Thursday, March 22, 2018

TÌNH THÂN

TÌNH THÂN, TÌNH ĐỜI
Truyện ngắn Quốc Thái
Hoàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở miền Tây Nam phần. Tuổi thơ của anh gắn liền với những cơ cực của ruộng đồng, Hằng ngày sau giờ tan học thì anh phải lặn lội làm thuê làm mướn ở những cánh đồng để đổi lấy miếng ăn. Cha mẹ anh cũng tảo tần sớm hôm mà miếng ăn vẫn thiếu, áo quần vẫn không đủ. Dù vậy ông bà vẫn cố gắng cho Hoàng ăn học đến nơi đến chốn. Và không lâu sau đó Hoàng đã tốt nghiệp bậc trung học loại giỏi và nhận được một suất học bổng ở Sài Gòn.

Một năm ở Sài Gòn hoa lệ, Hoàng vừa học vừa làm, cuối cùng anh cũng tậu được một căn nhà nho nhỏ trong một xóm lao động nghèo. Kỳ nghĩ hè, Hoàng về quê thăm gia đình và bàn với cha mẹ về việc lên Saigon sinh sống:
-Ba Mẹ à, con thấy Ba Mẹ ở đây làm lụng cực khổ quá, hay là Ba Mẹ theo con lên Saigon sinh sống nha.
-Nhưng Ba Mẹ đã ở đây quen rồi, giờ lên Saigon biết làm gì hả con?
-Trên đó thì có thiếu gì công việc để làm. Ba Mẹ đừng có lo. Có cực mấy đi chăng nửa cũng không bằng cái cực ở quê mình.
-Thôi được rồi. Để Ba Mẹ tính- Mẹ Hoàng nói

Thắm thoát kỳ nghĩ của Hoàng cũng đã hết. Chàng từ giã cha mẹ và xóm giềng để lên Saigon mài dùi kinh sử. Ban ngày đi học, ban đêm đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Hoàng nhận được học bổng từ một công ty lớn ở Saigon nên tiền học hành là chàng không cần phải lo. Biết tiết kiệm chi tiêu, chàng còn có thể có dư thêm chút ít từ phần học bổng này.  Hoàng sống rất hiền lành, lễ phép, thường hay giúp đỡ những người chung quanh nên ai ai cũng yêu mến chàng. Những khi rãnh rỗi, chàng hay dạy những đứa trẻ trong xóm học bài. Cái xóm này là xóm của dân tứ xứ. Họ đều là những người nghèo ở dưới quê lên đây để mưu sinh. Họ tuy là những người nghèo về tiền bạc nhưng họ rất giàu về tình cảm. Dù rằng họ đến từ khắp mọi nơi, nhưng giữa họ như có một sợi dây ràng buộc với nhau, khiến họ trở thành những người thân như người trong một gia đình.
Trong lúc Hoàng ở Saigon học hành và làm việc, ba mẹ Hoàng ở quê thu xếp công việc để chuẩn bị lên Sài thành sống cùng con trai. Ban đầu họ định bán đi căn nhà nhỏ của mình để làm vốn, nhưng sau đó nghĩ lại, họ không bán, vì bán cũng chẳng được bao nhiêu, mà sau này nếu có muốn trở về thì cũng còn chổ để mà chui ra chui vào trú nắng mưa. Ngày ra đi, họ nhờ hàng xóm, những người nghèo tốt bụng coi chừng cái nhà dùm họ.
Lên đến Saigon, cha mẹ Hoàng rất yên tâm khi thấy con mình học hành chăm chỉ, làm việc siêng năng, được bà con chòm xóm thương yêu, được ông chủ quý mến. Vì sự cần cù của Hoàng mà không lâu sau đó ông chủ đã tặng cho chàng một chiếc xe gắn máy đời mới để tiện việc đi lại. Bà con chòm xóm ai cũng khen Hoàng nức nỡ, và càng quý mến chàng hơn bởi vì hôm nay dù Hoàng, có thể nói là thành đạt rất nhanh trong con đường học vấn cũng như sự nghiệp, nhưng chàng vẫn như ngày nào mới chân ướt chân ráo lên Saigon và trọ tại nhà Cô Bảy ngay tại cái xóm này. Chàng vẫn thường xuyên giúp đỡ mọi người, dạy các em nhỏ học hành mỗi buổi tối. Trong cái xóm lao động nghèo này, cũng có ít nhất mươi cô cậu sinh viên, trong đó Hoàng thân nhất là Diễm. Diễm quê gốc Rạch Giá, lên Saigon theo gia đình và sống trong cái xóm này cũng gần mười năm. Diễm là sinh viên trường Y, còn Hoàng học về Kinh tế.  Không lâu sau đó thì tình yêu nảy nở giữa Kinh tế và Y khoa. Tình yêu của Hoàng và Diễm đều được cha mẹ hai bên chấp thuận, nhưng họ luôn dặn dò con cái của mình là phải ráng học thành tài, đừng vì chuyện tình yêu hay ham tiền mà sao lãng việc học.

Chiều nay cuối tuần, ngày mai không phải đi học hay đi làm, Hoàng hẹn Diễm đi ra ngoài ăn tối và xem phim. Khi cả hai đã yên vị trong nhà hàng, Hoàng nói với Diễm:
-Chủ nhật này anh đi công việc dùm cho sếp. Sáng sớm anh đi, chiều về.
-Anh đi công việc gì vậy? Ở đâu? Và anh đi bằng gì?
-Sếp nhờ anh mang đồ ra Vũng Tàu cho người nhà của sếp.  Đi xe của công ty.
-Vậy người ta đến đón anh hả?
-Đúng rồi em.
Vừa lúc đó thì người phục vụ đến và hỏi họ chọn thức ăn.
-Em gọi đồ ăn đi-Hoàng nói.
Diễm gọi vài món ăn đơn giản mà cả hai cùng thích.
Hai người cùng ăn, cùng dệt lên tương lai tươi đẹp của mình.

Ngày Hoàng đi Vũng Tàu, Diễm và cả ba mẹ của Hoàng cùng ra tiễn chân. Đây là lần đầu tiên Hoàng đi ra khỏi thành phố này mà không phải là về quê. Thật ra, từ ngày ba mẹ chàng lên Saigon sinh sống, cả gia đình chưa ai một lần về quê. Ba mẹ Hoàng được một người hàng xóm tốt bụng truyền cho bí kiếp nấu phở, hủ tíu, và sang rẻ lại cái xe hủ tíu trước khi hai ông bà ấy từ giả Saigon về quê làm nghề giữ cháu nội ngoại, nên ông bà cũng bận rộn suốt ngày, thành thử, thoắt cái ba năm, chuyện nhớ quê, muốn về quê, hay về thăm quê đã không còn trong ý nghĩ của họ nữa. Về phần Hoàng, chàng đã tốt nghiệp loại ưu, và được giữ lại làm ở công ty mà chàng đã làm khi còn đi học. Được cất nhắc lên làm trưởng phòng kinh doanh. Diễm vẫn còn hai năm nữa mới ra trường. Lần đi Vũng Tàu này là việc riêng cho sếp, nhưng cũng được xem là chuyến công tác đầu tiên của chàng.

Mặc dù sự nghiệp của Hoàng trong một năm qua có thăng tiến, nhưng chàng vẫn rất khiêm tốn, vẫn ở cái xóm lao động nghèo ấy, vẫn thường xuyên giúp đỡ mọi người và dạy các em nhỏ học. Mọi người trong cái xóm này thân thiết nhau như ruột thịt. Hễ nhà nào có chuyện gì cần giúp, hay có vấn đề gì đó ngoài xã hội, hoặc tài chính, thì cả xóm đồng lòng, góp sức giúp đỡ. Họ chia vai vế với nhau theo tuổi tác, nếu cùng tuổi thì ai sinh trước sẽ là người lớn hơn. Thời gian lặng lẽ trôi, tình thân của họ ngày càng đầm ấm và khắn khít...

Hoàng thăng chức tăng lương như diều gặp gió. Mới đó mà đã được sếp bổ nhiệm làm giám đốc công ty và cai quản hàng loạt các chi nhánh khắp nơi trong thành phố. Bây giờ chàng thuộc diện dưới một người mà trên trăm họ. Rồi những hợp đồng làm ăn, Hoàng là người đứng ra lo toàn bộ giấy tờ sổ sách từ A đến Z. Ông sếp như mờ nhạt, như là một cái bóng của chàng. Hoàng là người có bản tính cần cù, lương thiện, chịu thương chịu khó, và hoà đồng với mọi người, nên dù thành đạt đến đâu, chàng vẫn như ngày xưa.
Một hôm sếp chàng gọi vào và nói:
-Anh nhờ chú đem mấy thùng nước đá này qua cho anh Hai. Vì tủ lạnh nhà ảnh bị hư nên tạm thời không có nước đá.
-Dạ anh, em làm ngay bây giờ.
-Nhớ cẩn thận nghe không, coi chừng hư mấy cái thùng của anh. Anh muốn chính tay chú mang đi, để vào thùng cho anh Hai, và đem mấy cái thùng này về cho anh, để anh còn chứa đá cho ảnh khi ảnh cần.
-Sếp yên tâm. Em sẽ cẩn thận và tự tay làm lấy.

Và chàng đã làm công việc này tổng cộng đến mười lần, cho đến khi sếp anh bảo anh Hai đã mua tủ lạnh mới rồi, chàng mới ngưng. Nhưng được ít hôm thì sếp lại bảo đi giao đá cho mấy quán bar mà sếp nói là của người quen, bạn bè, người thân của sếp. Mỗi lần như vậy đều do chính tay Hoàng, và chỉ duy nhất có Hoàng là người thực hiện. Sau mỗi lần giao đá thì sếp lại cho một số tiền gọi là bồi dưỡng và cà phê.  Hoàng luôn thầm nghĩ, mình có phước thiệt, gặp được Diễm hiền lành, nết na, thuỳ mị, lại có được ông sếp quá tốt bụng, luôn nâng đỡ và tạo điều  kiện cho chàng, và còn cho mình cơ hội để đền ơn. Không những thế còn luôn bồi dưỡng phụ trội cho mình nữa. Ba mẹ chàng, Diễm, cùng bà con chòm xóm cũng vui lây với Hoàng nhưng họ luôn bảo Hoàng cần nên cẩn thận, vì ở đời không ai giúp đỡ hay cho không mình cái gì mà không có điều kiện cả. Mặc dù Hoàng luôn miệng nói với mọi người rằng chàng biết và sẽ nghe lời mọi người nhưng trong thâm tâm chàng lại cho rằng mấy người này đa nghi quá, và luôn nghĩ xấu cho người khác. Bản thân chàng cũng là người thường hay giúp người khác mà có đòi hỏi gì đâu. Cho đến một hôm.... xe Hoàng đang bon bon trên đường phố thì bị chặn lại bởi một toán cảnh sát tuần tra. Sau khi dừng xe, Hoàng ngơ ngác hỏi:
-Xin lỗi các anh chặn xe tôi lại có gì không? Tôi không vi phạm tốc độ, cũng không phạm bất cứ một luật giao thông nào
-Xin anh vui lòng cho chúng tôi xem giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ xe-Vị chỉ huy ôn tồn nói
-Đây là giấy tờ của tôi. Toàn bộ đều hợp pháp-Hoàng vừa xuất trình giấy tờ vừa nói
-Anh có thể mở thùng xe cho chúng tôi xem được không? Anh chở gì?
-Được chớ, không thành vấn đề. À! tôi chỉ chở nước đá dùm cho sếp của tôi mà thôi.
-Anh mở thùng nước đá ra xem-Vị chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp của mình.
-Dạ không có gì khả nghi ngoài nước đá thưa Thiếu tá.
-Được. Tôi mời anh về đồn cảnh sát vì chúng tôi cần làm rõ một số vấn đề.
-Nhưng tôi sai điều gì? Các anh phải cho tôi biết chớ.
-Về đến nơi tôi sẽ cho anh biết lý do- Vị Thiếu tá nói

Hoàng không còn cách nào hơn là lái xe chở người chỉ huy về trung tâm của họ. Và tại đây, Hoàng và cả những cảnh sát viên đều trố mắt ngạc nhiên khi trong những cục đá kia là những gói bột trắng giết người lộ ra khi nước nóng được tưới lên làm tan chảy nước đá. Và Hoàng bỗng lạnh người khi cái còng số tám tròng vào cổ tay chàng sau khi bị bẻ ngoăc ra sau và giọng nói lạnh lùng của vị chỉ huy cất lên:

-Anh Hoàng, anh đã bị bắt vì tội lưu trữ và vận chuyển ma tuý. Bây giờ thì anh không cần nói gì, nhưng những gì anh nói sẽ làm bằng chứng khi ra toà.
Hoàng điếng hồn không còn nói được một lời nào.

Tin Hoàng bị bắt về tội vận chuyển ma tuý đã làm cha mẹ chàng ngã quỵ, và hàng xóm bàng hoàng không tin đó là sự thật. Riêng bản thân Hoàng quá đỗi ngạc nhiên đến không nói được một lời nào. Qua kết quả điều tra, thì Hoàng là người cầm đầu đường dây vận chuyển ma tuý, mặc dù các nhà điều tra biết được rằng có người đứng sau lưng Hoàng và xúi Hoàng làm việc này. Hoàng hoàn toàn không hay biết gì. Nhưng sự phán xét luôn dựa trên chứng cớ. Những chứng cớ mà nhà chức trách thu thập được đều bất lợi cho Hoàng. Tất cả những gì liên quan đến Hoàng đều bị niêm phong và tịch thu kể cả căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo. Bà con nơi đây đều tin Hoàng vô tội. Họ đã góp công, góp sức, góp chút ít của của mình để giúp cha mẹ Hoàng chạy lo cho chàng. Ông sếp dễ thương của chàng giờ đây bỗng dưng thành người xa lạ. Hoàng đã cung cấp những gì chàng biết cho nhà chức trách, và các điều tra viên cũng đã biết được rằng sếp của Hoàng là người chủ mưu, là kẻ đứng đầu, Hoàng chỉ là con tốt thí mà thôi. Nhưng họ không tìm ra bất kỳ chứng cứ phạm tội nào của sếp Hoàng, mà ngược lại, mọi thứ đều do Hoàng chủ mưu. Hoàng vô tội, nhà chức trách biết, bà con chòm xóm biết, cha mẹ chàng biết, người yêu biết, tất cả ai cũng biết, nhưng mọi người đành bất lực, dù bao nhiêu tiền của chắt chiu dành dụm được bấy lâu nay đã ra đi nhưng vẫn không cứu được Hoàng thoát tội chung thân, đó là mức án đã được thẩm phán giảm xuống một bậc từ tử hình.

Ngồi trong tù Hoàng ngẫm nghĩ lại chuyện xưa.  Nhớ lại cái buổi ban đầu gặp ông Tuấn, người sếp dễ mến của chàng. Hôm đó Hoàng đi làm đêm về như mọi hôm, đang nghêu ngao hát một bài tình ca và hóng gió mát ban đêm, bỗng từ đâu có bốn thanh niên bặm trợn, xâm đầy mình, đi trên hai xe mô tô phân khối lớn, ép chàng vào lề đường uy hiếp và đánh đập chàng. Còn đang ngơ ngác chẳng biết chuyện gì xảy ra, thì ông Tuấn xuất hiện. Gọi là ông chớ Tuấn chừng khoảng ngoài bốn mươi, dáng người lực lưỡng. Tuấn đã tả xung hữu đột đánh trả bọn chúng và cứu chàng thoát hiềm. Cả bọn bốn tên thấy không đánh lại Tuấn bèn lên xe bỏ chạy. Hoàng được Tuấn đưa vào bệnh viện chữa trị. Tuấn đã ở lại với Hoàng suốt đêm hôm đó, và liên tục tới lui chăm sóc chàng cho đến khi Hoàng xuất viện. Chàng được Tuấn thanh toán hết tiền lệ phí của bệnh viện. Và sau đó chàng còn được ông Tuấn mời vào làm ở công ty của mình với công việc văn thư, rồi được giữ lại và thăng chức sau khi Hoàng tốt nghiệp đại học. Và cũng từ đó con đường công danh sự nghiệp của chàng lên như diều gặp gió cho đến ngày bị bắt. Giờ đây ngẫm nghĩ lại, chàng mới nhận ra rằng mọi việc đều không phải tình cờ mà đến. Từ việc chàng bị đánh, đến việc Tuấn xuất hiện, chăm sóc ở bệnh viện, cho vào làm ở công ty, thăng chức, tăng lương, v.v... tất cả đều có sự sắp xếp. Chàng ngộ ra rằng, những gì mà mình dễ dàng có được, nhất là những đồng tiền, bổng lộc, danh lợi ... đều dễ dàng biến mất. Giữa những con người tình cờ gặp và quen biết nhau, có thể là do nhân duyên, và cũng có thể là do sự sắp đặt cho một mục đích nào đó. Hoàng vô cùng đau xót khi biết được rằng một người mà mình hằng ngưỡng mộ, một người mà mình luôn xem là ân nhân, lại là kẻ đẩy mình đi vào con đường chết như thế này. Chàng thương cho ba mẹ chàng bên ngoài phải vất vả ngược xuôi để lo cho chàng thoát vòng lao lý. Thương cho Diễm đã dỡ dang mối tình đầu, thương cho bà con chòm xóm, cũng đã vì chàng mà bôn ba, thương cho bầy trẻ nhỏ trong cái xóm nghèo nhưng đầy tình thương yêu sẽ phải lớn lên trong một xã hội đầy cạm bẫy, lừa lọc. Suy nghĩ miên mang, chàng mệt quá thiếp đi lúc nào không hay.

Đã có những lúc chàng muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến những người thân, chàng đã cố gắng vượt qua. Bên ngoài ba mẹ chàng và bà con trong cái xóm nhỏ này cùng với Diễm vẫn ngày đêm tìm cách minh oan cho chàng. Sau ba năm kiên trì của tất cả mọi người, cuối cùng Hoàng cũng được giải oan, khi Tuấn bị sa lưới pháp luật. Dẫu sau hắn cũng còn có một chút lương tâm là đã giải oan cho Hoàng. Ba năm tù oan uổng đã cho Hoàng một bài học quý giá về cái tình đời chó má và cái tình thân quý giá trong cuộc đời này.

QThai