Thursday, September 28, 2017

Lang man chuyện của tôi

Lang man: một hành trình
(viết theo ký ức và cảm xúc-nhớ gì, nghĩ gì viết đó)
28 tháng 9 đánh dấu 20 năm tôi trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 20 năm với những buồn vui lẫn lộn, những thành công và thất bại, những vị ngọt đắng, và nhiều cái những khác. 25 tháng 9, đánh dấu 1/4 thế kỷ sinh sống, học hành, và làm việc tại xứ Cờ Hoa này.
 Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến đây, cái gì cũng lạ lẫm, và cái mà tôi nghĩ, ai đi xa cũng mang theo trong lòng, đó là nỗi nhớ, nhớ quê hương, nhớ bạn bè, nhớ Thầy Cô, nhớ bà con dòng họ, nhớ chòm xóm, và nhớ cả.....Hai mươi lăm năm với biết bao thay đổi của cuộc đời. Ngày mới đến, hành trang tôi mang theo chỉ là mảnh bằng trung học. Chỉ một tuần lễ, sau khi đặt bước chân đầu tiên lên lãnh thổ Hoa Kỳ, tôi đã đi làm, làm cái nghề mà bất cứ ai khi sang đây cũng làm như là một công việc đầu tiên, đó là "lái dĩa bay" tức rửa chén. Từ rửa chén ở nhà hàng Tàu, tôi được chuyển qua làm thợ phụ nấu. Nhưng ba tháng sau đó, hội USCC đã giới thiệu tôi vào làm ở một công ty Mỹ. Công việc cũng không có gì là vất vả lắm, mỗi tuần chỉ làm việc có 40 tiếng, 8 tiếng mỗi ngày. Thứ Bảy và Chủ nhật được nghĩ, nên tối thứ Sáu là thời gian đi chơi, tụ tập bạn bè ăn nhậu ca hát. Những buổi tối trong tuần, tôi ghi danh học tiếng Anh ở một trường công lập. Nơi đây tôi đã gặp và quen biết rất nhiều bạn bè Việt cũng như những sắc dân khác trên thế giới. Ngày qua ngày, sáng 8 tiếng làm việc, tối 4 tiếng học hành, và những giờ homework, coi như làm toàn thời gian và học cũng toàn thời gian, cuối cùng tôi cũng lấy được mảnh bằng Cử nhân (BS degree) rồi Tiến sĩ (Master degree). Có lẻ tôi là người may mắn nên từ khi qua Mỹ đến giờ, tôi chưa bao giờ phải cày đến đầu tắt mặt tối, mỗi ngày tôi chỉ làm việc 8 giờ đồng hồ, mỗi tuần 5 ngày. Sống ở đây lâu năm, không trở ngại ngôn ngữ, có gia đình người thân, có cha mẹ, có bạn bè, có công ăn việc làm ổn định, cái cảm giác sống ở xứ người đã không còn từ lúc nào. Điều này anh họ tôi đã nói khi tôi được anh đón từ phi trường về nhà, khi đó tôi nghĩ thầm là anh tôi nói xạo, nhưng anh không xạo chút nào.
Quan niệm của tôi rất đơn giản, khi mình thấy đủ, nó sẽ đủ, khi mình thấy sung sướng, nó sẽ sung sướng, thấy hạnh phúc, vui vẻ, nó sẽ cho mình điều ấy. Sung sướng và hạnh phúc nhất là có gia đình, có cha mẹ ở bên, và rất nhiều bạn bè nữa. Có lẻ vì thế mà tôi không cảm thấy cô đơn, hay sống tạm dung ở một nơi không phải là quê mình. Nói như thế, không phải là tôi không nhớ về quê hương mình bên kia bờ Thái Bình Dương. Tuy thời gian tôi sống ở Mỹ có lâu hơn khoảng thời gian mà tôi về sống ở quê Ngoại Vàm Cống (1975-1992) nhưng những kỷ niệm ở nơi ấy vẫn đong đầy trong tôi (khoảng thời gian trước 1975, tôi theo Ba Mẹ sống ở nhiều nơi, từ Nha Trang cát trắng, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, đến Cát Lái, Saigòn, Chợ Mới, và quê nhà Long Xuyên.)
Khoảng nửa cuối thập niên 80s, tôi đã sống chung với gia đình ÔB Út (em ruột của Bà Ngoại tôi), và có được một công việc do Cậu Hai Khánh giới thiệu. Nhờ sự chăm chỉ cần cù, và cũng nhờ có Cậu Hai gởi gấm, nên tôi luôn được mọi người ở đây thương mến. Còn nhớ Giáng sinh năm đó, 1988, tôi được ngồi xe hơi cùng với ông giám đốc, là một người rất dễ gần gũi và dễ mến, do anh Tùng làm tài xế, đến nhà hàng để ăn tiệc mừng Giáng sinh cùng toàn thể nhân viên của xí nghiệp. Những lúc các chú bác họp hành (xí nghiệp này thuộc diện bán tư nhân, văn phòng công ty như là đại bản doanh, còn các phân xưởng là những chi nhánh tư nhân hợp lại, mỗi ông là một ông chủ nhỏ của xưởng mình dưới sự kiểm soát của ông chủ lớn là giám đốc), tôi thường được cho mượn chìa khoá xe gắn máy để chạy, khi thì các loại Cub, lúc thì Dream, hay Honda CD, 67. Thỉnh thoảng còn được anh Tùng chở đi bằng xe hơi. Sau này tôi còn có các bạn làm việc ở công ty xuất nhập khẩu chở đi chơi bằng xe hơi trong các dịp hội hè lễ lạc.
ÔB Út là những người thương yêu con cháu hết mình, sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi cần thiết. Hồi tôi và Mẹ từ Cambodia trở về, năm 1985, đã trễ hạn đổi tiền, may nhờ có Ông Út giúp đỡ, nếu không, gia đình tôi đã mất hết toàn bộ số tiền mang về từ Cambodia. Con cháu Lê gia đã có rất nhiều người tá túc học hành hay làm việc tại nhà ÔB Út. Và tôi cũng đã ở đó hằng mấy năm trời. Ngôi nhà số 55 Gia Long này đã cho tôi nhiều kỷ niệm. Mỗi buổi sáng, khi Ông Út và mấy Cậu Dì người đi làm, người đi học, thì Bà Út xách giỏ đi chợ, rồi về tranh thủ vừa nấu cơm vừa coi bàn Bi-da để kịp cả nhà nghỉ trưa về ăn cơm. Tôi cũng vậy, sáng xách xe đi làm, trưa về ăn cơm cùng Ông Út và các Cậu, sau này có thêm Dượng, một bàn toàn đàn ông thanh niên cởi trần cùng nhau xơi cơm thật vui, rồi ngủ một giấc đến 1 giờ, thức dậy đi làm buổi chiều, 5 giờ về tắm rửa, ăn cơm tối, rồi xách xe đi chơi. Thỉnh thoảng coi tiếp bàn Bi-da hay sạp báo (sau này mới mở thêm). Còn nhiều lắm những kỷ niệm khó quên mà viết ra có thể hằng mấy chục trang.
Những năm cuối thập niên 80s đầu 90s, khi nghỉ làm ở xí nghiệp, tôi về làm bia với Cậu Ba tôi, Cậu Ba Minh. Vì là con cháu trong nhà, nên tôi được Cậu Mợ giao cho công việc gần như là quản lý, hàng ngày làm bia theo công thức, giao bia, nhận tiền, lấy về vỏ chai để làm mẻ mới. Nơi đây cũng có nhiều niềm vui và kỷ niệm với Cậu Mợ và hai đứa em nhỏ Phương Du và Tường Mai.

Lang man một chút, nhớ về kỷ niệm xưa mà tưởng như mới vừa hôm qua. 25 năm trôi qua, 25 năm tôi chưa một lần trở lại mảnh đất hình chữ S, nhưng trong lòng tôi bao giờ cũng nhớ về nơi ấy, nhớ về Vàm Cống, Long Xuyên với những người thân cùng bao Thầy Cô, bạn bè hiền hoà dễ mến. 
QThai

No comments:

Post a Comment