Friday, August 14, 2015

Tạp ghi: Thằng Nghệ

Sáng nay BX QThái đưa cháu gái đi chích ngừa. Về nhà cháu than cái tay bị đau nhức ngay chổ chích, và QThái có nói với cháu của QThái về câu chuyện chích ngừa năm xưa ở cái nước gọi là xã hội chủ nghĩa Việt nam. Sau đó QThái đã tìm lại trong USB của mình cái bài mà QThái đã viết nhiều năm về trước trên báo Văn nghệ Thời báo lúc Sang Nguyễn, Văn phòng Luật sư Hotline làm Chủ bút. Câu chuyện như sau:

Thằng Nghệ

Nghệ ở xóm tôi, và đương nhiên chúng tôi học cùng trường tiểu học và cùng một lớp. Nhà Nghệ nghèo và đông anh em (dĩ nhiên thời đó thì ai cũng nghèo vì nước nhà mới "hoàn toàn giải phóng" nên tất cả tài sản của người dân đều được chính quyền mới mượn tạm để dùng rồi quên trả) Ba Má Nghệ suốt ngày đi làm mướn đủ loại công việc. Anh em Nghệ cũng vậy, sau khi tan trường thì chạy ra chợ, bến xe, bến tàu, hễ ai sai gì thì làm nấy rồi người ta trả công. Anh em nhà Nghệ có cái tên nghe cũng vui vui là Gừng, Hành, Tỏi, Sả, và Nghệ là em út trong một gia đình năm anh em trai. Vì cha mẹ vắng nhà thường xuyên, và vì là ngũ quỉ nên anh em Nghệ phá ghê gớm, và có máu lưu manh nên hàng xóm ai cũng ớn chè đậu. Chỉ có thằng Nghệ là có vẻ ngoan nhứt nhà. Anh em Nghệ đều đã được sống dưới chế độ tự do thời VNCH, được ăn học, được sống trong một gia đình sung túc, bỗng chốc trở thành trắng tay, và cha mẹ phải lam lũ kiếm ăn, nên anh em họ hận đời, hận đủ thứ. Bản thân Nghệ cũng được hưởng không khí tự do đến năm lên tám tuổi, rồi cũng chịu bao khổ cực như bao người dân sau ngày 30/4/1975.

Nghệ và tôi cùng xóm và cùng lớp, nên chúng tôi cũng thường nô đùa với nhau. Dù Nghệ cũng phải đi kiếm tiền sau giờ học để phụ giúp gia đình nhưng vì là út nên được mấy anh và cha mẹ ưu tiên, vì vậy Nghệ vẫn có thời gian để nô đùa với lũ trẻ cùng trang lứa. Thời con nít chơi rất vui mặc dầu người lớn ai ai cũng lo lắng rầu rĩ cho cuộc sống, cho tương lai của gia đình mình, của con cái mình, thì bọn con nít chúng tôi có biết gì, cứ chơi là chơi. Chúng tôi học cùng nhau đến năm lớp Năm thì Nghệ bỏ học, vì nhà nghèo, vả lại Ba Má Nghệ quan niệm rằng học cho lắm cũng chẳng làm được gì ở cái thời buổi nầy. Chỉ cần biết đọc biết viết là được rồi. Nghệ nghĩ học theo mấy anh trai ra chợ và bến xe làm mướn, và trở thành những hung thần nơi đây không lâu sau đó. Như đã nói, Nghệ có đến năm anh em trai nên ai cũng ngán. Và xã hội đã tạo ra những con người hiền lành lương thiện thành những hung thần. Vào năm mười sáu tuổi, do lăn lộn chạy chọt sau đó, Nghệ được vào làm du kích ở địa phương. Khi có súng trong tay, ở độ tuổi mười sáu, và ỷ lại vào chính quyền, Nghệ càng hung hăng hơn. Ông bà già Nghệ thì chào thua đứa con út hiền lành nhút nhát mà giờ đây ngang tàng hung tợn thế nầy. Ông bà có nói gì, Nghệ cũng không nghe. Đi làm du kích một thời gian, Nghệ xin chuyển qua làm trạm xá địa phương và được chấp thuận. Không cần đi học một lớp chuyên môn nào, Nghệ cũng nghiễm nhiên trở thành một y tá cầm ống chích chích thuốc bệnh nhân, và dù học lực của Nghệ mới chỉ đến lớp Năm. Nghệ khi đó lại là hung thần của những em học sinh tiểu học và cả trung học (từ lớp 6 đến lớp 9). Vì sao? Vì Nghệ chưa từng qua đào tạo và vì trình độ học vấn của Nghệ không có. Nghệ chỉ được chỉ dạy như on the job training ở đây, như là làm một công việc lao động chân tay. Mỗi lần Nghệ chích thuốc thì không cần biết chổ nào nên chổ nào không nên, cứ lấy tay bóp bóp, rồi phập một cái thiệt mạnh, mà thời đó cây kim đâu có nhọn nên hắn cứ phập vô da thịt, không lủng, hắn phập tiếp, cứ đâm mạnh tay cho đến khi nào cây kim ghim vào da thịt của nạn nhân (chớ không phải bệnh nhân) thì hắn bơm thuốc vào. Nghệ được phân công cùng toán y tá đi chích ngừa ở các trường học cho nên mỗi khi học trò thấy hắn là sợ té đái luôn. Bệnh nhân đến trạm xá mà xui gặp Nghệ thì cũng như số phận của mấy em học sinh vậy.

Làm ở trạm xá cũng một thời gian khá lâu, Nghệ lập gia đình. Hàng xóm ai cũng khen là Nghệ có phước nên có một cô vợ vừa đẹp vừa giỏi giang, đảm đang việc nhà...Nói chung vợ Nghệ cũng thuộc hàng "công dung ngôn hạnh" "tam tòng tứ đức". Công việc của Nghệ cũng gặp được vận hên. Không cần trường lớp, Nghệ lại leo lên đến chức Trưởng trạm.

Vào khoảng thập niên 80s thì chương trình phim video thịnh hành với những bộ phim võ thuật của Ấn Độ làm tê liệt các rạp màn ảnh rộng thời bấy giờ. Thế là Nghệ trở thành ông chủ nhiệm của đoàn phim lưu động nầy, với máy video tape, một TV, một dàn âm thanh, là Nghệ cùng đám đàn em đi chiếu phim khắp nơi. Cứ chiều chiều là Nghệ ngồi chễm chệ trên xe lôi và đi quảng cáo khắp nơi phim Nghệ sắp chiếu trong đêm đó. Công việc ăn nên làm ra, và Nghệ rất được thượng cấp cưng chìu vì kiếm được nhiều tiền về cống nộp. Sau khi phim màn ảnh rộng không còn ăn khách nữa, và những bộ phim HongKong bắt đầu chiếm lĩnh thị trường thì Nghệ được giao cho cai quản một cái rạp chiếu phim màn ảnh rộng xưa để dùng làm chiếu phim video qua TV, dĩ nhiên là phải ngăn ra thành ba rạp nhỏ thì mới coi được, vì TV đâu lớn bằng màn ảnh rộng. Còn trên lầu thì trở thành cái ổ riêng của Nghệ.

Rồi Nghệ chuyển qua ngành điện lực, cũng chẳng cần đào tạo gì. Nhà đèn chỉ cần chỉ cho Nghệ vài thao tác căn bản để làm điện, thế là Nghệ trở thành ông điện lực. Dù không sướng bằng làm chiếu phim, nhưng Nghệ có thêm tiền bỏ túi vì câu điện chui cho mấy cơ sở sản xuất nầy nọ. Mỗi vụ như vậy, người ta trả cho Nghệ một số tiền kha khá cộng với tiền hằng tháng. Và Nghệ lại trở thành ông trời con của điện lực. Mọi người ai ai cũng kiêng nể Nghệ vì sợ Nghệ làm khó dễ, cúp điện, sai côn đồ đến quậy....

Cổ nhân có nói "gieo nhân nào gặt quả đó" có thể không sai đối với trường hợp của Nghệ. Một hôm hắn leo cột điện, do sơ ý sao đó, bị điện giật, té xuống đất, may mà không chết. Người ta đưa Nghệ đi cấp cứu, và nằm lại bệnh viện để trị bệnh. Hôm nay, Nghệ lại được các y tá, bác sĩ tận tình chăm sóc Nghệ như Nghệ đã từng làm đối với bệnh nhân, ý quên, nạn nhân mới đúng, của Nghệ năm xưa. Nghệ bị ngược đãi, bị bỏ đói. Con cô vợ, sau một thời gian về làm vợ Nghệ thì cô ta cũng không còn đảm đang nữa, mà tệ, rất tệ. Khi ấy hàng xóm luôn nói về những người đàn bà tệ là "tệ như vợ thằng Nghệ." Vợ Nghệ đã bỏ lúng Nghệ trong bệnh viện, không hề vào chăm sóc từ khi Nghệ bị nạn. Hằng ngày cô ta ngồi lê đôi mách hết nơi nầy đến nơi kia, rồi cờ bạc, số đề, tứ sắc. Nghệ càng ngày càng héo hắt trong bệnh viện. Sau đó không lâu Nghệ được đưa về nhà, nhưng không còn đi đứng được như ngày xưa, mà phải nằm một chổ. Vợ Nghệ càng bê tha hơn, không thèm ngó ngàng đến chồng, con. Giao hết mọi việc cho Ba Má Nghệ (do lao động vất vả, giờ cũng già yếu, bệnh tật) lo từ cơm nước, áo quần, giặt giũ....Không ai bảo mà vợ Nghệ nghe. Rồi cuộc đời của Nghệ cứ như vậy kéo dài qua hết năm nầy đến tháng khác trong sự đùm bọc của Ba Má Nghệ và những hàng xóm tốt bụng chung quanh. Họ đã không những không chấp nhứt những việc làm của Nghệ đối với họ trước đây, mà con dang rộng vòng tay săn sóc Nghệ và cả Ba Má Nghệ nữa. Còn cô vợ động trời thì vào một đêm không trăng sao đã cưỡm hết số tiền bạc và tư trang ít ỏi trong gia đình, bỏ lại chồng con theo một người đàn ông khác, rôi sau đó biệt tích.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của hàng xóm, mà Nghệ đã vượt qua được bệnh tật, chiến thắng bản thân, làm lại cuộc đời. Nghệ rất ăn năng hối hận về những việc làm hách dịch của mình năm xưa khi cậy vào quyền thế của chính quyền, hà hiếp dân lành. Nghệ cảm thấy xấu hổ, vì hàng xóm đã bỏ qua hết những lỗi lầm của Nghệ. Và Nghệ đã tu thân tích đức, sống có tình có nghĩa với chòm xóm, anh em, bạn bè, luôn làm việc thiện. Ngày nay dù không còn chức quyền như xưa, nhưng Nghệ cảm thấy rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Và Trời cũng không phụ lòng người biết ăn năn hối lỗi đã mang đến cho Nghệ một người vợ hiền ngoan, chăm chỉ, và họ sống với nhau rất hạnh phúc, bình an.

Quoc Thai

No comments:

Post a Comment