Sunday, August 7, 2016

Tấm ảnh không hồn

Tấm ảnh không hồn

Mùa đông đang đến, tuyết rơi, tuyết rơi đầy. Trong căn phòng vắng ở một khu phố đẹp trong thành phố Toronto, Canada, Tuấn đang dọn dẹp lại đồ đạc trong phòng, và sắp xếp lại giấy tờ, hình ảnh trong các ngăn tủ. Mấy ngày nay chàng ở một mình vì vợ chàng đã về Việt Nam thăm nhà, hai thằng con trai đã có vợ và ở riêng, tận bên kia biên giới, Mỹ quốc. Đang sắp xếp lại mấy cuốn album, bất ngờ một tấm ảnh trắng đen rơi xuống sàn nhà. Tấm ảnh một cô nữ sinh trung học trong tà áo dài trắng thướt tha, dễ thương. Đó là tấm ảnh của Thuỷ Tiên, người bạn gái của Tuấn thời trung học.

*****
Thập niên 1960, Tuấn là một học sinh lớp 10 của trường trung học Tạ Thu Thâu thuộc quận Lấp Vò, Sadec. Chàng không phải là cư dân của Lấp Vò hay Vàm Cống, mà là cư dân của xã Hoà An, thuộc quận Chợ Mới, An Giang, nhưng vì nhà chàng nằm bên kia sông ở bến đò Thông Lưu, cho nên chàng chọn trường Tạ Thu Thâu vì nó gần nhà chàng hơn. Chỉ cần ngồi đò qua sông, đạp xe ít phút là tới trường. Dạo đó chàng có thằng bạn thân ở ngoài xóm Lá. Sở dĩ được gọi là xóm Lá vì xóm nầy chuyên buôn bán lá chằm nón. Xóm có đâu khoảng 50 nhà dân, và đa số sống bằng nghề cung cấp lá để chằm nón lá. Từ bến bắc Vàm Cống đi trở ngược về hướng Sa Đéc, khách sẽ thấy một ngã 5. Nơi đây có năm con đường, một là hướng về Lấp Vò, Sa Đéc, một dẫn xuống xã Đinh Yên, một đi về xóm Lá, có bến đò qua Hoà An, Chợ Mới, và hai con đường còn lại là đường một chiều dành cho xe lên xuống  bến phà Vàm Cống. Từ ngã 5 rẽ trái, đi độ vài trăm thước sẽ bắt gặp ngay xóm Lá. Xóm trải dài từ lò heo quay ông Bảy Phú xuống tới bến đò qua Hoà An và kéo về bên phải đến nhà máy xay lúa Năm Thâu, giáp với xóm Nơm (là xóm chuyên nghề làm Nơm) tạo thành một chữ L. Hằng ngày người dân đem lá ra đường để phơi khô, rồi giao cho thợ chằm nón ở Thông Lưu. Sau khi nón lá được hoàn tất sẽ được giao cho lái buôn để tung ra thị trường khắp nơi. Xóm Lá hưng thịnh nhất vào những năm cuối của thập niên 1960, vì vậy nó cũng gắn liền với tuổi học trò của Tuấn dù gia đình chàng chẳng dính dáng gì đến nghề lá nầy. 

Những năm theo học tại trường trung học Tạ Thu Thâu, vì thường ở lại nhà Dũng chơi nên Tuấn đã quen được Thuỷ Tiên, một cô gái ở nhà đối diện và nhỏ hơn chàng một tuổi. Tình yêu của đôi học sinh trung học nó đẹp làm sao. Sáng nào chàng cũng đạp ngược trở ra xóm Lá để cùng đi học với Thuỷ Tiên. Hai người đạp xe song song với nhau ra ngã Năm rồi đến trường theo đường Liên tỉnh. Những khi có bài vở khó khăn cần giúp đỡ thì chàng qua nhà nàng và hướng dẫn tận tình. Cả hai cùng học, cùng chơi. Vừa là người yêu của nhau, vừa là bạn. Gia đình hai bên cũng không phản đối tình yêu của Tuấn và Thuỷ Tiên, chỉ khuyên răn hai đứa ráng học để sau nầy không cực cho cái tấm thân. Mỗi thứ Bảy và Chủ Nhật, chàng lại lọc cọc đạp xe ra nhà Dũng ngồi chơi rồi cùng Thuỷ Tiên đi bộ ra chợ Vàm Cống, cách đó vài trăm thước ăn sáng. Có khi qua Long Xuyên đi xem phim hay cải lương. Cuộc sống êm đềm bình lặng với những ước mơ, hoài bão của đôi trẻ lặng lẽ qua đi. Và rồi năm cuối cùng của Tuấn cũng đã đến. Chàng đã đậu Tú tài và xuống Cần Thơ để theo học ngành kỹ sư Hoá học. Đêm cuối cùng gặp nhau, Thuỷ Tiên đã ngã đầu vào bờ vai Tuấn mà thỏ thẻ:

--Ngày mai là anh đi rồi, còn lại em một mình ở đây, chắc là người ta nhớ anh chết mất.

Tuấn an ủi người yêu:

--Mình xa nhau nhưng tâm hồn mình vẫn ở bên nhau. Ngày nghĩ anh sẽ về thăm em, và chúng mình sẽ đi ăn, đi xem phim. Em ở nhà phải học cho giỏi và theo anh xuống Cần Thơ để học tiếp bậc đại học.

Thuỷ Tiên nhỏng nhẻo:

--Em hỏng chịu đâu. Tự nhiên cái đi thiệt xa bỏ người ta ở lại một mình à. Mấy năm nay ngày nào cũng đi học chung với anh. Không hiểu bài có anh giảng giải, bây giờ còn lại mình ên, mỗi ngày đi học chắc là buồn lắm.

Tuấn nói:

--Bởi vậy em phải ráng học cho giỏi rồi xuống Cần Thơ với anh.

Thuỷ dãy nãy:

--Nhưng mà một năm lâu quá à.

Tuấn vổ về:

--Năm nay em đã là nữ sinh của lớp 12 rồi, phải ráng học đó cô nương để không phụ lòng ba má và cả anh nữa, nghe hông?

Thuỷ nhỏ nhẹ:

--Dạ, nhưng mà anh xuống đó không được léng phéng với cô nào đó nhe.

Nói xong nàng đưa cho chàng tấm hình và nói:

--Đây là tấm hình của em mới chụp đó, tặng anh làm kỷ niệm. Anh phải để nó bên mình suốt đó nhe, xem như có em bên cạnh.

Chàng cũng móc từ trong túi áo ra một chiếc nhẫn "cỏ":

--Bây giờ anh tặng em nhẫn nầy như là lời ước hẹn của anh. Sau nầy anh sẽ tặng em nhẫn cưới thật.

Nàng cười mĩm:

--Ai thèm làm vợ anh chớ.

Chàng nói:

--Hỏng làm vợ anh thì làm vợ ai đây. Cả xóm nầy có thằng nào dám nhảy vô không? ha ha.


Thuỷ Tiên nhéo vào vế chàng một cái thiệt đau.
...
Chiến sự ngày càng leo thang khốc liệt. Ba Tuấn là một sĩ quan cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà nên ông thường xuyên vắng nhà. Cuộc sống yên bình của người dân đang ngày đêm bị đe doạ. Đâu đâu cũng có lịnh giới nghiêm. Về đêm làng xóm vắng teo không một bóng người càng làm cho khung cảnh thêm ảm đạm. Tuấn vẫn đang theo học ở Cần Thơ. Thuỷ Tiên sau khi tốt nghiệp trung học đã không đi học nữa vì tình hình rối ren nên ba má nàng đã bắt nàng phải ở nhà. Má Tuấn không đêm nào yên giấc, phần lo cho chồng, phần lo cho con. Thỉnh thoảng tiếng súng xa xa vọng về trong đêm càng làm cho bà thêm lo lắng. Bà đã bao lần gọi Tuấn trở về nhưng chàng nhất quyết phải học cho xong đại học, dù thời cuộc thế nào đi chăng nữa thì học vấn vẫn là tài sản quan trọng nhất. Tuấn nói như vậy với me chàng và đã thuyết phục được bà cho Tuấn ở lại học. Tuấn tốt nghiệp đại học được một tháng thì cái ngày tang thương ấy đến mang theo bao cảnh nhà tan cửa nát. Chàng cũng đã kịp về quê đoàn tụ cùng gia đình. Ba chàng sau đó không lâu đã bị đi tù ở khám lớn Long Xuyên, sau đó bị đày biệt xứ tận miền Bắc xa xôi mà hơn hai năm sau gia đình mới biết tin. Mối tình của Tuấn với Thuỷ Tiên cũng chỉ kéo dài thêm được hơn hai năm sau cái ngày oan nghiệt của đất nước, dân tộc. Ba mẹ nàng là những kẻ thức thời đã ngăn cấm tình yêu của hai người. Thuỷ Tiên lén lúc qua lại với người yêu được một thời gian, cũng mặn nồng ân ái. Tuấn thấy rằng mình vẫn còn may mắn vì  có Thuỷ Tiên bên cạnh trong lúc mọi thứ đã sụp đổ từ đất nước, gia đình, công danh sự nghiệp. Chàng đã bị xã hội mới ruồng bỏ vì là con của một sĩ quan mà họ gọi là Nguỵ. Vào một buổi sáng u ám, Tuấn tình cờ bắt gặp người yêu mình đã cặp tay cùng một người đàn ông khác. Hắn là một công an ở địa phương. Chàng nhìn thấy như sét đánh ngang tai. Chàng không ngờ rằng người yêu mình vì danh lợi đã phản bội mình trắng trợn như vậy. Bao nhiêu lời nguyện ước đã thành mây khói. Chàng vô cùng chán nản. Nước đã mất, nhà đã tan, cha đã đi tù, bây giờ người yêu đã phản bội. Đất trời sụp đổ....Đúng là lòng người khó đọ. Người tình từ thuở học sinh bây giờ cũng phản bội. Bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu bây giờ như muốn nổ tung, nhưng chàng đã kịp dằn lòng. Chàng nghĩ rằng, bây giờ gia đình mình đã lâm vào hoàn cảnh đau thương, nỗi đau của chàng đâu bằng nỗi đau của dân tộc. Nàng đã thay lòng, có níu kéo thì cũng chỉ là cái xác không hồn. Thôi, vậy cũng tốt, sẵn cuộc tình nầy cũng sẽ không đi đến đâu. cũng không đáng để mình lưu luyến.

Sáng nay, như thường lệ, chàng vẫn đạp xe ra chợ Vàm Cống cùng bạn bè cũ uống cafe và ăn sáng. Đang ngồi nhâm nhi ly xây chừng, ngày xưa chàng thích cafe sữa đá nhưng bây giờ tình hình kinh tế tài chánh đã không cho phép nữa nên chàng đành uống xây chừng, vừa để gặp gỡ bạn bè, vừa để giết thời gian, vì chả có gì để làm, vừa để đỡ ghiền cafe, nhất cử tam thập lục tiện. Đang phì phà điếu thuốc rê trên tay, bất chợt chàng bắt gặp Thuỷ Tiên tình tứ nắm tay tình địch, và cũng là thằng địch đi ngang qua và bước vào quán hủ tíu bên cạnh. Dù đã không còn gì nữa, nhưng chứng kiến cảnh tượng nầy, Tuấn không tài nào chịu nổi. Chàng định đứng dậy đi qua bên kia đục cho thằng đó một trận, nhưng đám bạn chàng đã khuyên can, bạn chàng nói:
--Mầy mà đụng nó là thiệt thân mầy thôi. Thường dân vô tội nó còn có thể cho một cái tội và bắt ngủ muỗi huống gì mầy đập nó, rồi nó còng tay mầy dẫn ra đó đánh đập mầy có ai hay.


Nghe vậy nên Tuấn tỉnh người và ngồi xuống xem như chưa hề thấy nàng. Cuộc sống càng lúc càng khắc nghiệt. Ba Tuấn liên tục gởi thơ về bảo mẹ Tuấn cho chàng về ngoại để tương lai được sáng sủa hơn. Sau tháng Tư đen, tài sản của gia đình Tuấn đã bị cướp trắng trợn từ cái TV, cái radio, cho đến cái bàn, cái ghế, và dĩ nhiên là ngôi nhà mà ông bà nội Tuấn để lại cho ba mẹ chàng. Bây giờ mấy mẹ con của Tuấn phải ở trong một cái chòi lá mà ngày xưa ông bà dùng để nuôi trâu bò. Khoảnh đất nầy là đất của gia đình chàng, vậy mà những ngày sau tháng Tư đen, chính quyền cs đã mượn danh nhân dân, lấy hết nhà cửa, đất đai, và mượn danh nhân dân cho cái ân huệ là được ở cái chòi lá sau nhà, và họ đã dựng hàng rào bao bọc quanh ngôi nhà lớn, chỉ chừa một lối đi nhỏ vừa cho một người đi bộ dẫn vào chòi lá nhà chàng. Mẹ chàng đã phải làm tất cả mọi công việc mà từ trước giờ bà chưa từng làm. Bà đã hy sinh tất cả vì đàn con, không quản gian lao khó nhọc, chắt chiu từng đồng để lo cho Tuấn và hai em chàng đi vượt biên. Và ước nguyện của ba chàng đã thành hiện thực khi mẹ Tuấn đã lo đủ số vàng theo yêu cầu để cho Tuấn vượt biên. Ngày giờ hẹn đã đến, chàng khăn gói lên đường về ngoại. Đêm đó mẹ Tuấn khóc rất nhiều, vì ngày mai nầy bà sẽ mãi mãi xa đứa con trai đầu lòng mà không biết ngày nào gặp lại. Suốt đêm bà ngồi cạnh bên Tuấn và trông chàng ngủ như lúc mới lên hai lên ba. Riêng Tuấn, chàng không tài nào chợp mắt được, vì ngày mai, chàng sẽ xa mẹ, xa các em, xa những gì thân thương nhất nơi đây dù nó đã không còn thuộc về Tuấn nữa. Chàng rất yêu Thủy Tiên, nhưng tất cả giờ đây chỉ là quá khứ. Chàng ngồi dậy ôm mẹ và khóc nức nở như đứa trẻ lên ba. Hai mẹ con ngồi tâm sự rất nhiều điều đến sáng hôm sau. Hành lý chàng mang theo ngoài vài bộ đồ còn có tấm ảnh của Thuỷ Tiên mà nàng đã tặng chàng lúc chia tay khi chàng khăn gói vào đại học. Đã bao lần chàng muốn quăng đi, nhưng rồi lại thôi, mà nói đúng hơn là không tài nào quăng đi được. Đó là kỷ vật duy nhất và cuối cùng của một mối tình đầu, mối tình học trò khó phai của chàng. Sáng nay chàng lại lấy nó ra, ngắm nghía rồi cho vào hành trang mang theo. Hành trang của chàng là những nỗi buồn mang nặng: nỗi buồn cho quê hương đất nước, nỗi buồn cho người cha đang bị tù đày khổ sai, nỗi buồn xa mẹ và các em thân yêu, nỗi buồn bị phản bội. Bao nhiêu nỗi buồn mang theo quằng nặng đôi vai chàng. Và rồi giờ ra đi đã đến. Chàng từ biệt mẹ và các em trong âm thầm. Chàng đi trong lặng lẽ. Qua sông như thường lệ, nhưng lần nầy chàng đi bộ, với một túi nhỏ cùng vài bộ đồ bên trong. Chàng lẩn thẩn bước đi trên con đường quen thuộc, qua xóm Lá, nơi tình yêu bắt đầu, nhìn lại ngôi nhà của người yêu và đưa mắt như muốn tìm lại bóng hình thân quen, bùi ngùi, bịn rịn. Và rồi chàng âm thầm bước thẳng về hướng chợ Vàm Cống để qua phà Vàm Cống về bờ Long Xuyên. Điểm hẹn là một nơi hẻo lánh ở thị xã Rạch Giá. Giờ G đã đến, chàng cùng bạn đồng hành xuống xuồng nhỏ để ra tàu lớn ở ngoài khơi. Qua bao ngày lênh đênh trên biển, tàu của Tuấn đã đến được đảo ở Mã Lai, và được tạm cư nơi đây để chờ đến nước thứ ba. Đó là những ngày cuối năm 1979. Sau đó Tuấn được đi định cư tại Canada vào năm 1984. Tháng Tám năm 1985 ba chàng được trả tự do sau mười năm tù đày khổ sai. Ông và gia đình được định cư tại Mỹ vào năm 1990 theo diện HO1.

****** Cuộc sống dần trôi, thoắt cái đã mấy mươi năm. Chàng bây giờ cũng đã ngoài 60, sắp được lên chức nội. Do lập gia đình trễ, nên có con trễ. Hai thằng con theo gót cha cũng lập gia đình trễ, vì vậy đến bây giờ chàng vẫn chưa có cháu để bồng. Còn người yêu cũ, qua tin tức từ bạn bè, cũng đã sang ngang bao mối tình, và giờ đây nàng đã là bà nội, bà ngoại của một bầy cháu. Ký ức về một mối tình đầu khó phai tưởng đã mờ nhạt theo thời gian. Tấm ảnh ngày xưa, tấm ảnh mà chàng viết những dòng chữ phía sau: "thề thốt cho nhiều, rồi bội phản", "tấm ảnh không hồn". 

Hôm nay tình cờ "tấm ảnh không hồn" nầy rơi ra từ tập album, bao ký ức vui buồn xưa quay về. Đang ngồi hồi tưởng về quá khứ thì cái giọng khàn khàn của thằng cha hàng xóm lại cất lên: "Tôi ngó về cuối trời, tay ôm kỷ vật tình yêu của tôi với người. Giờ chỉ còn lại tấm hình gìn giữ được thôi......Và lời thề thốt đầu môi, yêu chỉ có mình tôi suốt đời....Vài lần muốn huỷ tấm hình mà có được đâu, vì tình nầy khắc đậm sâu, quên thật khó người yêu lúc đầu". Làm cho chàng thêm nhức nhối. Nhưng chàng đã nhủ thầm, chuyện đã mấy mươi năm, mình cũng đã quên lãng, ai cũng đã có gia đình và cuộc sống riêng, có hoài niệm chăng thì cũng chỉ là một kỷ niệm đau buồn, có ngắm nhìn tấm ảnh xưa thì giờ đây nó cũng chỉ là một "tấm ảnh không hồn."

QThai

No comments:

Post a Comment