong. Cuộc sống nhiều tai tiếng của bố, những tranh chấp kiện tụng giữa hai cha con chia nhau báu vật khiến tâm trạng ông lúc nào cũng u uất, buồn phiền.
Trong đám tang Bảo Đại, Bảo Long đứng ở bên linh cữu. Nhưng khi tang lễ kết thúc, trong lúc tiếng đàn ống lớn của nhà thờ vang lên, ông không đi theo cùng đoàn tang như truyền thống đòi hỏi. Bảo Long, gần như không muốn mọi người nhìn thấy, kín đáo bước ra khỏi nhà thờ bằng một cửa ngách.
Cộng đồng người ở Paris không biết gì mấy về một ông hoàng bí ẩn, giữ kẽ. Ông qua đời ngày 28/7/2007 tại Bệnh viện Sens (Pháp), lễ an táng được tổ chức vào ngày 2/8/2007, chỉ bao gồm những người thân thích của gia đình.
No comments:
Post a Comment