Thursday, December 21, 2017

Tan man

Gần đây tôi có đọc nhiều bài viết "Viết về nước Mỹ" hay "Đời sống Mỹ", đa phần các tác giả đều than trách nước Mỹ vì họ phải làm việc vất vả, "đầu tắt mặt tối" để mưu sinh, v.v và v.v...
Vâng, nước Mỹ không là thiên đường như mọi người nghĩ. Theo tôi, không có nơi nào trên quả đất này là thiên đường cả. Bây giờ, quý vị hãy suy nghĩ một chút và làm một phép so sánh như thế này. Người giàu có, vì sao họ giàu?? Bên cạnh tài năng, sự may mắn, hay thừa hưởng tài sản gia đình, họ cũng phải làm việc cậc lực để duy trì và tăng thêm lợi tức cho cái mà họ đã có. Trong lúc họ bận rộn với công việc, lao động trí óc, lao động tay chân, thì những người kém may mắn hơn, nghèo khó hơn, la cà ở các quán cà phê hay quán nhậu. Người giàu họ cũng có thể nói là họ sướng vì họ có đầy đủ các thứ trên đời, nhưng họ cũng có thể nói họ khổ vì họ phải làm việc vất vả. Và ngược lại, người nghèo cũng nói họ sướng vì họ có thời gian hưởng thụ, hay khổ vì họ không có nhiều tiền. Sướng hay khổ, cực hay không là do suy nghĩ của mình mà thôi. Mỹ và Việt Nam cũng như hai gia đình giàu và nghèo vậy. Người Mỹ, trong đó có cả các tác giả những bài viết, và tôi, đều phải làm việc vất vả để tồn tại, và để đem lại sự hưng thịnh cho quốc gia. Nước Mỹ giàu vì người dân họ làm việc chăm chỉ. Gia đình bạn giàu vì bạn làm việc nhiều hơn gia đình nghèo (điều này không hẳn đúng, nhưng nôm na nó là như vậy). Nếu ai đó suy nghĩ rằng nước Mỹ là thiên đàng, không cần làm việc cực khổ mà vẫn có tiền là một sai lầm rất lớn. Sỡ dĩ người ở Mỹ có thể gởi tiền cho thân nhân ở VN vì sự chênh lệch mệnh giá giữa hai đồng tiền. Và quý vị ở VN nên nhớ rằng, để có đồng US gởi về cho quý vị tiêu xài thì thân nhân của quý vị ở đây phải làm việc vất vả, có khi phải làm việc đến 16-18 tiếng mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, thay vì chỉ làm 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Cho nên quý vị ở quê nhà cần phải hiểu và trân trọng những đồng tiền mà thân nhân của mình ở nước ngoài gởi về với cả tấm lòng thương yêu, mồ hôi, nước mắt và công sức của con em mình trong đó.
Trở lại vấn đề. Nếu bạn ở tỉnh lẻ, dưới quê, lên Saigon sinh sống, lập nghiệp, thì bạn phải vất vả hơn người bản xứ trong những tháng đầu rồi. Từ Việt Nam qua Mỹ thì cũng giống như vậy. Cho nên ai mới qua Mỹ cũng bắt đầu từ con số 0, phải làm việc nhiều hơn, cực khổ hơn người bản địa. Những gia đình Việt Nam đến nước Mỹ hầu hết đều phải làm lại từ đầu. Rất nhiều trong số họ đến Mỹ với hai bàn tay trắng. Nhưng chỉ một hay hai năm sau, họ đã ổn định và có cơ ngơi, có khi còn giàu hơn người bản xứ. Những công việc đầu tiên của người mới đến định cư là những công việc tay chân đơn giản như: dọn dẹp vệ sinh, lau chùi, rửa chén, làm bếp. Nhưng chỉ một vài tháng sau, họ đã hội nhập xã hội mới và có những công việc tốt đẹp hơn. Ở đây, chỉ cần bạn cầu tiến, chịu học hành, chịu làm việc, chịu cực khổ,..., bạn sẽ tiến. Những gia đình mới đến Mỹ định cư càng đông con thì họ càng mau khấm khá. Gia đình tôi chỉ có ba người, nguồn thu nhập từ ba đầu lương, mà chỉ vỏn vẹn chưa đầy một năm, chúng tôi đã xây được một căn nhà mới, mua được một chiếc xe đời mới. Nên nhớ rằng, nước Mỹ là xứ làm việc, học hành, chớ không phải là xứ để ăn chơi hưởng thụ. Ở VN, nếu có ai đó nghĩ rằng qua Mỹ để hưởng thụ, hưởng phước thì đó là một sai lầm to lớn. Bạn muốn hưởng thụ, trước tiên ban phải chịu cực khổ. Tôi may mắn không phải làm việc đến 16-18 tiếng mỗi ngày vì gia đình tôi đã ở đây, Ba Mẹ tôi đã bảo bọc tôi. Nhưng tôi cũng phải làm việc 8 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, và đi học cũng bằng ngần ấy thời gian. Ngày nay, tôi chỉ đi làm trong vòng 40 giờ mỗi tuần theo luật lao động của chính phủ (đôi khi cũng phải làm thêm giờ do nhu cầu công việc). Ở VN tôi không làm gì cả, (trừ khoảng thời gian vài năm tôi làm ở Xí nghiệp Thuốc lá Long Xuyên, và làm Bia với Cậu tôi), vì không có gì để làm, tối ngày chỉ la cà, hết cà phê, đến nhậu, hết nhậu lại chơi, nhưng khi qua Mỹ, chỉ vỏn vẹn một tuần, tôi đã đi làm ở nhà hàng Trung Hoa với 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần, với công việc rửa chén, mà người Việt ở đây gọi đùa là lái dĩa bay. Cực không? Cực. Khổ không? Khổ. Nhưng tôi chấp nhận điều ấy như là bàn đạp để vươn lên. Nếu bạn không chấp nhận, bạn sẽ ngã. Anh chị họ tôi, sau năm 1975, mất hết tất cả, kể cả việc học hành. Hàng ngày phải đi làm thuê, mót lúa, bắt cá...để mưu sinh. Sang Mỹ, chỉ với công việc dọn dẹp phòng và làm thợ nấu trong khách sạn, họ đã tậu được nhà, xe. Cực không? Cực. Nhưng so với công việc ở VN, thì công việc này chỉ là chuyện nhỏ. Với sự cố gắng, cần cù, vài năm sau anh thăng chức làm sếp, người chị thì làm chủ, và tậu  căn biệt thự với bảy phòng ngủ, bảy phòng tắm.
Bất cứ công việc nào, bất kỳ ngành nghề nào, cũng có sự cực khổ riêng của nó. Nails cực theo Nails, Kỹ sư cực theo Kỹ sư, Bác sĩ, Dược sĩ, hay làm việc tay chân phổ thông đều có những cái cực riêng. Người Việt mình hay mang nặng tính nghề nghiệp, cùng là một anh thợ, nhưng anh thợ sửa computer sẽ được trọng vọng hơn anh thợ sửa xe, anh làm bếp. Hay quan niệm đi làm công việc này là làm mọi cho người ta. Xin thưa rằng, đi làm bất kỳ công việc nào cũng là đi làm mọi hết, và ở trên đời này không có một cái nghề lương thiện nào xấu cả, chỉ có con người làm xấu cái nghề thôi, Người Mỹ họ tôn trọng tất cả các công việc, ngành nghề vì mỗi người có mỗi năng khiếu và sự lựa chọn riêng cho công việc của mình.
Có người nói rằng: nước Mỹ là thiên đàng của tuổi thơ, là chiến trường của tuổi trẻ, là địa ngục của người già. Điều này đúng, vì tuổi thơ ở Mỹ là tương lai của đất nước nên được rất nhiều ưu ái và bảo vệ. Khi lớn lên, ra trường, ra đời, phải làm việc, không ngừng học hỏi để tồn tại và vươn lên. Khi đến tuổi xế chiều, vì không còn khả năng làm việc, lái xe..., hàng ngày chỉ thui thủi ở nhà một mình nên rất buồn chán.
Nói tóm lại: Mỹ không là thiên đường. Phải làm việc, học hành cực nhọc. Phải tự kiếm tiền (vì không ai nuôi ai, như câu ca dao/thơ mà tôi đã học thuở nhỏ: Có làm thì mới có ăn/Không dưng ai dễ đem phần cho ta. Hay: Tay làm hàm nhai...) Mọi công việc đều có sự cực khổ riêng của nó. Và cái câu cũ rích nhưng vẫn đúng đó là: Nếu thấy đủ, sẽ đủ. Bằng lòng với những gì mình có. Học hỏi để vươn lên. Ở đâu cũng phải làm việc. Công việc nào cũng cực.

Còn một điều nữa là, tuỳ vào sự nhận thức của từng cá nhân. Bản thân tôi, khi còn ở VN không được một đãi ngộ nào từ chính phủ vì cái "tấm lý lịch-con "nguỵ"". Ngày bạn bè tôi khăn gói đến trường để thi vào đại học thì tôi phải có mặt ở một đồn công an tỉnh để trình diện vì những lý do không đâu. Qua Mỹ, tôi được những ưu đãi như một công dân Mỹ, được học hành trở lại, có bằng cấp, công việc. Hơn nữa nơi đây, dù xứ người, nhưng tôi đã có tất cả: Ba Mẹ, gia đình, bạn bè, học vấn, công việc... nên tôi vẫn cảm thấy rằng đây là nơi chốn của tôi, dĩ nhiên tôi đã, đang, và sẽ và không bao giờ quên nguồn gốc của mình: máu đỏ, da vàng, và đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Nếu quý vị cô đơn ở xứ này, thiếu thốn tình thương, tình bằng hữu, thì quý vị sẽ thấy rằng đây không phải là đất của mình. Lời cuối cùng của tôi là: Nếu ai đó muốn sang Mỹ hay bất cứ quốc gia nào định cư với bất kỳ lý do gì thì hãy tìm hiểu nơi mình sẽ đến trước (đây là kinh nghiệm của phụ thân tôi) để có những bước chuẩn bị chu đáo, nhất là về mặt tinh thần. Đừng bao giờ nghĩ rằng qua Mỹ, hay các quốc gia phương Tây, để được hưởng thụ, được có nhiều tiền (đúng nếu bạn có công ăn việc làm ổn định). 
Chúc tất cả quý vị một mùa Giáng sinh an lành, một năm mới 2018 thịnh vượng.
BQ

No comments:

Post a Comment